40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979, nhiều người con của tỉnh Kiên Giang đã hăng hái đăng ký lên tuyến đầu của Tổ quốc để bảo vệ biên cương.

Trò chuyện với ông Đào Thanh Hóa (sinh năm 1957), hiện sinh sống phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, ký ức một thời trai trẻ ùa về.

Ông Hóa nhớ lại: Năm 1979, đang học lớp 12 Trường thanh niên công nông tỉnh (Bổ túc văn hóa sau này), ông Hóa cùng hơn 20 học viên nhà trường đã đăng ký lên đường nhập ngũ.

Lúc đầu, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang không thống nhất vì các ông lúc bấy giờ đang học dở dang lớp 12 và khuyên học xong rồi đi. Thế nhưng, với khí thế sục sôi, các chàng trai lớp 12 đã quyết tâm đăng ký lên đường để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Xe tăng địch bị quân ta đánh lật nhào trong đợt 17/2/1979. Ảnh: Mạnh Thường/TTXVN

Ngày 20/4/1979, cùng với nhóm 20 chàng trai, cả tỉnh Kiên Giang có hơn 80 người lên đường ra Bắc. Sau khi tập trung tại Rạch Sỏi để điểm danh, các anh được đưa lên Quân Khu 9 (Cần Thơ), sau đó lên Đồng Nai và lên tàu hỏa thẳng tiến ra tỉnh Nghệ Tĩnh.

Tại đây, các anh được huấn luyện 2 tháng, sau đó được biên chế về Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư 10, Quân đoàn 3 và đóng quân tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo ông Hóa, khi ra Bắc do chưa hợp khí hậu nên đa số những người lính miền Nam lúc bấy giờ nằm ở tuyến 2. Ở tuyến này chủ yếu là tập trung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp tuyến đầu bị thủng.

Thế nhưng, mỗi khi nghe có chiến sự xảy ra, ở tuyến 2 anh em trong lòng lại như "lửa đốt" chỉ muốn xông pha ra trận tuyến ngay lập tức...

Trước khi về nghỉ hưu năm 2017, ông Đào Thanh Hóa làm Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Phước Hào (sinh năm 1957), hiện sinh sống tại chợ Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), cũng là một trong hơn 80 người con của tỉnh Kiên Giang đăng ký lên đường nhập ngũ để bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979.

Lúc nhập ngũ, ông Hào công tác tại Trường Đảng tỉnh Kiên Giang (nay là Trường Chính trị tỉnh). Ông Hào cho biết, khi có lệnh của Đảng, Nhà nước chi viện quân cho tiền tuyến phía Bắc, ông rất sục sôi, đăng ký lên đường ngay mà không do dự.

Theo ông Hào, năm 1970, khi đang là học sinh miền Nam ra Bắc học tập tại Hà Nội, ông đã chứng kiến nhiều trận đánh trên bầu trời Hà Nội. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trở về miền Nam công tác, hay tin quân xâm lược gây hấn đưa quân sang đánh vùng biên giới phía Bắc, ông Hào cũng như bao chàng trai trẻ khác rất hăng hái đăng ký tham gia để cùng nhau bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Ông Hào cho biết, đơn vị của ông được biên chế về chung với ông Hóa, nhưng ông phụ trách bên đơn vị pháo. Dù có nặng nhọc, vất vả, nhưng với ông Hào cũng như đồng đội đều có chung một quyết tâm luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biên cương của Tổ quốc...

Sau khi trở về Kiên Giang năm 1983, ông Hào công tác trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành (Kiên Giang), đến năm 2017 ông nghỉ hưu.

Gặp lại nhau những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, hai ông “bạn già” kể cho nhau nhiều chuyện vui buồn thời lính. Các ông mong rằng những người trẻ ngày nay cần ra sức học tập, lao động để cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc mình.

Trước khi chia tay nhau, hai ông “già” Nam bộ bắt tay nhau thật chặt, chúc nhau sức khỏe và hẹn đến năm 2021 sẽ cùng kỷ niệm ngày tròn 40 năm tuổi Đảng.

Lê Sen (TTXVN)
40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Người lính gác cầu năm xưa
40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Người lính gác cầu năm xưa

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta đã trôi qua 40 năm nhưng ký ức về sự hy sinh anh dũng, lòng quả cảm của những người đồng chí, đồng đội... vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Tao Văn Nó, người lính gác cầu Việt - Trung năm xưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN