Cựu chiến binh Đỗ Viết Chung hiện sống ở tổ 23, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), là người đã có 12 năm chiến đấu tại mặt trận biên giới Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Năm nay đã hơn 60 tuổi, ông Đỗ Viết Chung vẫn rất nhanh nhẹn, rắn rỏi, đúng với tác phong của người đã từng trải qua chiến trận.
Năm 1976, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Viết Chung đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên. Năm 1978 đơn vị của ông nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại sườn đồi phía Bắc điểm cao 2000 dãy Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), chi viện hỏa lực cho các đơn vị chiến đấu tại các điểm cao 1800A và điểm cao 1800B mặt trận Vị Xuyên.
Nhớ lại thời khắc khi sắp tham gia trận chiến, cựu chiến binh Đỗ Viết Chung cho biết: Lúc bấy giờ, những người lính trẻ như chúng tôi chưa hình dung ra được cuộc chiến đấu khốc liệt phía trước, anh em trong đơn vị ai cũng sôi sục ý chí, chỉ mong sớm được ra trận địa, chiến đấu bảo vệ bờ cõi của đất nước.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian chiến đấu, gìn giữ biên giới của Tổ quốc, ông Chung chia sẻ: Tháng 2/1979, địch dùng các loại pháo kích bắn vào các chốt của ta và cho quân lấn chiếm các điểm cao tại xã Lao Chải, Vị Xuyên. Trước tình hình trên, đơn vị của ông Chung nhận nhiệm vụ dùng hỏa lực để chi viện cho bộ binh đánh lui địch ở cao điểm 1800A và 1800B.
Sau đó không lâu, một lần nữa quân địch lại tiếp tục dùng hỏa lực bắn nhiều ngày vào các chốt của ta với lượng pháo dày đặc và phạm vi rộng lớn nhằm mục đích hỗ trợ bộ binh của địch tràn lên chiếm đóng các chốt của ta. Các chiến sỹ nhận được lệnh dùng súng cối đáp trả đội hình của địch. Với những tính toán hợp lý, các đợt phản công chính xác của ta đã bẻ gẫy các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.
Ông Chung bồi hồi nhớ lại, trong một thời gian dài, mặc dù chiến đấu trong điều kiện địa hình hiểm trở, gian khổ, thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nước, tràn đầy khí thế, đơn vị của ông đã kiên cường chiến đấu và chi viện cho các đơn vị bộ binh đánh địch, quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Sau các cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường tại mặt trận Vị Xuyên, 1 đồng đội của ông đã hi sinh, 5 người khác bị thương, bản thân ông cũng bị thương bởi sức ép của đạn pháo.
Năm 1987, ông Chung xuất ngũ trở về quê hương xây dựng cuộc sống gia đình.
Cựu chiến binh Đỗ Viết Chung khẳng định, trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng như những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mục đích của chúng ta là bảo vệ lãnh thổ, giữ vững nền hòa bình để thực hiện công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối với những thế lực thù địch có tư tưởng xâm lược, chúng ta kiên quyết chiến đấu để bảo vệ đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay phải ghi nhớ công ơn các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu để giữ vững nền độc lập, chủ quyền quốc gia; phải tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.
Cuộc đời quân ngũ gần 12 năm đã để lại trong cựu chiến binh Đỗ Viết Chung những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ, với những năm tháng được sát cánh bên những đồng đội chiến đấu bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc mà ông không thể nào quên.
Trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Đỗ Viết Chung vẫn phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ các đồng đội trong phát triển kinh tế, thường xuyên động viên con, cháu thực hiện và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…