CHUYẾN BAY ĐI VÀO LỊCH SỬ
Trong chuyến bay vòng quanh thế giới, Jerrie Mock đã bình tĩnh xử lý nhiều tình huống nguy hiểm như một phi công lão luyện. Kỹ năng đó đã giúp cô làm nên lịch sử.
Mock kể lại rằng trong mỗi tình huống khẩn cấp, cô đều nhớ lại lời hướng dẫn trong khi tập luyện. Trên Đại Tây Dương, cô điều khiển máy bay trong thời tiết băng giá trong nguy cơ máy bay có thể lao xuống biển bất kỳ lúc nào. Trên sa mạc ở Libya, máy bay nóng đến mức suýt cháy. Động cơ gắn với ăng ten radio bắt đầu bốc khói. Radio một lần nữa ngừng hoạt động trong 9 ngày.
Ngoài những tình huống nguy hiểm chết người, Mock cũng có những trải nghiệm tuyệt vời khi được tận hưởng cảm giác bình yên không thể diễn tả lúc bay giữa những đám mây lấp lánh ánh vàng lúc bình minh. Khi cô bay qua Đại Tây Dương một đêm nọ, ngắm bầu trời trong vắt lấp lánh ngàn sao, cô đã phải tự véo mình để xem có phải đang mơ hay không.
Sự kiện Jerrie Mock bay vòng quanh thế giới trên trang nhất tờ Columbus Dispatch. |
Mock đã phải thăm Bangkok (Thái Lan) trong đêm tối. Mock đã đến Honolulu mà không được nhìn thấy biển. Còn tại Cairo (Ai Cập), cô đã thực hiện được giấc mơ suốt 30 năm là cưỡi lạc đà, nhưng vì quá vội, cô chỉ cưỡi được 5 phút để chụp ảnh. Tiếc là bức ảnh gửi cho Mock qua đường bưu điện bị thất lạc. Tuy nhiên, trong các cuộc điện thoại, điều mà chồng Mock muốn đầu tiên không phải là cảm xúc vui buồn của vợ mà là chi tiết cho các bài báo, thông tin về cuộc đua với Smith.
Cho dù bị mắc kẹt ở Bermuda 6 ngày do thời tiết xấu, Mock vẫn về trước Smith 3 tuần liền. Mock đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới một mình. Hành trình của cô là 29 ngày, 11 tiếng và 59 phút. Mock cũng trở thành phụ nữ đầu tiên bay từ Mỹ tới châu Phi qua Bắc Đại Tây Dương, người phụ nữ đầu tiên bay qua Thái Bình Dương trong máy bay một động cơ và người phụ nữ đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Trong hành trình, Mock cũng thiết lập một điều đầu tiên không được ghi trong sách kỷ lục: Người phụ nữ đầu tiên đáp máy bay xuống Saudi Arabia.
Ngày trở về, hơn 5.000 người đã chào đón Mock tại sân bay Columbus tối 17/4/1964, hò reo và giơ các tấm biển cổ vũ như đang xem bóng đá. Trong số đó có Thống đốc bang Ohio, ông James A Rhodes - người ví cô là “đại bàng vàng của Ohio, đồng thời tuyên bố ngày 18/4 là Ngày Mock.
Bút tích của Tổng thống Johnson trên bức ảnh chụp ông trao huy chương cho Mock. |
Mệt lử và mắt đẫm lệ, Mock ôm chầm lấy chồng con rồi chìm trong đèn flash của máy ảnh cùng hàng loạt câu hỏi về hành trình bay. Mock chỉ nói ngắn gọn: “Tôi không biết nói gì. Điều này chỉ là rất tuyệt vời”.
Smith, được ghi nhận với thành tích bay một mình lâu nhất thế giới tại thời điểm đó, đã gửi bức điện chúc mừng. Ngoài ra, hai người không bao giờ nói chuyện với nhau. Tại một cuộc họp hàng không ngay sau chuyến bay của Mock và Smith, họ mỉm cười gượng gạo để chụp ảnh rồi mỗi người đi một hướng. Chưa đầy một năm sau, ngày 17/2/1965, Smith đang lái một máy bay nhỏ thì lao xuống dãy núi San Gabriel ở California. Smith và người đi cùng đều thiệt mạng.
Sau khi hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới, Mock không bao giờ lái chiếc Spirit of Columbus nữa. Hãng Cessna tặng cô một chiếc 206, còn chiếc Cessna 180 của cô được trưng bày trong một nhà máy của hãng ở Wichita. Sau đó, hãng này tặng nó cho Bảo tàng Vũ trụ và Hàng không Quốc gia năm 1975. Chiếc máy bay được trưng bày ở phòng triển lãm hàng không đến năm 1984 và hiện ở trong Cơ sở Lưu trữ, Phục hồi và Bảo quản Garber. Mock tiếp tục phá kỷ lục 21 lần về tốc độ và khoảng cách bay. Năm 1965, cô phá kỷ lục tốc độ bay quãng đường 500 km trên chiếc máy bay nặng dưới 1.000 kg khi bay với vận tốc hơn 400 km/h. Năm 1966, Mock phá kỷ lục người phụ nữ bay liên tục quãng đường dài nhất, từ Honolulu tới Columbus (dài khoảng 7.322 km) trong 31 giờ. Thống đốc Rhodes một lần nữa có mặt tại sân bay chào đón Mock. Trước đó, ba phụ nữ Nga đã lập kỷ lục bay liên tục 4.942 km năm 1938.
Năm 1968, Mock phá kỷ lục thế giới về tốc độ bay khi bay từ Columbus tới Puerto Rico và quay trở lại trong 33 giờ. Năm sau, cô xô đổ 9 kỷ lục thế giới về tốc độ khi lái chiếc Cessna 206 tới chỗ một linh mục ở New Guinea để tặng chiếc máy bay cho ông và hội truyền giáo sử dụng. Thành phố Lae ở New Guinea chính là nơi cuối cùng mà Mock bay tới trong cả sự nghiệp bay. Đây cũng là nơi cuối cùng mà nữ phi công Earhart cất cánh trước khi mất tích tháng 7/1937. Mock quyết định nghỉ bay sau năm 1968 vì việc bay khắp thế giới để khám phá những nơi mới trở nên quá tốn kém.
Điều ngạc nhiên là, trong những năm sau này, Mock nói rằng chuyến bay vòng quanh thế giới thực ra không phải là chuyến bay đáng nhớ nhất. Vài tháng sau chuyến bay này, Mock đã trở thành một trong vài phụ nữ lái máy bay với tốc độ siêu âm. Cô đã được một phi công Không quân cho lái chiếc McDonnell F-101 Voodoo. Máy bay này đạt tốc độ hơn 1.670 km/h. Cô cho biết khi ngồi trên máy bay này thì không muốn xuống vì cảm giác rất tuyệt.
Ngày 4/5/1964, Mock nhận Huy chương Vàng của Cơ quan Hàng không Liên bang ghi nhận thành tích xuất sắc từ Tổng thống Lyndon B. Johnson. Một năm sau, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ đầu tiên giành được Huy chương Bạc Louis Bleriot dành cho ngành hàng không với thành tích phá kỷ lục lái máy bay dưới 1.000 kg kể trên. Cô cũng nhận được vô số phần thưởng quốc gia và địa phương ghi nhận thành thích trong ngành hàng không. Năm 1979, tên cô được ghi vào Sảnh Danh vọng Phụ nữ bang Ohio.
Dù rất nhiều thành tích, song Mock rất khiêm tốn: “Tôi chỉ muốn ra ngoài để hưởng niềm vui và thăm thú thế giới”. Sau chuyến bay lịch sử, Mock đã phải đối mặt với sự nổi tiếng làm xáo trộn cuộc sống bình thường.
Kỳ cuối: Ánh hào quang sớm tắt