Kon Tum phản hồi thông tin 'cấp đất rừng cho doanh nghiệp khai thác đá'

Ngày 10/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum tổ chức cung cấp thông tin chính thức liên quan đến việc một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải bài viết với tiêu đề "Kon Tum: Rừng tan nát, đất rừng cấp cho doanh nghiệp khai thác mỏ đá".

Chú thích ảnh
Khu vực mỏ đá nguyên là đất trồng rừng sản xuất, không phải rừng nguyên sinh và đã được UBND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng. Ảnh: baokontum.com.vn

Ông Phạm Đức Hạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum chủ trì buổi cung cấp thông tin khẳng định: Những thông tin trong bài viết trên là chưa chính xác. Việc cấp phép khai thác đá tại khu vực thôn 4, xã Hòa Bình, là đúng quy định của pháp luật.

Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cũng đã cung cấp đầy đủ các văn bản pháp lý theo quy định của Luật Khoáng sản. Mỏ đá thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cấp giấy phép số 1100/GP-UBND, ngày 02/10/2006 cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum với diện tích 1,5 ha, thời hạn đến hết tháng 12/2017. Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum tiếp tục cho Công ty này gia hạn khai thác điểm mỏ trên đến hết tháng 4/2019. Phía Công ty cũng có văn bản đề nghị cho phép được thăm dò, cấp phép để tiếp tục khai thác tại mỏ đá nêu trên với tổng diện tích 4,15 ha (trong đó diện tích mỏ đá cũ 1,5 ha, diện tích phần mở rộng mới 2,65 ha).

Sau đó, đến ngày 26/6/2017, điểm khai thác đá trên được chuyển nhượng lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuân Thành Gia Lai theo Giấy phép số 591/GP-UBND của tỉnh Kon Tum, thời hạn khai thác đến hết ngày 26/12/2020.

Như vậy, khu vực đề nghị cấp phép nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015, xét đến năm 2020 (nay là Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Tất cả những văn bản đề nghị, trình tự cấp phép được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng với Luật Khoáng sản.

Về thông tin đất rừng được cấp cho doanh nghiệp khai thác đá, ông Võ Thanh Hải khẳng định: Đối với diện tích 2,65 ha được cấp phép bổ sung thăm dò, khai thác sau khi thời hạn khai thác hết hiệu lực tháng 12/2017 (trong đó diện tích 2,49 ha đất có rừng trồng keo lá tràm; 0,16 ha đất không có rừng) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 1/3/2013 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho doanh nghiệp thuê đất để khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề giao đất rừng này, ngày 24/5/2018, biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và xã Hòa Bình cũng khẳng định rõ: Khu vực mỏ đá nằm ở 2 vị trí. Toàn bộ diện tích này nằm trong phạm vi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác, được chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất từ những năm 2010 (cụ thể diện tích chuyển đổi 2,65 ha tại khoảnh 2,7 - tiểu khu 570, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).

TTXVN/Báo Tin tức
Nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum 'cầu cứu' Bộ Công Thương
Nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum 'cầu cứu' Bộ Công Thương

Liên quan đến tình trạng 8 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, tỉnh Kon Tum đã có công văn số 1896/UBND-NNTN “cầu cứu” Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm việc nợ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN