Thu hút người Việt trẻ ở Séc vào lực lượng chống ma túy

Đoàn công tác Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an Việt Nam đã có chuyến thăm làm việc tại CH Séc từ ngày 12/9 đến 12/10.


Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy, thông báo kết quả một tháng làm việc tại CH Séc.

Chiều 11/10 (tức sáng 12/10 theo giờ Hà Nội) tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Praha, Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam, đã thông báo với báo chí và đại diện cộng đồng người Việt tại Séc kết quả làm việc với phía CH Séc về hợp tác đấu tranh chống ma túy.


Theo phóng viên TTXVN, Đại tá Nguyễn Địch Nam, Trưởng Đoàn cán bộ Tổng cục Cảnh sát Việt Nam sang làm việc tại CH Séc từ ngày 12/9 đến 12/10, cho biết, trong thời gian một tháng có mặt tại CH Séc đoàn công tác đã đến thăm làm việc với ban lãnh đạo cảnh sát và cơ quan điều tra ở 10 tỉnh, thành phố do Bộ Nội vụ (tương đương Bộ Công an ở Việt Nam) nước sở tại bố trí và một thành phố do Đại sứ quán và Hội Người Việt Nam tại CH Séc giới thiệu. Qua trao đổi thông tin với phía bạn, phía Việt Nam nhận thấy rằng trong các loại tội phạm mà người Việt ở Séc mắc phải thì trồng cần sa, chế biến ma túy tổng hợp, buôn bán các chất gây nghiện là loại hình phổ biến và nghiêm trọng nhất.


Số liệu của Bộ Nội vụ CH Séc cho thấy, trong năm 2014 có 237 người Việt bị bắt vì các hoạt động liên quan đến ma túy, đứng đầu trong các cộng đồng người nước ngoài tại đây, và có xu hướng mỗi năm một tăng. Tuy chỉ là thiểu số rất ít trong tổng cộng hơn 65.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại CH Séc song các đối tượng tội phạm ma túy đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới hình ảnh của người Việt trong con mắt của người dân nước sở tại.


Theo Đại tá Nguyễn Địch Nam, cảnh sát Séc rất khó xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam do lối sống khá khép kín của người Việt; công tác điều tra mở rộng ít hiệu quả: chỉ bắt được người trồng cần sa thuê, người trực tiếp vận chuyển ma túy, còn các đội tượng chủ mưu, đầu tư, cung cấp các tiền chất ma túy, phương tiện chăm sóc cần sa, dụng cụ chế biến ma túy... vẫn lọt lưới; cộng đồng Việt Nam ít hợp tác với cảnh sát nước sở tại trong việc tố giác tội phạm ma túy... Phía CH Séc mong muốn phía Việt Nam cử cảnh sát sang trực tiếp tham gia điều tra, phát hiện các đội tượng tội phạm ma túy người Việt, dẫn độ về nước các tội phạm ma túy đã thành án. Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp lý và khả năng thực tế nên việc cảnh sát Việt Nam trực tiếp hoạt động điều tra, xét hỏi trên lãnh thổ Séc rất khó thực hiện, còn các hiệp định về tương trợ pháp lý và dẫn độ tội phạm vẫn còn trong quá trình xúc tiến, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ cả hai phía.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc thăm những người Việt đang thụ án tại Séc, trong đó có tội phạm ma túy.

Chiến lược chống tội phạm ma túy trong cộng đồng Việt mà phía Việt Nam tư vấn cho phía CH Séc gồm: Thứ nhất, "thu phục nhân tâm" để người Việt nhiệt tình tố giác tội phạm. Cảnh sát Séc phải tích cực bảo vệ lợi ích hợp pháp của người Việt, trong có có bảo vệ nhân chứng, thì người Việt mới hợp tác. Thứ hai, tuyển chọn thế hệ người Việt thứ hai vào lực lượng điều tra chống tội phạm ma túy. Thứ ba, hợp tác đa phương với cảnh sát chống ma túy các nước láng giềng như Đức, Ba Lan, Áo... Trong ba chiến lược nói trên, Đại tá Nguyễn Địch Nam rất tâm đắc với việc khuyến khích những người Việt trẻ trực tiếp tham gia các vụ điều tra phá án ma túy trong cộng đồng. Điều này giải tỏa được "thế bí" là cảnh sát Séc hầu như không tiếp cận được với người Việt. Nhược điểm của thế hệ trẻ người Việt tại Séc là tiếng mẹ để yếu và phía Việt Nam sẽ giúp đào tạo ngôn ngữ thông qua các đợt trao đổi ngắn hạn hoặc thực tập dài hạn.


Trả lời phóng vấn của phóng viên TTXVN, Đại tá Nguyễn Địch Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đưa ra các khuyến cáo đối với bạn. Những khuyến cáo đó là những bài học kinh nghỉệm rất tốt cho bạn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm ma túy trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi cũng đưa ra các phương hướng trong hợp tác giữa Bộ Nội vụ Séc với Bộ Công an Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới cơ chế trao đổi thông tin có liên quan trong tội phạm ở cộng đồng người Việt Nam. Giữa Việt Nam và CH Séc có mối quan hệ khăng khít thông qua cộng đồng người Việt Nam, trong việc đấu tranh chống ma túy cũng vậy. Tội phạm ma túy ở CH Séc có thể trốn về Việt Nam hoặc tội phạm ma túy Việt Nam có thể trốn sang CH Séc. Do dó hai nước luôn luôn phải có sự quan hệ phối hợp chặt chẽ với nhau thì mới đáp ứng được các yêu cầu đề ra".


Theo Đại sứ Trương Mạnh Sơn, Đại sứ quán và Hội Người Việt Nam tại CH Séc cần tích cực hơn trong việc tuyên truyền phòng chống ma túy trong cộng đồng, trong đó có việc phát động các chi hội địa phương tổ chức tọa đàm, trao đổi về đề tài về chống ma túy và thông qua đó tạo ra phong trào "Nói Không với ma túy" trong cộng đồng.


Có một nghịch lý được bộc lộ trong cuộc gặp là tuy cộng đồng người Việt hết sức bức xúc trước các hoạt động liên quan đến ma túy, nhận thức rõ ảnh hưởng hết sức tiêu cực của tội phạm ma túy đối với hình ảnh chung của cộng đồng, nhưng theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, người Việt "rất ngại" tiếp  xúc với các cơ quan điều tra của Séc, không hợp tác trong việc tố giác tội phạm trước hết không phải vì sợ bị trả thù mà do "không muốn mất thời gian, ảnh hưởng đến việc làm ăn".


Phát biểu tại cuộc gặp, đại diện báo chí và các tổ chức đoàn thể của người Việt bày tỏ mong muốn cảnh sát Việt Nam trực tiếp sang CH Séc điều tra, phá án một số "vụ điểm" để trấn áp tội phạm ma túy trong cộng đồng và phía Việt Nam đồng ý dẫn độ về nước các đối tượng tội phạm ma túy... Họ cho rằng sẽ có ít người Việt ở thế hệ thứ hai tham gia lực lượng cảnh sát Séc do thu nhập thấp hơn các ngành nghề khác.


Bài, ảnh: Trần Quang Vinh - CTV (P/v TTXVN tại Praha)
Giao lưu văn hóa tăng cường quan hệ Séc – Việt
Giao lưu văn hóa tăng cường quan hệ Séc – Việt

Chiều 1/10, Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Khoa Triết trường Đại học Tổng hợp Charles của CH Séc đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Người Séc ở Việt Nam – Việt Nam trên đất Séc” tại sảnh chính của Khoa Triết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN