Gần đây, dư luận quan tâm đến thông tin "thiếu đói giữa lòng Thủ đô", phản ánh nhiều hộ dân ở xóm Ao Giàng, thôn Tân Hội, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), viết đơn xin trợ cấp gạo cứu đói. Phóng viên TTXVN đã có mặt để ghi nhận thực tế cuộc sống của người dân nơi đây. Thực tế cho thấy, có một số nhỏ hộ gia đình vẫn còn khó khăn, nhưng chưa đến mức thiếu đói.
Tại nhà bà Nguyễn Thị Mai ở xóm Ao Giàng, một hộ được coi là khó khăn nhất với thông tin phản ánh bà phải ăn chuối trừ bữa thời gian qua. Trên thực tế, nhà bà Mai được xây kiên cố do chính quyền địa phương hỗ trợ toàn bộ vào năm 2010, trong nhà có đầy đủ các vật dụng cần thiết từ nhiều nguồn tài trợ khác nhau như: vô tuyến màu màn hình phẳng, quạt điện, nồi cơm điện...
Bà Nguyễn Thị Mai cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo của thôn, được trợ cấp hàng năm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, Ngân hàng Chính sách huyện cũng cho vay 8 triệu đồng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Đến nay đã 4 năm trôi qua gia đình bà Mai vẫn chưa trả được cả vốn và lãi nhưng các cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện, chưa thu hồi.
Bà Mai cho biết: con trai bà năm nay 20 tuổi tuy không được học hành đến nơi đến chốn nhưng cũng có việc làm. Hiện nay, nhà bà Mai có 600m2 ruộng, mỗi năm cấy hai vụ, ngoài ra có thể làm thêm lúc nông nhàn. Tuy nhiên, do bà Mai tuổi cao, sức khỏe yếu nên việc lao động để kiếm sống hết sức khó khăn. Người con trai thu nhập cũng chưa đủ chu cấp cho gia đình. Vì vậy, việc khó khăn của gia đình bà là khó tránh khỏi.
Chị Nguyễn Thị Tài, người cùng thôn cho hay, thời gian qua có nghe nói bà Mai thiếu đói, tuy nhiên cũng không chứng kiến cảnh bà phải ăn chuối trừ bữa.
Câu chuyện thiếu đói này, cũng một phần rất lớn xuất phát từ lợi ích yêu sách về đất đai của một số hộ nơi đây. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Doanh, xuất phát từ việc thực hiện chủ trương chung của thành phố Hà Nội về dồn điền đổi thửa, các địa phương của xã Tân Tiến đã thực hiện hoàn thành trên 97% khối lượng công việc. Riêng có xóm Ao Giàng, thuộc thôn Tân Hội (Tân Tiến), còn một số hộ dân chưa nhất trí với phương án chia lại ruộng đất, nên xã và huyện đã tạm dừng chưa dồn đổi ruộng.
Để đảm bảo khung thời vụ gieo cấy vụ Xuân năm 2014, xã và huyện đã bố trí máy móc làm đất cho nông dân xóm Ao Giàng. Tuy nhiên, người dân ở đây yêu cầu được chia thêm quỹ đất công ích trên địa bàn xóm, trong đó có cả phần đất thuộc Chương trình Quốc gia trồng và bảo vệ rừng (chương trình 327) và quỹ đất dành cho quy hoạch thực hiện theo đề án xây dựng nông thôn mới đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Những đòi hỏi này không đúng với những quy định, hướng dẫn của các cấp nên huyện Chương Mỹ đã không giải quyết, đồng thời tuyên truyền, đối thoại với nhân dân để giải quyết. Tuy nhiên, một số hộ dân không đồng tình với giải thích của huyện nên đã bỏ diện tích hơn chục ha không cấy, trồng vụ Xuân năm nay.
Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Vũ Công Nam cho biết, toàn xã có sáu thôn thì đến nay có năm thôn và 2/3 xóm của thôn Tân Hội hoàn thành dồn đổi thửa, người dân sản xuất ổn định với diện tích hơn 370ha.
Phương án dồn điền đổi thửa của xóm Ao Giàng đã được đông đảo người dân thảo luận và nhất trí thông qua, cũng giống như các thôn, xóm khác. Đó không phải là chia lại ruộng đất mà dựa trên căn cứ số nhân khẩu và diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm tháng 10-1992, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc dồn điền đổi thửa là dồn đổi các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, gắn với quy hoạch ruộng đất, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, các hộ mới bỏ cấy chưa được một vụ thì không thể thiếu đói khi vẫn có diện tích ruộng đất khác, trong khi địa phương nhiều diện tích lúa đã đang được thu hoạch. Đồng thời, những gia đình thuộc diện hộ nghèo vẫn được địa phương quan tâm thăm hỏi, tặng quà theo đúng quy định của Nhà nước.
Để ổn định, an sinh trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, không chỉ cá nhân bà Mai, những hộ nghèo, khó khăn khác trên địa bàn huyện sẽ được tiếp tục rà soát, tìm hiểu đời sống kinh tế, để kịp thời hỗ trợ về vật chất, tinh thần. Với những hộ có điều kiện sức khỏe, có khả năng lao động, huyện sẽ bố trí cho thuê một phần diện tích thuộc đất công điền để sản xuất. Còn các hộ có nghề, mây giang đan, sẽ tạo việc làm ở những cơ sở sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, với Quỹ vì người nghèo, huyện cũng đề nghị các “mạnh thường quân” trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, góp phần ổn định đời sống của những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, neo đơn, già yếu, không có khả năng lao động.
Chủ trương chung của huyện đặc biệt quan tâm tới những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, để từng bước ổn định cuộc sống, tránh xảy ra những vụ việc tương tự gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu tới địa phương. Sự việc trên cũng đã được UBND huyện báo cáo với các cơ quan của thành phố Hà Nội. Hiện nay, huyện tiếp tục đề nghị các ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền giải thích với người dân, sớm ổn định tình hình.
Mạnh Khánh