Phản hồi về việc Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai xuống cấp

Báo Tin Tức vừa nhận được công văn số 1113/SVHTTDL-QLDSVH của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Ninh Thuận về việc xử lý thông tin phản ánh liên quan đến di tích tháp Hòa Lai (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

Cỏ dại mọc trên nền tháp giữa, các mảng tường gạch có hoa văn điêu khắc rất đẹp đang bị mủn nát, bong rộp. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ngày 7/9/2017, báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) có bài "Di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm". Qua kiểm tra thực tế, hiện nay, tháp Hòa Lai có nhiều hạng mục đang bị xuống cấp, một số vị trí bị cỏ dại, cây bụi mọc đúng như nội dung phản ánh của báo Tin Tức.

Cụ thể, các khu vực đào thám sát khảo cổ trong các đợt năm 2012, 2013 chưa hoàn thành, đang chờ kế hoạch và kinh phí để khai quật khảo cổ giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, các hố đào thám sát này sau khi khai quật đã phát lộ nhiều kết cấu gạch, đá của kiến trúc tháp. Tuy nhiên, do không có mái che để bảo vệ các hố khai quật nên sau thời gian cỏ dại và cây bụi đã mọc phủ lên bề mặt. Hệ thống dây điện thắp sáng còn chưa đầu tư đồng bộ, dây cáp viễn thông bị sà thấp gây mất mĩ quan của di tích.

Theo Sở VHTTDL Ninh Thuận, khu di tích tháp Hòa Lai được xây dựng vào thế kỷ VIII, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Trải qua thời gian, khu di tích tháp Hòa Lai bị xuống cấp nghiêm trọng, một số ngôi tháp bị sụp đổ hoàn toàn như tháp Cổng, tháp Giữa. Hiện nay chỉ còn hai ngôi tháp là tháp Nam và tháp Bắc. Trong thời gian qua các ngành chức năng đã có nhiều hoạt động trùng tu, tu bổ, khai quật khảo cổ, xây dựng hồ sơ công nhận di tích... để bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích này.

Giai đoạn năm 1995 - 2000, tháp Hòa Lai được đầu tư tu bổ phần chân tháp Bắc, xây thêm nhà bảo vệ, dựng hàng rào bao quanh khu vực tháp... Đến ngày 22/12/2016, khu di tích tháp Hòa Lai thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2499/QĐ-TTg.

Khắc phục những vấn đề trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích tỉnh khẩn trương thực hiện phát quang bụi rậm, cây cỏ, vệ sinh môi trường khu vực di tích. Cụ thể, tiến hành chuyển đổi, thiết kế và lắp đặt mới toàn bộ hệ thống các đường dây điện chiếu sáng trong khu vực di tích; Tình trạng dơi sinh sống và phân dơi trong lòng tháp làm mất vệ sinh nay đã được xử lý, không còn dơi sống trong lòng tháp; Làm việc với Công ty VNPT Ninh Thuận về việc di dời cáp quang ra khỏi di tích. VNPT đã cam kết di dời, chậm nhất đến tháng 10/2017.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, ngày 18/4/2017, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030. Ngày 18/8/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 3433/UBND-QHXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất dự án cơ sở hạ tầng khu di tích tháp Hòa Lai do Chính phủ Ba Lan tài trợ. Nội dung dự án: Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng khu di tích tháp Hòa Lai.

Các chương trình kế hoạch, dự án trên đều đang chờ các cơ quan, bộ ngành chức năng liên quan thẩm định, phê duyệt và phối hợp với tỉnh Ninh Thuận triển khai trực hiện trong thời gian tới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận báo cáo kết quả xử lý thông tin phản ánh của báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) liên quan đến di tích tháp Hòa Lai trình UBND tỉnh được biết.

Kiều Hà/Báo Tin Tức
Đầu tư trên 2.000 tỷ đồng trùng tu di tích Cố đô Huế
Đầu tư trên 2.000 tỷ đồng trùng tu di tích Cố đô Huế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung cho biết, giai đoạn từ 1996 - 2017, tổng nguồn vốn đầu tư trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế đạt hơn 1.460 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2010 - 2017 đạt hơn 933 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN