Tháng 9/1939, chỉ vài tuần sau khi quân phát xít tấn công chớp nhoáng và chiếm được Ba Lan, châm ngòi nổ cho Thế chiến thứ hai, 500 nhân viên chính phủ và nhân vật nổi tiếng ở Ba Lan đã bị bắt đi lao động công ích tại thị trấn biên giới Woldenberg (Đức) để xây dựng một trại giam giam nhốt chính họ. Trại giam Woldenberg Oflag II-C rộng 24 héc-ta được hoàn thành vào năm 1942 với thiết kế như một thị trấn thu nhỏ đủ cho 7.000 người sinh sống, thậm chí còn có cả dịch vụ bưu chính nội bộ.
Các phạm nhân biểu diễn thể dục tại Olympic Oflag II-C. |
Không giống tù nhân ở nhiều trại giam phát xít Đức khác, các tù nhân người Ba Lan sống bên trong bức tường bao Woldenberg Oflag II-C được phép tập luyện cả về thân thể lẫn tinh thần. Họ chơi bóng đá, nghiên cứu triết học, luật và toán học tại các lớp do chính các bạn giam - những người là giáo sư, giáo viên ở ngoài đời giảng dạy. Trại Oflag II-C còn lập ra một dàn nhạc giao hưởng do hai đạo diễn chuyên nghiệp Kazimierz Rudzki và Jan Kocher quản lý, thường xuyên biểu diễn các tiết mục giải trí cho “cư dân”. Trong số những nhân vật nổi tiếng bị giam ở Oflag II-C còn có Tadeusz Adamowki, cầu thủ khúc côn cầu của đội tuyển Ba Lan và Andrzej Nowicki, một nhà văn trào phúng.
Và cho tới khi Thế vận hội mùa Hè London 1944 bị hoãn lại, tương tự như kỳ Thế vận hội Tokyo 1940 bởi lý do chiến tranh hỗn loạn, các tù nhân Ba Lan đã yêu cầu những người quản trại cho họ tự tổ chức Olympic riêng. Rất nhiều người trong số họ vẫn nhớ như in cái cảm giác tự hào ngập tràn trong tim khi mà người đồng hương Janusz Kusocinski giành được Huy chương Vàng trong bộ môn chạy 10.000 mét tại Olympic Los Angeles 1932, cũng như nỗi tuyệt vọng khi hay tin người anh hùng Olympic này đã bị quân phát xít xử tử vì từng chiến đấu trong quân đội.
Lá cờ Olympic do các tù nhân trại Oflag II-C làm. |
Trong khi đó, trại trưởng người Đức có lẽ cũng thấy “thèm” bầu không khí thể thao sôi động khi nhớ lại chiến thắng của nước này tại kỳ Thế vận hội mùa hè 1936 ở Berlin, nên đã đồng ý với yêu cầu của các tù nhân. Tuy nhiên, các bộ môn như nhảy sào, bắn cung, phóng lao đã bị cấm để đảm bảo an ninh.
Theo bài báo đăng trên tạp chí Hiệp hội quốc tế các sử gia Olympic năm 1995, các tù nhân Ba Lan đã in một tấm áp phích về chương trình Olympic hết sức rực rỡ với hình ảnh của một nhóm vận động viên cũng như liệt kê các sự kiện và môn thi đấu trên đó. Vé mời được gửi tới khán giả qua đường bưu điện nội bộ, trên bìa dán con tem in hình một vận động viên điền kinh chạy qua dải băng ở vạch đích.
Con tem được sử dụng trên giấy mời của Olympic Oflag II-C. |
Ngày 23/7/1944, cộng đồng bên trong tường rào Oflag II-C đã tập hợp lại trên một bãi đất trống để làm lễ khai mạc. “Cảm giác hào hứng lan tỏa trong toàn bộ khu trại thật khó tin”, cựu tù nhân Arkady Verjizinsky chia sẻ với kênh NBC nhân dịp Thế vận hội 2004. “Tất cả chúng tôi đã có mặt ở đó, khoảng 6.000 người. Thời khắc đó thật tuyệt vời và sau đó lá cờ Olympic đã được kéo lên”, ông kể lại.
Lá cờ Olympic được các tù nhân làm từ một tấm ga trải giường màu trắng và lấy 5 chiếc khăn màu sắc khâu thành 5 vòng tròn lồng vào nhau. Cả kẻ bắt giữ và người bị bắt đều đã đứng trang nghiêm chào lá cờ đó khi nó được kéo lên trời. Bà Iwona Grys, giám đốc Bảo tàng Thể thao và Du lịch ở Warsaw viết trên Tạp chí Olympic năm 1996 rằng 369 phạm nhân đã tham gia tất cả 464 trận đấu, điều này có nghĩa là một số người đã chơi nhiều hơn một môn thể thao. Theo truyền thống Olympic lúc đó, những màn đấu thể thao còn được tổ chức song song với các sự kiện văn hóa như hội họa, điêu khắc và âm nhạc.
Trong vòng 21 ngày “Thế vận hội”, các “vận động viên” trại Oflag II-C đã thi đấu những môn như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy việt dã, cờ tướng… Người chiến thắng được trao giấy chứng nhận và huy chương làm bằng giấy. Môn đấm bốc đã bị hoãn thi đấu giữa chừng bởi gây ra quá nhiều thương tích cho các phạm nhân.
Thế nhưng nỗi kinh hoàng của chiến tranh đã sớm quay trở lại với trại giam Oflag II-C. Tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô tiến sát thị trấn Woldenberg khiến quân phát xít hoảng sợ, bắt ép các phạm nhân phải đi bộ hàng trăm km trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để tới một trại giam khác. Đến khi chính thức được giải cứu vào tháng 4/1945, chỉ còn khoảng 300 tù nhân Oflag II-C sống sót.
Cũng theo bà Grys, Oflag II-C không phải trại giam tù nhân của phát xít Đức đầu tiên tự tổ chức Olympic. Năm 1940, các binh sĩ người Bỉ, Pháp, Anh, Nga và Ba Lan bị bắt giam ở trại Stalag XIII-A gần Nuremberg (Đức) cũng đã thực hiện điều tương tự, song hoạt động này bị các quản ngục giữ bí mật. Họ đã lấy một chiếc áo trắng làm cờ và dùng bút màu để vẽ 5 vòng tròn Olympic. Thay mặt tất cả “vận động viên”, các tù nhân người Ba Lan, Pháp và Anh đã đọc lời thề danh dự và tuyên bố khai mạc “Thế vận hội Tù nhân chiến tranh Quốc tế”.
Hai lá cờ Olympic do các tù nhân chiến tranh ở trại Oflag II-C và Stalag XIII-A làm thủ công hiện vẫn được Bảo tàng Thể thao và Du Lịch Ba Lan lưu giữ cùng với một số hiện vật khác gợi nhắc đến tinh thần thể thao bất khuất trong những ngày đen tối nhất của thế kỷ 20.