3 tháng quyết định 3 năm lãnh đạo Nhà Trắng của Tổng thống Biden

Nếu mọi việc suôn sẻ, Tổng thống Joe Biden có thể tạm biệt mùa Hè với thắng lợi trong đối nội, tạo được sức hút về đối ngoại. Nếu không, ông sẽ gặp bất lợi ở cả hai mặt trận này trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Cleveland, Ohio, Mỹ, ngày 27/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico, vài tuần tới có thể sẽ là quãng thời gian quyết định chiều hướng, cục diện nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hoặc là ông sẽ có được các dự luật quan trọng được lưỡng đảng thông qua về gói chi tiêu hạ tầng, cải cách ngành cảnh sát cũng như nâng tầm vị thế của Mỹ trên trường quốc tế sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu, gặp thượng đỉnh với đồng cấp người Nga Vladimir Putin. Nhưng nếu mọi việc không thuận lợi, ông Biden có thể đối mặt với thế bế tắc trong chính sách đối nội, những đổ vỡ trong các chương trình nghị sự đối ngoại đầy tham vọng.

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ cơ bản làm chủ được chương trình nghị sĩ chính trị. Chính quyền mới đặt ra ưu tiên rõ ràng về phòng chống đại dịch COVID-19 và cá nhân ông Biden đã thực hiện vượt mức mục tiêu đề ra về tiêm phòng vaccine cho hàng triệu người dân Mỹ, cũng như thông qua gói kích thích kinh tế quy mô 2.000 tỉ USD.

Nhưng vài tuần lại đây, nhiều thách thức đã nổi lên, từ thiếu hụt nguồn nhiên liệu liên quan đến sự cố tấn công mạng nhằm vào Colonial Pipeline, cho đến cuộc xung đột ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ cũng không thể hoàn tất mục tiêu ký ban hành dự luật cải tổ ngành cảnh sát đúng hạn. Tháng 6 này sẽ là thời điểm then chốt với ông Biden, tạo cho ông cơ hội để lấy khả năng kiểm soát, thực thi chương trình nghị sự.

Nhà Trắng hiểu rằng họ đang chạy đua với thời gian. Giới quan chức cao cấp, mà nhiều trong số này từng làm việc dưới chính quyền Barack Obama, là những người thấu hiểu rõ nhất về quyền lực hạn chế mà một tổng thống đương nhiệm phải đối mặt khi thúc đẩy trương chình hành động. Cuối năm nay, thành viên Quốc hội sẽ lại tập trung vào chiến dịch tái tranh cử.

Nếu phe Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện – điều thường xảy ra trong các cuộc bầu cử giữa kỳ đối với đảng cầm quyền, ông Biden sẽ mất cơ hội tạo lập các thành tựu về những dự luật lớn được thông qua.

Trên mặt trận đối nội, Nhà Trắng có kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán sau kỳ nghỉ lễ với phe Cộng hòa, liên quan đến đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính đột phá, với kỳ vọng sẽ đạt được “đường hướng rõ ràng” về cách thức thúc đẩy, thông qua dự luật khi Quốc hội hoạt động trở lại, bắt đầu từ phiên họp ngày 7/6.

Trước kế hoạch trị giá 1.700 tỉ USD chi cho hạ tầng, phe Cộng hòa tại Thượng viện hồi tuần trước đưa ra đề xuất phản hồi trị giá 1.000 tỉ USD. Ông Biden trong tuần này dự kiến có cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito, người đứng đầu nhóm đàm phán của phe Cộng hòa với Nhà Trắng về gói chi tiêu này.

Dự luật do phe Cộng hòa đệ trình giữ lại phần lớn ưu tiên chủ chốt của ông Biden, như xây dựng đường bộ, đường sắt, phương tiện vận tải công cộng. Nhưng hai bên hiện bất đồng về nguồn tài chính. Phe Cộng hòa muốn dựa vào nguồn tiền trong gói giải cứu kinh tế chống COVID-19 chưa dùng đến, điều bị Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ. Giới cố vấn của ông Biden đề xuất rút lại một số điểm trong gói cải cách thuế được thông qua năm 2017 để bổ sung nguồn tài chính – nhưng đây cũng chính là giới hạn đỏ với các nghị sĩ Cộng hòa.

Ở một mặt trận khác, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện đều đang tìm cách thúc đẩy dự luật cải cách cảnh sát, điều có thể sẽ mang lại cho ông Biden một chiến thắng khác khi kết thúc mùa Hè. Nhà Trắng vừa qua gần như đứng ngoài tiến trình đàm phán về dự luật này, vì không muốn làm chệch hướng thảo luận. Nhưng gần đây ông Biden liên tục kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách ngành cảnh sát.

Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng tiết lộ, giới chức cấp cao Mỹ lạc quan trước viễn cảnh ông Biden bước vào tháng 9 với nhiều dự luật lưỡng đảng được hoàn tất ký phê chuẩn, trong đó có gói cải cách cảnh sát, xây dựng cơ sở hạ tầng, phục hồi kinh tế, xác lập được ưu thế rõ nét cho đảng Dân chủ trước khi bước vào bầu cử giữa kỳ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Về đối ngoại, ông Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu, trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Tổng thống Nga Putin tại Geneva dự kiến ngày 16/6. Ông Biden tuyên bố mong muốn tìm kiếm “quan hệ ổn định, có thể đoán định” với Nga và cùng hợp tác với ông Putin về những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu.

Trước khi ngồi xuống bàn đàm phán với ông Putin, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự kỳ họp thượng đỉnh Nhóm G7 tại Anh và tiếp đến là Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussells trong nỗ lực hàn gắn quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn chịu nhiều căng thẳng sau 4 năm cầm quyền của ông Trump.

Sau khi lên nắm quyền, ông Biden nỗ lực loại bỏ học thuyết “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm, thay vào đó là quan điểm “Nước Mỹ trở lại” thông qua tái can dự liên minh, quay trở lại với thiết chế đa phương toàn cầu. Các cuộc gặp tại châu Âu sẽ là cơ hội đầu tiên để Tổng thống Mỹ định hình tầm nhìn chính sách đối ngoại của Mỹ trên trường quốc tế và cũng là dịp để ông thuyết phục giới lãnh đạo thế giới rằng Mỹ có thể lại là một đối tác tin cậy.

Tổng thống Mỹ dự kiến tới Anh dự Hội nghị G7 từ 11-13/6. Đó cũng có thể xem màn khởi động trong giai đoạn 3 tháng căng thẳng vốn có thể sẽ quyết định xu hướng và cục diện 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Biden.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Politico)
Moskva phát đi tín hiệu ‘không dễ chịu’ trước thềm thượng đỉnh Nga-Mỹ
Moskva phát đi tín hiệu ‘không dễ chịu’ trước thềm thượng đỉnh Nga-Mỹ

Ngày 31/5, Nga thông báo nước này sẽ gửi những tín hiệu được coi là “không mấy dễ chịu” tới Mỹ ngay trước thềm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Joe Biden.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN