Đây không chỉ là sự tiếp nối về mặt nhân sự, mà còn là cơ hội để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho đất nước, cũng như kế thừa, phát huy những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc duy trì ổn định kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế là rất cần thiết để Việt Nam có thể giữ vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là một nhiệm vụ không thể thiếu.
Để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ tài, đức và tầm nhìn chiến lược. Sự đồng lòng và quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp nối và phát huy những giá trị mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo có tầm nhìn và kiên định với các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đặt nền móng trong thời gian qua.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng với việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiệm vụ lớn trong kế thừa và phát huy những di sản này.
Đề cập tới 5 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ quan điểm này đã thể hiện sự tiếp nối và phát triển các chiến lược ngoại giao truyền thống của Việt Nam, đồng thời mở ra những hướng đi mới để tăng cường vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ việc đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng và đối tác chiến lược không chỉ giúp Việt Nam củng cố tin cậy chính trị và đan xen lợi ích mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh.
Thông qua việc duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, Lào, Campuchia và các đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội phát triển, đồng thời đảm bảo sự ổn định và an ninh khu vực. Việc tăng cường đóng góp trong duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới không chỉ giúp xây dựng hình ảnh của Việt Nam như một quốc gia yêu chuộng hòa bình mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Nâng tầm ngoại giao đa phương cũng là một trong những ưu tiên chiến lược và cần tiếp tục phát huy trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc phát huy vai trò của Việt Nam trong các tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và tại những diễn đàn đa phương lớn như Liên hợp quốc không chỉ giúp nâng cao vị thế của đất nước mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia quá trình định hình các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ cán bộ ngoại giao, đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng để đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.
Từ góc độ một Việt kiều đang làm việc tại nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam. Quan điểm này không chỉ khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các hiệp ước và cam kết quốc tế mà còn là lời khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, và phát triển bền vững.
Đánh giá về cuộc chiến chống "giặc nội xâm" khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Điều này sẽ góp phần làm giảm thiểu tình trạng tham nhũng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng một môi trường chính trị trong sạch, vững mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn nhắc lại dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những năm qua hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực đã được phanh phui, với nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý nghiêm minh.
Điều này không chỉ khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy nhà nước mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là minh chứng rõ ràng cho cam kết của người lãnh đạo cao nhất trong Đảng về duy trì kỷ cương, minh bạch trong hệ thống chính trị và xã hội.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, trong quá trình thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó mục tiêu trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên cũng đối mặt với một số thách thức cần giải quyết.
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bất chấp những khó khăn sau đại dịch COVID-19 và các biến động về địa chính trị toàn cầu. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, chế biến chế tạo tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra nhiều việc làm. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ cao đang được thúc đẩy mạnh mẽ, giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ trong cải thiện hạ tầng, với nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc, sân bay và cảng biển được triển khai. Những nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý kinh tế cũng được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Do đó, để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, khắc phục những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề cấp bách mà Việt Nam cần giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn khẳng định với sự quyết tâm và định hướng đúng đắn, Việt Nam có thể vượt qua thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong thời gian tới.