Những người “thắp lửa” trước thềm năm mới

Khi những cơn gió lạnh chợt hắt lên se sắt cùng những giọt mưa lâm thâm lất phất ngoài trời, ấy là lúc “đông đã già mà xuân hãy còn non”, ấy là lúc lòng người rạo rực ngóng Tết đến xuân về, tâm hồn hân hoan với niềm vui đoàn tụ và đôi mắt lóng lánh cảnh sum vầy. Nhưng cũng lúc ấy, những nghệ sĩ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lại lên đường mang điệu múa, lời ca cùng tiếng đàn tới đồng bào xa quê hương.

Những nữ lao động Việt Nam tại Ma Cao cố gắng ghi hình các tiết mục biểu diễn để xem lại.


Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết mặc dù nhận được rất nhiều lời mời ở trong nước, nhưng trường vẫn cố gắng sắp xếp đưa đoàn biểu diễn để sang phục vụ bà con người Việt sinh sống tại Hồng Công và Ma Cao - hai khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Mấy lần lưu diễn trước đây, các nghệ sĩ trong đoàn thực sự xúc động trước tình cảm mà bà con dành cho mình. Những bông hoa dẫu được chuyền đi chuyền lại, nhưng họ vẫn rất trân trọng vì hiểu rằng trong đó là chất chứa yêu thương, là tràn đầy tình cảm của bà con. Những ngấn mắt nhòe lệ, những cái vẫy tay lưu luyến lúc hạ màn của bà con thôi thúc họ nỗ lực hơn nữa để cống hiến. Và mỗi lần sang Hồng Công, Ma Cao lưu diễn, họ lại mang đến cho bà con một chương trình mới, những tiết mục mới.

Tiết mục múa nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt.


Khát khao chờ đợi, thao thức mấy đêm sau khi nghe tin đoàn nghệ sĩ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trở lại phục vụ bà con nhân dịp Tết Nhâm Thìn, rốt cuộc, chị Nguyễn Thị Quỳnh, 39 tuổi, quê ở Giao Thủy (Nam Định) cũng thỏa nguyện. “Xa quê, chỉ mong nghe được tiếng nói Việt Nam, mỗi dịp Tết đến xuân về, tăng ca ở nhà chủ, nước mắt cứ trào ra, nhớ chồng, nhớ con, nhớ gia đình, giờ lại được trực tiếp thưởng thức làn điệu quê hương…”, chị Quỳnh nghẹn ngào. Đã nhiều lần tham dự các chương trình tương tự do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Công và Ma Cao phối hợp với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức phục vụ bà con mỗi dịp Quốc khánh và Tết Âm lịch, dù chị Quỳnh không nói ra lời, nhưng tôi đồ rằng những điệu múa, lời ca tiếng hát và bản nhạc dân tộc mà các nghệ sĩ mang tới quả thực là liều thuốc tinh thần giúp những người như chị Quỳnh vợi bớt nỗi nhớ quê hương, có thêm động lực để tiếp tục lao động nơi xứ người.

Đón nhận tình cảm của người lao động Việt Nam tại Ma Cao.


Cũng giống với chị Quỳnh, chị Nguyễn Thị Mến, 24 tuổi ở Bắc Giang, sang Ma Cao làm giúp việc được hơn ba năm, lần nào nghe tin có đoàn nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn phục vụ bà con, cũng cố gắng sắp xếp công việc, xin chủ để đến hòa mình vào những tiết mục văn nghệ đượm tình đất nước, thắm sắc quê hương cho thỏa nỗi nhớ nhà. Cũng giống với mọi lần, chị Mến chuẩn bị mấy bông hoa để dành tặng cho các nghệ sĩ và cố gắng vươn tay dùng điện thoại ghi lại các tiết mục biểu diễn đem về cho các chị em trong phòng trọ không có điều kiện đi xem, “thưởng thức nguội”.

Trước tình cảm nồng nhiệt mà bà con dành tặng, các nghệ sĩ đã “cháy” hết mình. Thay vì biểu diễn một buổi như mọi khi, họ đã “tăng bo” thêm một ca diễn. Bữa trưa vẫn chỉ là cơm hộp với rau, đậu, nhưng trong ca diễn từ đầu giờ chiều, lửa nhiệt tình vẫn không hề giảm. Giàn âm thanh vốn chỉ dùng cho hội nghị quá tải, khét lẹt, các nghệ sĩ liền ào xuống sân khấu, cùng bà con hát chay. Những bài ca đi cùng năm tháng tiếp tục ngân lên, nhưng thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi cả ca sĩ lẫn người nghe đều nghẹn ngào trong sự đồng cảm.

Những tràng pháo tay trở thành niềm cổ vũ rất nhiều cho các nghệ sĩ.


Đã rất nhiều lần xuất hiện trước công chúng, nhưng chưa bao giờ ca sĩ Tuấn Anh lại chứng kiến cảnh người nghe nhiệt tình đến thế. Không giấu nổi xúc động, chàng ca sĩ điển trai, mới cưới vợ được tròn hai tuần này, tâm sự: “Gặp bà con xa xứ, biểu diễn phục vụ bà con, mới thấy mình còn phải nỗ lực thêm nhiều để có thể mang đến cho bà con những tiết mục hay hơn nữa, để có thể thỏa nỗi khát khao văn nghệ của bà con”. Hồ hởi trước sự thành công của các buổi biểu diễn, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thị Nhã cảm ơn các nghệ sĩ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã không quản khó khăn, mang đến cho những người Việt Nam tại Hồng Công và Ma Cao “tiếng lòng của quê hương”. “Các anh các chị quả thực đã trút dầu vào lửa, nhưng đó là thứ dầu quê hương rót vào lửa yêu thương, lửa nhung nhớ của những người con xa xứ”, bà Nhã nói đầy xúc động

Bài và ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN