Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng "siêu pháo đài" bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bền bỉ và anh dũng, của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, của lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc, trong đó có quân và dân Thủ đô Hà Nội. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã được dư luận thế giới ngợi ca đó là chiến thắng của "lương tri và phẩm giá con người".
Trong căn phòng khách rộng hơn 20m2 trên tầng 4 tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội, ở tuổi gần 90, Nhà ngoại giao Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao vẫn ngồi bên bàn làm việc chăm chú đọc tập tài liệu. Ông từng là thành viên của Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973.
Nhắc đến Mỹ cho B-52 ném bom Hà Nội giữa thời điểm cuộc đàm phán Hòa bình gay go nhất thế kỷ XX đang dần đi tới hồi ký kết, ký ức của ông Phạm Ngạc sống động những năm tháng vừa đàm phán, vừa theo dõi tình hình chiến trường trong nước. Bởi diễn biến chiến trường tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến những người tham gia Hội nghị Paris. Và dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do phái đoàn ta soạn thảo, đưa cho phía Mỹ thảo luận để ký kết chính là sau những thắng lợi quân sự của ta trên chiến trường.
Trước sự lật lọng của Mỹ, phía Việt Nam tuyên bố phản đối thái độ xảo trá này và ngừng đàm phán. Mặt khác, đoàn đàm phán rất lo, các nước bạn bè cũng rất lo. Vì B-52 là máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ và mang sức mạnh hủy diệt. "Nhưng khi chiếc B-52 đầu tiên, rồi chiếc thứ hai, thứ ba bị bắn hạ, phái đoàn ta mới bớt lo và đứng vững. Rồi nhớ lại lời Bác Hồ căn dặn, Mỹ chỉ chịu thua sau khi vũ khí hiện đại nhất của chúng là B-52 bị thất bại hoàn toàn. Thất bại nặng nề trên bầu trời Hà Nội, ngày 31/12/1972, Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom và đề nghị ta trở lại đàm phán. Hiệp định Paris ta ký sau đó là cơ bản chuẩn bị từ hồi tháng 10 năm 1972", ông Phạm Ngạc kể lại.
Nhắc lại 12 ngày đêm lịch sử hồi cuối năm 1972, ông Nguyễn Văn Trung, nguyên tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động bùi ngùi nhớ lại chiến công bắn rơi chiếc F.111 của liên đội tự vệ ba nhà máy: Cơ khí Lương Yên, Cơ khí Mai Động và Gỗ Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Trung nói rằng, đó là những ngày đêm vừa lao động sản xuất vừa luyện tập, chiến đấu trong các trận địa pháo tầm thấp ở Hà Nội. Cuối chiều 22/12/1972, liên đội tự vệ được lệnh cơ động 5 khẩu pháo 14,5mm tập kết ở Vân Đồn. Nòng pháo đồng loạt hướng về sông Hồng, nhìn thẳng sang cầu Long Biên để đón lõng máy bay địch đến từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào tập kích Hà Nội. Chỉ huy trận địa là Trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan của Quân khu Thủ đô.
Khoảng 20 giờ 30 phút, Hà Nội có báo động. Đèn thành phố đều vụt tắt. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Đến 21 giờ 30 phút, máy bay địch xuất hiện, bay thấp theo mặt nước sông Hồng. Liên đội tự vệ nhận lệnh nổ súng, các khẩu pháo đồng loạt khạc đạn. Chiếc F-111A cháy rừng rực. Chừng 30 phút sau, xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy đến. Một sĩ quan nhảy xuống hồ hởi: "Liên đội vừa bắn phải không. Một chiếc cánh cụp, cánh xòe rơi rồi nhé". Đội tự vệ ôm lấy nhau, vui sướng không sao tả xiết- ông Nguyễn Văn Trung nhớ lại.
"Với chiến công này, liên đội tự vệ vinh dự đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và biểu dương. Nhưng đó cũng là lúc chúng tôi nhớ thương những đồng đội và nhân dân đã hy sinh, thương tật...", ông Nguyễn Văn Trung bùi ngùi nói.
Ký ức đau buồn của ông Nguyễn Văn Trung về những mất mát, hy sinh của những đồng đội, đồng chí, những nạn nhân bởi bom B-52 cũng là những đau thương ở Hà Nội trong những ngày cuối năm 1972. Mô tả về sự tàn khốc của cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, tướng Mỹ Taylor trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin UPI ngày 1/1/1973, cho hay: "Chúng tôi đã thấy cảnh tàn phá, chết chóc với quy mô làm cho tất cả chúng tôi đau đớn và kinh hoàng không lời nào tả xiết. Chúng tôi đã thấy những bệnh viện, nhà cửa, khu dân cư bị tàn phá và san bằng, những ga xe lửa và sân bay bị phá hỏng"...
Chiến dịch "Linebacker II" của Mỹ dù gây ra những tổn thất nặng nề nhưng không khuất phục được dân tộc Việt Nam, không thể đưa "Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá". Trong Chiến dịch Phòng không trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thể hiện ý chí và tinh thần kiên cường, bất khuất, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ; phát huy những kinh nghiệm của chiến tranh nhân dân ở đô thị, phối hợp chặt chẽ với lực lượng lập chiến công hiển hách. Ngày đó, dù cuộc sống đô thị được tổ chức theo kiểu thời chiến; các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên sơ tán về nơi an toàn, nhưng trong thành phố vẫn xây dựng 230.000 hố cá nhân, 1.130km hào giao thông, hàng nghìn hầm tập thể; thế trận phòng thủ nhân dân được thiết lập vững chắc.
Và hào khí của mảnh đất ngàn năm văn hiến đã bừng cháy vào tháng Chạp năm ấy. Trong 12 ngày đêm lịch sử, 34 máy bay B-52 đã bị quân dân miền Bắc tiêu diệt, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. Đế quốc Mỹ đã phải xuống thang, đề nghị quay lại hòa đàm Paris. Ngày 8/1/1973, các Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở lại bàn đàm phán trên tư thế của người chiến thắng, trong niềm hân hoan của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.
Nói về sự hy sinh và tinh thần quật cường của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng, của quân chủng Phòng không – Không quân và quân dân miền Bắc trong thời điểm lịch sử đó, Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công bắn rơi B-52 tại vùng trời phía Tây Hà Nội đêm 27/12/1972 đã chia sẻ: Trong khoảnh khắc đó, không ai nghĩ đến bản thân mình. Không ai nghĩ nếu bây giờ hy sinh, mình có thiệt hay không. Mình hy sinh thì ai đau khổ.
Người lính bấy giờ không có suy nghĩ gì. Thời điểm đó chỉ nghĩ rằng phải hoàn thành nhiệm vụ. Và rất nhiều người làm được những kỳ tích anh hùng, như dám lao vào máy bay B-52 như anh Vũ Xuân Thiều. Cũng không chỉ một Vũ Xuân Thiều, nếu còn có những trận chiến xảy ra, sẽ có nhiều người hành động như anh ấy, để góp một phần cho cuộc chiến của dân tộc mình, hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
"Đó chính là tình yêu Tổ quốc! Đó chính là khát vọng về hòa bình!", Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Tuân chia sẻ.
51 năm đã trôi qua kể từ 12 ngày đêm lịch sử hồi cuối năm 1972. Từ trên độ cao hàng trăm mét của tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark, ngắm Hà Nội vào lúc bình minh, thành phố hiện ra bao la, rộng lớn với những cung đường mới và hàng trăm tòa cao ốc hút tầm mắt. Những khu phố, nhà ga, khu dân cư, bệnh viện, trường học từng bị bom Mỹ tàn phá năm xưa, giờ là những đô thị, công trình hiện đại, văn minh. Khu đất cũ của Nhà máy Dệt 8-3, cái tên đã ăn sâu vào ký ức đau thương của nhiều người Hà Nội hồi 12 ngày đêm cuối năm 1972, nay là Khu đô thị Times City hiện đại. Dấu tích thời bom đạn chỉ còn là Đài Chiến thắng Nhà máy Dệt 8-3 nằm một góc bên Khu đô thị, chung quanh bốn mùa rợp bóng cây xanh.
Hà Nội của thời kỳ hòa bình, của giai đoạn phát triển mới, bên cạnh nhịp sống thanh bình, sôi động, tươi trẻ cũng vẫn còn đó những chốn thâm nghiêm, cổ kính như lời khẳng định của ông cha ta xưa: "Thăng Long Hà Nội đô thành. Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ".
Nơi chiến địa năm xưa nay đang căng tràn nhựa sống. Hầu hết những con người từng là nạn nhân, nhân chứng, từng chiến đấu đánh trả kẻ thù, từng sẻ chia những mất mát đau thương trong quá khứ, đều đã tự đứng lên, dựng lại hạnh phúc cho mình. Họ đã chứng kiến những đổi thay, những bước phát triển từng ngày, từng giờ của Hà Nội. Những thế hệ thứ hai, thứ ba đang tiếp nối nhau làm chủ nhân tương lai của Thủ đô, của đất nước. Và khát vọng vươn lên hiện thực ước mơ, hoài bão về một tương lai phồn vinh, thịnh vượng đang lan tỏa từ Hà Nội - trái tim cả nước, đô thị đầu tiên của châu Á được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình".
Khát vọng đó có thể thấy từ Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Với tầm nhìn xa đó, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.