Hầu hết trường hợp bị viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể điều trị

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn, ngày 21/10 đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về tình hình mù lòa của người dân thị xã Vĩnh Châu.


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ các cơ quan thông tin, báo chí và từ văn bản đề nghị hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, Bộ Y tế đã có công văn ngày 23/6/2015 giao cho Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tình hình dịch tễ học các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Tổng số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt được Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu ghi nhận là 1.248 người, trong đó 967 trường hợp (chiếm 77%) bị mù 1 mắt; 281 trường hợp (chiếm 23%) bị mù 2 mắt.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ mù 1 mắt ở Vĩnh Châu là 6 người/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải tỷ lệ này cao gần gấp hai lần (11 người/1.000 dân), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 người/1.000 dân.

Tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù 2 mắt (20,3%), mù 1 mắt (45,3%) và ít nhất một mắt là 39,7%. Xã, phường có tỉ lệ mù 2 mắt và 1 mắt cao nhất là phường 2 (lần lượt là 15,7% và 29,1%), Vĩnh Hải (15% và 25,8%), Lai Hòa (14,6% và 9,5%) và Lạc hòa (12,5% và 8,8%).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Qua kết quả phân tích từ 1.157 người bị viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt ở thị xã Vĩnh Châu cho thấy, tỷ lệ viêm loét giác mạc của người dân tại thị xã Vĩnh Châu khá cao. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân chính gây ra mù lòa.

Viêm loét giác mạc có liên quan đến quá trình trồng, thu hoạch, chế biến hành tím, là vấn đề an toàn vệ sinh lao động và mang yếu tố cơ học là chính. Cụ thể, trong lúc cắt hành, làm đất trồng hành, do bụi đất, bụi vỏ hành, tay bẩn dụi mắt, tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc...

Vì vậy, việc mù lòa của người dân Vĩnh Châu không liên quan đến sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật khi trồng và bảo quản hành tím, không liên quan các yếu tố môi trường (đất, nước)…

Người dân Sóc Trăng tiếp xúc với hành tím hàng ngày.

Từ kết quả điều tra trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, dự phòng viêm loét giác mạc là phương pháp tối ưu nhất cho việc giảm tỉ lệ các trường hợp bị mù tại Vĩnh Châu. Hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được.

Để phòng chống bệnh viêm loét giác mạc, mù lòa, bảo vệ sức khỏe người dân Vĩnh Châu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; khám sàng lọc định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, ngành y tế địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và người dân thực hiện các biện pháp dự phòng như: sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp…

Vĩnh Châu là vùng sản xuất hành tím lớn nhất ở Sóc Trăng và cả nước. Hàng năm, người dân Vĩnh Châu trồng từ 5.000-7.000 ha hành tím, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 100.000 tấn hành thương phẩm. Mỗi vụ có từ 4.000 đến 5.000 người tham gia trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến hành tím.

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
Bệnh mù mắt ở người trồng hành tím có thể điều trị được
Bệnh mù mắt ở người trồng hành tím có thể điều trị được

Theo Bộ Y tế, hầu hết trường hợp viêm loét giác mạc và bị mù ở người trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng có thể dự phòng và điều trị được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN