Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Luật quy định vẫn phải có con dấu, nhưng DN được quyết định về số lượng con dấu, tự làm và tự chịu trách nhiệm. Việc xóa bỏ con dấu cần phải có lộ trình và dần điều chỉnh, đồng thời, cần có sự làm quen của DN vì bản thân các DN bạn hàng cũng như cơ quan Nhà nước khi không có dấu đóng cũng thấy không được đảm bảo tính pháp lý.
“Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã có bước đột phá lớn, theo đó, năm 1999, DN được kinh doanh những ngành nghề mà Nhà nước cho phép; năm 2005, Luật Doanh nghiệp có một bước tiến cải tiến mới, đó là DN được đầu tư những ngành nghề mà mình đăng ký. Đến nay, DN được quyền đầu tư kinh doanh những ngành nghề mà luật pháp không cấm và DN sẽ không cần phải ghi trong giấy phép kinh doanh những ngành nghề mình kinh doanh”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghị định hướng dẫn ra đời chậm là do Việt Nam chọn phương pháp chọn - bỏ (chỉ công bố những lĩnh vực, mặt hàng Nhà nước cấm, còn những lĩnh vực mặt hàng không cấm thì DN được tự do kinh doanh) trong khi nhiều nước tiên tiến chưa áp dụng phương pháp này. Chính vì vậy, các bộ, ngành và cơ quan soạn thảo cần nhiều thời gian để rà soát ngành nghề nào cấm, còn lại là ngành nghề được tự do kinh doanh cho phù hợp với trong nước và quốc tế.
Giải thích về việc DN muốn đăng ký kinh doanh thì phải có 2 giấy phép, đó là giấy phép đầu tư và giấy phép đăng ký kinh doanh, thay vì 1 giấy phép là giấy phép đầu tư như trước đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nếu để chung một giấy phép thì sẽ nảy sinh bất cập, bởi khi DN điều chỉnh một giấy phép sẽ phải chờ đợi rất lâu. Việc tách làm hai loại giấy phép sẽ giảm thời gian đăng ký cho DN chỉ còn 3 ngày, thay vì trước đây là 6 - 7 ngày và giấy chứng nhận đầu tư, trước đây quy định 45 ngày, giờ tối đa không quá 15 ngày. Mặt khác, việc cần có 2 giấy phép cũng là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, bởi khi DN muốn chỉnh sửa giấy phép đầu tư sẽ không ảnh hưởng gì đến giấy phép đăng ký kinh doanh và ngược lại.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong 20 ngày đầu thực hiện 2 luật sửa đổi, số lượng đăng ký thành lập đã lên tới trên 13.000 DN, tăng 73% so với cùng kỳ của năm trước. “Đây là con số ấn tượng, nó tạo ra một làn sóng thành lập DN mới. Tuy nhiên, khi số lượng DN đăng ký ồ ạt, sẽ dẫn đến việc quá tải của Cơ quan đăng ký kinh doanh Nhà nước. Nguyên nhân là do con dấu và số mẫu dấu trước đây cơ quan công an làm, nhưng bây giờ các sở Kế hoạch và Đầu tư phải làm… Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đã được giải quyết rất ổn thỏa và có tới 16.000 DN đã được thay đổi mẫu dấu và đã được đưa lên cổng thông tin quốc gia về DN”, Bộ trưởng giải thích thêm.