Lo ngại sự cố hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) sẽ làm ô nhiễm không khí, đất và nước biển và tin vào lời đồn muối iốt có thể phòng được tác hại của phóng xạ, người dân một số tỉnh đang đổ xô đi mua muối ăn và muối iốt . Sự lo xa này của người dân liệu có cần thiết?
PGS.TS Mai Trọng Khoa (ảnh), Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, BV Bạch Mai, Trưởng môn Y học hạt nhân Trường Đại học Y Hà Nội, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc sử dụng muối iốt liệu có giúp người dân tránh được nguy cơ bị nhiễm phóng xạ không?Bình thường, cơ thể chúng ta cần một lượng iốt nhất định. Nếu thiếu hoặc thừa iốt đều không tốt, thậm chí có thể gây ra bệnh lý. Do vậy, việc bổ sung iốt phải được cân nhắc và quyết định bởi các nhà chuyên môn và của ngành y tế. Chúng ta không nên tự ý bổ sung iốt khi chưa có khuyến cáo hoặc chỉ định của các nhà chuyên môn.
Khi xảy ra các sự cố hạt nhân thì các chất phóng xạ gồm nhiều loại thoát ra môi trường, trong đó có 2 chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người là iốt phóng xạ 131 (I- 131) và cesium 137 (Cs- 137). Nếu nhiễm I-131 liều cao thì tùy theo mức độ mà có các tác hại khác nhau, có thể tử vong nếu bị nhiễm ở mức độ rất lớn, ở các mức độ thấp hơn có thể gây hiện tượng nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, bỏng, rối loạn về huyết học, thiếu máu, ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp, đột biến di truyền, giảm tuổi thọ…
Do tuyến giáp của con người không phân biệt được iốt thường (không phóng xạ) hay là iốt phóng xạ (I-131...) và tuyến giáp chỉ có thể hấp thụ một lượng hạn chế iốt, nên nếu ta chủ động đưa trước iốt thường với một liều lượng thích hợp (qua đường uống chẳng hạn) thì iốt này sẽ tập trung chủ yếu tại tuyến giáp mà sẽ không vào hoặc vào rất ít các cơ quan khác trong cơ thể. Khi tuyến giáp đã bão hòa iốt thì sẽ giảm, hoặc ngừng không hấp thu iốt trong một khoảng thời gian nhất định. Vậy nên, nếu sau đó iốt phóng xạ xâm nhập vào cơ thể thì nó sẽ không còn cơ hội tập trung tại tuyến giáp, mà sẽ được cơ thể đào thải nhanh qua con đường tự nhiên (nước tiểu...). Nhờ vậy, chúng ta có thể tránh được nguy cơ ung thư tuyến giáp một cách chủ động.
Vấn đề cần lưu ý là chúng ta phải đưa lượng iốt vào cơ thể phải đúng thời điểm và liều lượng thích hợp thì mới kịp thời giúp tuyến giáp bão hòa iốt và đủ thời gian để “cạnh tranh” với iốt phóng xạ có trong môi trường sống. Nếu đưa iốt vào cơ thể không đúng cách thì hiệu quả bảo vệ sức khỏe sẽ không cao.
Người dân lo ngại nước biển nhiễm phóng xạ nên đổ xô đi mua muối iốt dự trữ là có cơ sở không, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta chưa cần phải làm bất cứ hoạt động bất thường nào như tự ý sử dụng thuốc có chứa iốt, “đổ xô” đi mua muối hay tăng lượng muối iốt sử dụng hàng ngày…
Mối lo ngại rằng nước biển nhiễm phóng xạ để dẫn tới việc phải đi mua muối dự trữ tới nay là không có cơ sở. Theo thông báo của các cơ quan chức năng thì tuy lượng iốt phóng xạ và Cs -137 đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng với một hàm lượng rất thấp so với giới hạn cho phép, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay, theo thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ thì không khí, nước biển ở Việt Nam vẫn ở giới hạn an toàn.
Việc cung cấp các chế phẩm có chứa iốt với hàm lượng, dạng dùng thích hợp (viên, xi rô, dung dịch), cách dùng, dùng trong bao nhiêu lâu, và dùng theo từng lứa tuổi như thế nào sẽ được các cơ quan chuyên môn chỉ định hướng dẫn cụ thể khi cần thiết. Do đó, chúng ta cần bình tĩnh cập nhật thông tin mới. Yên tâm rằng khi có sự cố thì cơ quan chức năng sẽ có những khuyến cáo cần thiết dựa trên cơ sở khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân một cách tối ưu nhất. Chính vì vậy, người dân không nên tự mua thuốc có chứa iốt để uống vì tình trạng thừa iốt cũng sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí là có thể gây ra một số bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)