Ông Nguyễn Văn Chính (1924 - 2016), tên thật là Cao Văn Chánh (hay gọi Chín Cần), quê ở Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VII; đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ); Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cục miền Nam…
Tuy là người bảo vệ, kề cận ông Chín Cần chỉ 6 năm, nhưng với ông Sáu Danh, ngụ Phường 4, thành phố Tân An (Long An) đã gắn bó, yêu thương và kính trọng ông Chín Cần, xem ông như cha ruột của mình. Nhắc đến ông Nguyễn Văn Chính, ông Sáu Danh bùi ngùi nhớ lại lúc còn bảo vệ ông Chín Cần nơi căn cứ.
Bấy giờ, vào khoảng tháng 8/1968, đang học lớp đệ tam (nay là lớp 10), ông Sáu Danh rời làng quê xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, theo bộ đội đến khu căn cứ khu vực Đám lá tối trời, thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Với dáng vẻ thư sinh, trắng trẻo, ông được phân công nấu nước, châm trà trong các cuộc họp cho các ông Huỳnh Công Thân, Tỉnh đội trưởng Long An, ông Chín Cần - Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 3, trực thuộc Trung ương Cục miền Nam (gồm các huyện phía Nam tỉnh Long An và các quận Thành phố Hồ Chí Minh)...
Tại đây, Sáu Danh được ông Chín Cần để ý tới bởi tính hoạt bát, nhanh nhẹn. Vì vậy, khoảng thời gian này, người cận vệ lớn tuổi xin thôi nhiệm vụ, ông Chín Cần đã đề xuất Sáu Danh, bảo vệ ông.
Trong suốt quá trình làm cận vệ, ông Sáu Danh đã thấy và học được ở ông Chín Cần về bản lĩnh của một nhà lãnh đạo. Đó là luôn thấu hiểu, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Ông Chín Cần không chỉ tạo cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo nên không khí thoải mái, dễ chịu, đoàn kết trong từng đồng chí, đồng đội. Ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, ông luôn trăn trở, tìm cách đột phá vào khâu yếu nhất. Đồng thời, ông là người quyết đoán, khéo léo, có tầm nhìn chiến lược, nhận định tình hình chiến lược rất sắc bén.
Nói về kỷ niệm của mình với ông Chín Cần, ông Sáu Danh cho biết có rất nhiều, trong đó kỷ niệm về những lần đi công tác đến bây giờ ông không thể nào quên. Đó là khoảng năm 1973, trong lần đi công tác cùng ông Chín Cần ở gần địa bàn giáp ranh biên giới Campuchia, chở ông Chín Cần trên một chiếc xe máy trở về đơn vị. Lúc này, hai chiếc máy bay đang lượn trên đầu, ông Sáu liền phóng xe nhanh, lủi xuống ao nước trước mặt. Cả hai té nhào, nhưng vẫn cố gắng nằm im, nép mình trong bụi cỏ. Sau đó, người dân địa phương đã hỗ trợ hai người lên bờ, băng bó vết thương và trở lại căn cứ an toàn.
Hay một lần ở căn cứ Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), hai người chuẩn bị về Lò Gò (cách khoảng 20 km) để sáng hôm sau ông Chín Cần nói chuyện về chiến trường miền Nam (lúc này, ông là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cục miền Nam). Chiều đó, sau cơn mưa, hai người mặc bộ quần áo đẹp, tươm tất chuẩn bị lên xe máy về Lò Gò. Khi hai người đang dẫn xe qua đoạn đường bị đọng nước, một thanh niên người Campuchia chạy ngang, làm nước văng tung tóe, dơ cả bộ đồ đang mặc. Tức giận, ông Sáu Danh lấy súng AK bắn nhiều phát chỉ thiên, làm thanh niên hoảng sợ, té nhào và bỏ xe chạy tháo thân. Lúc này, mặc dù rất giận, nhưng ông Chín Cần không nói gì và khoát tay, cả hai trở về đơn vị.
Tuy nhiên, tại cuộc họp chi bộ, ông Chín Cần đã phê bình, khuyên ông Sáu Danh không được nóng nảy, cần rút kinh nghiệm: "Chú mất bình tĩnh mà bắn như vậy, nếu thanh niên đó kéo đồng bọn tới xử chú, liệu chúng có tha cho tôi không?". Câu phê bình rất nhẹ nhàng, nhưng ông Sáu Danh xem đây là bài học rất quý giá trong cuộc đời của mình.
Ông Sáu Danh chia sẻ: Nghiêm khắc trong công việc là vậy, song trong sinh hoạt hàng ngày, ông Chín Cần là người cởi mở, chân tình, lo lắng, hỏi thăm hỏi tận tình đối với từng đồng chí. Hàng đêm, mỗi người một cái võng trong lán trại, ông dạy mọi người cách đối xử giao tiếp. Những câu hò, vè về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm con người, ông Chín đều bắt học thuộc và trả lại bài cho ông.
Đầu năm 1975, ông Chín Cần gọi ông Sáu Danh lại và nói: "Chú cứ theo tôi, thì làm sao tiến thân. Tôi cử chú ra miền Bắc học, để sau này trở về giúp ích cho dân, cho nước". Ông Sáu Danh định xin ở lại phục vụ nhưng ông đưa tay ra ngăn lại và bảo chú chuẩn bị hành trang cho kịp chuyến đi trong vài ngày tới. Thế là ông Sáu Danh đành từ giã, lên đường ra Hà Nội học tập.
Sau năm 1975, ông Sáu Danh trở về được bố trí làm Phó Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Long An cho đến ngày về hưu. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông Sáu Danh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Đạt được thành quả đó, chính nhờ vào sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, tận tâm của ông Chín", ông Sáu Danh tâm sự. Và chính ân tình ấy, ông Sáu Danh lấy họ Cao của ông Chín Cần đặt tên cho hai người con của mình, nhằm bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ông Chín.
Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An" được tổ chức ngày 30/11/2019, nhằm tôn vinh, làm nổi bật những đóng góp tích cực của ông Chín vào quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng; vừa lãnh đạo thực hiện thành công chương trình khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười, tạo ra bước phát triển mạnh về bảo đảm lương thực và quốc phòng - an ninh của tỉnh biên giới. Qua đó, ông Chính góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của khu vực Nam Bộ và cả nước.