Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội: Cần nhiều giải pháp căn cơ - Bài 3

Ý nghĩa và tầm quan trọng của các di tích đối với đời sống văn hóa, xã hội đã rất rõ ràng, tuy nhiên, để khai thác, phát huy tối đa giá trị các di tích vẫn cần nhiều biện pháp căn cơ, mang tính lâu dài để giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

Tăng cường xã hội hóa

Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, nguồn tài chính cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được xác định từ ba nguồn chính là ngân sách nhà nước, các khoản thu từ hoạt động sử dụng, phát huy giá trị di tích và nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài. Theo đó, xã hội hóa là một trong những nguồn quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Cổng chùa Một Cột, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Những năm gần đây, công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện. Việc xã hội hóa được thực hiện dưới nhiều hình thức như, đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tổng kinh phí xã hội hóa cho bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố từ năm 2012-2017 ước thực hiện hơn 1.200 tỷ đồng. Song, thực chất công tác xã hội hóa chỉ tập trung vào một số di tích trọng điểm, việc định hướng huy động xã hội hóa chưa được quan tâm triển khai nên còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, Sở sẽ rà soát những di tích có đủ điều kiện tổ chức thu phí tham quan; xây dựng đề án tổ chức, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tăng nguồn tài chính trong công tác bảo vệ di tích; xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ tu bổ di tích.

Theo ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã cần kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng các di tích, từ đó xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với những di tích bị xuống cấp. Để giải quyết bài toán về nguồn lực, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa nhưng cần cẩn trọng trong quá trình thực hiện để tránh phá vỡ kiến trúc công trình. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, thu hút nguồn xã hội hóa, thực hiện kiểm kê cổ vật trong di tích và kiện toàn ban quản lý các di tích.

Chú trọng nguồn nhân lực và các cơ chế đặc thù

Nhận diện những khó khăn đang tồn tại, các quận, huyện, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích; trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực, đề xuất cơ chế đặc thù cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích của Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, tại các địa phương vẫn xảy ra tình trạng tự ý xây dựng hạng mục phụ trợ, không theo quy hoạch tổng thể, dẫn đến việc các công trình sắp xếp lộn xộn, không theo kiến trúc truyền thống. Bởi vậy, cần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, những người tham gia quản lý di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở và người trực tiếp trông coi di tích.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu mô hình tổ chức ban quản lý di tích cấp huyện đối với các di tích có phạm vi, quy mô rộng hoặc giá trị đặc biệt. Đối với những người trực tiếp tham gia vào quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, thành phố sẽ hỗ trợ nghiên cứu vật liệu thay thế cho chất liệu gỗ, kỹ thuật tu bổ đảm bảo sự đồng bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình; có kế hoạch đào tạo thợ chuyên ngành nề, mộc truyền thống. Song song với đó sẽ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và học tập kinh nghiệm.


Không chỉ tập trung nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân công tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích, việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa cũng được tăng cường giám sát.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở đã đề nghị Trung ương duy trì Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trong đó có cơ chế đặc thù ưu tiên Hà Nội với vai trò là Thủ đô và là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc, bố trí, phân bổ kinh phí hàng năm thực hiện tu bổ di tích.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa nhận định, tại Ứng Hòa, số di tích xuống cấp lũy tiến theo thời gian trong khi kinh phí còn quá hạn hẹp dẫn đến sự trùng tu chậm trễ. Bởi vậy, huyện rất cần sự hỗ trợ kịp thời và cơ chế đặc thù cho phép thành phố nói chung, những địa phương nhiều di tích như Ứng Hòa nói riêng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tập trung xem xét định hướng, hướng dẫn các địa phương thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích, bố trí kinh phí hỗ trợ công tác tu bổ, bảo tồn để các di tích lịch sử, văn hóa được phát huy giá trị, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô và cả nước.

Mai Linh (TTXVN)
Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội: Bài 2 - Khó khăn lớn nhất là nguồn lực
Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội: Bài 2 - Khó khăn lớn nhất là nguồn lực

Với số lượng lớn cùng giá trị đặc thù, việc tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội không đơn giản như việc xây dựng, mô phỏng một công trình kiến trúc mới mà là sự tổng hợp của nhiều hoạt động chuyên ngành, đòi hỏi nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN