Mặt khác, chúng tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới Tây Nam nước ta, giết hại dân thường hết sức dã man. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc cao cả, cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh Vương quốc Campuchia. Trong đó, nhiều chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam là người con của quê hương Kiên Giang tham gia với lòng dũng cảm, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Nhìn lại những tấm ảnh cách đây hơn 30 năm, khi còn là người lính tình nguyện Việt Nam rong ruổi trên khắp nẻo đường của đất nước Campuchia, những ký ức xưa ùa về trong tâm trí ông Nguyễn Hòa Hiệp (sinh năm 1957, hiện ở ấp Sua Đũa, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang). Với ông, những tháng ngày ở đất bạn Campuchia là những ngày khó quên và đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình.
Ông Hiệp chia sẻ: Hơn 10 năm tham gia tại chiến trường Campuchia, với tôi cũng như những người lính tình nguyện trên "đất nước Chùa Tháp", điều lo ngại nhất không phải là kẻ địch mà chính là thời tiết khắc nghiệt ở những nơi đóng quân hoặc trên đường hành quân. Chiến đấu trực tiếp với kẻ thù có khi cả đoàn quân chẳng phải hy sinh một ai, nhưng chính chốn rừng thiêng nước độc lại quật đổ nhiều người do bệnh sốt rét rừng. Thế nhưng tất cả mọi người đều động viên, nắm chặt tay, sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của người lính, góp phần giải phóng đất nước Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng dưới chế độ tàn bạo Khmer Đỏ.
Theo ông Nguyễn Hòa Hiệp, dù ngày 7/1/1979 là mốc lịch sử giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia, nhưng tàn quân Pol Pot lui về các căn cứ dọc biên giới Thái Lan - Campuchia chốt giữ, hòng xây dựng lực lượng đánh chiếm lại, nên nhiệm vụ của quân tình nguyện Việt Nam là phải truy quét, tiêu diệt tận gốc mầm họa diệt chủng Pol Pot. Đây chính là thời gian ác liệt nhất và nhiều chiến sĩ, bộ đội quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã đổ xương máu, ngã xuống trên chiến trường này.
Ông Hiệp nhớ lại đã cùng đơn vị tham gia hàng trăm trận đánh, có những trận tiêu diệt địch nhanh, nhưng cũng có trận giằng co kéo dài, nhiều trận đánh lập chiến công xuất sắc… Trận đánh đáng nhớ nhất do ông chỉ huy một đại đội trong cánh quân ta tiến vào Thủ đô Phnôm Pênh đánh đuổi bọn diệt chủng Pol Pot. Quân địch tháo chạy về phía biên giới giáp Thái Lan. Lúc bấy giờ ông Hiệp là Đại đội trưởng chỉ huy lực lượng ta truy đuổi đến khu vực sân bay Kompong Chhnang thì bị phục kích, ông bị thương nặng, ngỡ là hy sinh trong trận chiến này. Thế nhưng, một viên đạn bắn xuyên thấu từ trước ngực ra phía sau đã không làm ông gục ngã; trái lại, giữa vòng vây của bọn tàn quân Pol Pot, ông cùng đồng đội đã chiến đấu quyết liệt.
Cùng lúc đó, lực lượng của ta chi viện giải vây, tiêu diệt quân thù và ông Hiệp được cứu chữa kịp thời. Ông Hiệp nhớ lại, lúc đó lực lượng quân y chiến trường phải dùng hai cái chén úp phía trước ngực và phía sau lưng để cầm máu, đồng thời máy bay đưa ông về thành phố Cần Thơ để cấp cứu. Sau hai tháng điều trị, ông Hiệp quay trở lại Campuchia tiếp tục đời binh nghiệp cùng với đồng đội tiêu diệt tàn quân Pol Pot. Suốt quá trình tham gia chiến đấu cùng Tiểu đoàn 207 (Quân khu 9) trên chiến trường Campuchia, ngoài hai lần bị thương xuyên phổi, mảnh pháo nổ thủng gan, ông Hiệp còn bị mảnh đạn cối bắn sướt cổ họng, đạn bắn bể xương bánh chè… Những vết thương này vẫn còn hằn in trên cơ thể của người thương binh 2/4 Nguyễn Hòa Hiệp.
Trở về nước sau hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, ông Nguyễn Hòa Hiệp mang quân hàm Thiếu tá, giữ chức vụ Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và tiếp tục cống hiến cho nhân dân, cho đất nước, góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang giàu đẹp. Ông nghỉ hưu năm 2018. Với những cống hiến, thành tích đạt được, ông Nguyễn Hòa Hiệp được trao huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, 4 huân chương Chiến công hạng ba và nhiều huân, huy chương khác.
Với ông Trần Văn Thuận (sinh năm 1956, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), trong hơn 9 năm sống và chiến đấu trên chiến trường Campuchia (1979 -1988), kỷ niệm đáng nhớ nhất là trận đánh cao điểm mở đường qua tỉnh Kông Bông Chư Năng (Campuchia) ngày 25/1/1979. Lúc đó ông là Đội trưởng trinh sát, Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 330, Quân khu 9. Ông Thuận bồi hồi nhớ lại: Trận đánh này gian khổ nhất bởi quân ta phải đối đầu với 4 tiểu đoàn phòng ngự của địch. Ta ít, địch nhiều và ta kiên quyết mở đường, địch kiên quyết ngăn chặn. Trận chiến kéo dài từ 5 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày ta mới làm chủ tình hình và giành thắng lợi.
Sau trận chiến đó, ông Thuận được điều về Trung đoàn 330 làm quyền Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 330 và chi viện cho Tiểu đoàn 309. Tháng 3/1979, đơn vị được lệnh đánh cao điểm 1838 tại dãy núi Tượng Lăng, tỉnh Pô - Xát, nhưng cả Tiểu đoàn 309 và 307 đánh 2 ngày đêm vẫn không phát triển được. Lúc bấy giờ, ông Thuận đề xuất cách đánh lên cấp trên và được chấp thuận phương án: Quân ta tìm cách lên cao điểm 1838 (nơi địch đóng quân) để đánh xuống và luồn vào trong đánh từ sau ra. Do bị đánh bất ngờ, địch không nắm được lực lượng của ta nên chỉ sau khoảng 15 phút chiến đấu bọn chúng tháo chạy, ta đã làm chủ trận địa.
Ông Trần Văn Thuận chia sẻ, sau nhiều lần hành quân, chứng kiến xác người dân Campuchia vô tội bị tàn quân Pol Pot giết hại, vứt trên các cánh đồng, hồ nước rất dã man, nên dù gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam luôn quyết tâm tiêu diệt quân diệt chủng Khmer đỏ. Không ai bảo ai nhưng đều đồng thuận, quyết tâm chiến đấu kiên cường, tiêu diệt sạch mầm họa tàn quân Pol Pot, góp phần giúp đất nước Campuchia hồi sinh, xây dựng và phát triển.
Với những cống hiến, góp phần giúp đất nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng Pol Pot, ông Trần Văn Thuận được Chủ tịch nước tặng thưởng 7 Huân chương các loại. Trở về cuộc sống đời thường, ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc, tiếp tục chăm lo cho những cựu quân nhân năm xưa để cùng nhau đưa huyện đảo Phú Quốc ngày càng phát triển.
Những năm tháng sống và chiến đấu trên chiến trường Campuchia, ông Hiệp, ông Thuận cùng đồng đội đã có những kỷ niệm khó quên, đáng nhớ trong đời binh nghiệp của mình, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả của Bộ đội tình nguyện Việt Nam, góp phần đánh đổ chế độ Khmer đỏ, giúp nhân dân thoát họa diệt chủng, giải phóng và xây dựng, phát triển "đất nước Chùa Tháp".
Bài 3: Hợp tác toàn diện