Ô tô của Tập đoàn Volkswagen và Audi tại một bãi đỗ xe ở Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau lời phát biểu của Tổng thống Mỹ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ở Canada, ông Trump cho hay chính quyền Mỹ sẽ “xem lại chính sách thuế đối với các hãng ô tô đang làm tràn ngập thị trường Mỹ”.
Hầu hết các thương hiệu xe ô tô ngoại ở Mỹ, gồm có Mercedes, BMW, Nissan, Honda và Volkswagen, đều có ít nhất một nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô trên đất Mỹ, nơi các hãng đang sử dụng hàng chục nghìn người lao động Mỹ.
Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đang đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy của họ ở Mỹ. Đầu năm nay, hãng Toyota và Mazda đã thông báo sẽ đầu tư chung 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy ở Alabama với khả năng sản xuất 300.000 chiếc xe mỗi năm. Trong khi đó, hãng Volvo Cars với dự định mở một nhà máy ở Nam Carolina vào cuối năm nay, cảnh báo rằng biểu thuế nhập khẩu mới sẽ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch đầu tư của hãng.
Theo số liệu thống kê từ các hãng sản xuất và đại lý của tổ chức AutoData, trong năm 2017, khoảng 17,2 triệu chiếc ô tô đã bán được trên thị trường Mỹ. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu ô tô (CAR) cho hay gần 8,7 triệu chiếc ô tô trên tổng số xe hơi bán được ở Mỹ năm ngoái, đã được nhập khẩu từ Mexico và Canada- các đối tác trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như từ Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.
Theo trang mạng Edmunds, từ đầu năm 2018 đến nay, thị phần bán ô tô của các nhà sản xuất ô tô nội địa ở Mỹ đã giảm xuống 50,1% so với mức 51,1% của cùng kỳ năm ngoái. Trang Admunds cũng chỉ ra rằng ít nhất 82% ô tô của hãng Volkswagens bán tại Mỹ được nhập khẩu, còn đối với hãng Toyota là 55% ô tô được nhập khẩu, với Hyundai (57%), Mercedes-Benz (70%) và BMW (68%).
Trong khi đó, hơn một nửa lượng xe bán tại Mỹ của 3 nhà sản xuất nội địa “Big Three” được sản xuất trong nước. Cụ thể, hơn 80% ô tô của hãng Ford bán tại Mỹ được sản xuất trong nước, và với hãng General Motors và Fiat Chrysler lần lượt là 60% và 55%.