50 năm vun đắp một cộng đồng ASEAN

Sự kiện Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) được thành lập từ ngày 31/12/2015 là bước đột phá đánh dấu sự lớn mạnh của ASEAN, đồng thời giúp nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức khu vực gồm 10 thành viên này trên trường quốc tế.

Cộng đồng ASEAN đang khẳng định vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ASEAN hướng tới mục tiêu “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia” song cũng còn đối mặt không ít thách thức.

Những thành quả đạt được

Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành là kết quả của 50 năm hợp tác. Nền tảng vững chắc nhất, cũng là thành tựu lớn nhất chính là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Cộng đồng chính trị-an ninh (APSC) gắn kết sâu rộng được xây dựng trên cơ sở những cam kết chính trị, những chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập cũng như các nguyên tắc về đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ, pháp quyền, quản trị, liêm chính đã hình thành trong đời sống chính trị ASEAN.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, APSC đã được coi là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. APSC đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác chính trị - an ninh giữa các nước ASEAN với nhau cũng như giữa ASEAN với các đối tác trở nên hiệu quả và thực chất hơn. APSC trở thành trụ cột để các nước thành viên bày tỏ lập trường, cùng thảo luận để tìm tiếng nói chung, thống nhất cách thức giải quyết các xung đột về chính trị và các thách thức an ninh.

Các ngoại trưởng ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở Manila (Philippines) ngày 5/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Thông qua củng cố các cơ chế và công cụ sẵn có về hợp tác chính trị - an ninh, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), các hội nghị cấp cao, cấp ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng ASEAN...; hay xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực ứng xử chung, như Tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)..., các nước ASEAN đã đạt được những nhận thức về an ninh toàn diện (bao gồm cả các mối đe dọa quân sự, phi quân sự, an ninh truyền thống và phi truyền thống).

APSC còn tạo ra nền tảng và khuôn khổ vững chắc giúp các nước thành viên thúc đẩy lòng tin, sự hiểu biết, đoàn kết thống nhất, cũng như nâng tầm hợp tác khu vực để xử lý các thách thức chính trị - an ninh. Bên cạnh đó, APSC là cơ chế để ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là với các đối tác lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu...). Riêng trong năm 2016, APSC tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài, khi Chile, Ai Cập và Maroc tham gia TAC, nâng số thành viên của TAC lên 35; đồng thời trao quy chế đối thoại mới cho Đức và Na Uy.

Tiến trình thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử chung trong khuôn khổ APSC đã góp phần tích cực đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh của mỗi quốc gia cũng như của toàn ASEAN, qua đó duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột trong khu vực.

Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là sự phát triển cao hơn của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), kế thừa những kết quả liên kết kinh tế nội khối và kết nối với kinh tế toàn cầu, thừa hưởng lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác. Trong hơn một năm qua, AEC đã tạo động lực phát triển cho nền kinh tế các nước thành viên, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh. ASEAN, từ một tổ chức bao gồm các nước có nền kinh tế nghèo và lạc hậu đã trở thành một Cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra thị trường rộng lớn 650 triệu dân với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 4,7%/năm - mức cao trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đối với Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN, ASCC đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. ASCC tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng ASCC đã thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại là APSC và AEC .

Năm 2016 là năm ASCC bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 và các Kế hoạch công tác chuyên ngành bao gồm phúc lợi xã hội và phát triển, lao động, môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp, thanh niên, phát triển nông thôn và giảm nghèo, y tế, văn hóa, thông tin, giáo dục và thể thao. Đặc biệt trong năm 2017, Cộng đồng tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực như: chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; Tăng cường hợp tác Di sản văn hóa trong ASEAN; ASEAN cùng ứng phó trước thảm họa trong và ngoài khu vực; ASEAN và Đa dạng sinh học; tăng cường giáo dục cho trẻ em không đi học và tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể Truyền thông ASEAN. Những ưu tiên của Cộng đồng năm nay được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng vào những đối tượng yếu thế trong xã hội, đúng theo tinh thần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN.

Thách thức song hành

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột APSC, AEC và ASCC vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Các nước thành viên ASEAN gần gũi về địa lý nhưng đa dạng về thể chế chính trị, pháp luật, tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ phát triển…cũng dẫn tới những khác biệt về nhận thức và ứng xử. Điều này khiến việc gắn kết và đồng nhất chính sách an ninh - chính trị, chính sách kinh tế và xã hội của các nước không hề dễ dàng. Các chuẩn mực chưa vững chắc, thiếu sức mạnh nội lực khiến nội bộ ASEAN dễ bị phân hóa, phần nào thách thức vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, bởi vai trò này không thể được duy trì nếu không có sự đoàn kết và thống nhất.

Các lợi ích đan xen có thể là yếu tố tích cực khi các bên muốn hướng tới mục tiêu chung, song cũng là trở lực không nhỏ ngăn cản các nước ASEAN tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, việc các nước lớn đang không ngừng tăng cường sự hiện diện, tranh giành lợi ích, ảnh hưởng chiến lược của mình ở khu vực Đông Nam Á cũng tác động đáng kể tới các khía cạnh an ninh chính trị, kinh tế và xã hội của ASEAN.

Thời gian qua, tình hình quốc tế và khu vực có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, xuất hiện những nhân tố bất ổn tác động tới tình hình chính trị và môi trường an ninh ở Đông Nam Á. Một loạt biến đổi trên chính trường các nước ASEAN sau bầu cử dẫn tới những thay đổi về chính sách an ninh. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 cùng với quan điểm chưa rõ ràng của ông Donald Trump đối với chính sách “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” gây không ít quan ngại cho các nước Đông Nam Á.

Tình trạng tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. Hiểm họa khủng bố và cực đoan, vốn đã đe dọa khu vực nhiều năm qua, nay trở thành thách thức nghiêm trọng nhất của ASEAN khi khu vực này đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động mới của IS. Điều này tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi nước cũng như sự ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, những thách thức phi truyền thống ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng như hiện nay, như tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.. đang đặt ra nhiều sức ép lên Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều thách thức “xuyên biên giới” thật không dễ đối phó. Chính vì vậy, vấn đề ổn định và phát triển là ưu tiên của ASEAN trong năm 2017. Điều đó đòi hỏi Cộng đồng ASEAN phải hoàn thiện hơn nữa để trở thành nơi các nước thể hiện trách nhiệm tập thể cùng hợp tác đối phó với những thách thức vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Thanh Lâm (TTXVN)
Các dấu mốc đáng nhớ trong 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN
Các dấu mốc đáng nhớ trong 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN, với những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN