Ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, người Việt tại Séc đã tương thân tương ái hỗ trợ chính quyền, bệnh viện và các lực lượng trực tiếp chống dịch…, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là những hoàn cảnh thuộc diện đặc biệt. Bà con nhắc nhở nhau tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền sở tại, tự giác cách ly, khai báo y tế và chia sẻ thông tin khi bị nhiễm bệnh để tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo số liệu của cơ quan chức năng Séc, đến nay quốc gia Trung Âu này đã ghi nhận gần 1,5 triệu ca mắc COVID-19, tương đương 14% dân số. Trong số này đã có trên 25.400 ca tử vong. Sự xuất hiện của các biến thể mới khiến tình hình lây nhiễm tại đây gia tăng nhanh chóng và diễn biến phức tạp, đẩy hệ thống y tế Séc vào tình trạng quá tải cần sự hỗ trợ y tế của một số nước trong Liên minh châu Âu (EU). Hiện Séc cũng đang thúc đẩy triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và đã tiêm cho trên 1,4 triệu người trong diện ưu tiên. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng vẫn chưa được như mong muốn, do các nhà cung cấp vaccine không chuyển giao đủ số lượng theo kế hoạch.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng cho biết tình hình dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 3 đang diễn ra, đã tác động lớn tới cộng đồng người Việt tại Séc. Đến nay đã có trên 800 người Việt tại Séc mắc COVID-19 và hơn 20 người trong số này không qua khỏi. Cũng theo Đại sứ Thái Xuân Dũng, tình trạng lây nhiễm trong giới trẻ gia tăng và độ tuổi tử vong do COVID-19 của người Việt thấp hơn của người bản địa.
Đánh giá về đóng góp của cộng đồng người Việt tại Séc, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho rằng ngay từ đầu, bà con người Việt tại Séc đã rất chủ động, tích cực chung tay cùng chính quyền và người dân sở tại chống dịch. Bà con cũng tự giác tuân thủ các biện pháp phòng dịch của chính quyền sở tại, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần và tài chính cho các lực lượng sở tại trực tiếp tham gia phòng chống dịch. Nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được bà con thực hiện như may tặng khẩu trang, tặng dung dịch sát khuẩn, quyên góp tiền, cung cấp xuất ăn, đồ uống miễn phí… Những việc làm này đã được lãnh đạo các cấp và người dân Séc ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, áp lực về sinh kế và nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan khác, một bộ phận bà con đã không còn thận trọng như trước khiến dịch bệnh bắt đầu lây lan nhanh trong cộng đồng từ đầu năm nay.
Trước tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, Đại sứ Thái Xuân Dũng khuyến nghị bà con quay trở lại tuân thủ chặt các quy định như trước. Ngoài ra, bà con cũng cần phát huy phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiệnn nay và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mắc COVID-19.
Về những công tác mà Đại sứ quán Việt Nam đã làm được kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Séc vào tháng 3/2020, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết Đại sứ quán đã phối hợp với Hội người Việt Nam tại Séc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời đưa ra những khuyến nghị với bà con và vận động bà con tích cực, chủ động tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, chủ động, tích cực của bà con trên tinh thần đoàn kết và không quản ngại giúp đỡ lẫn nhau đã khiến công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, qua đó giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong công tác lãnh sự, Đại sứ quán cũng đã có những thay đổi linh hoạt để tránh tập trung đông người, đồng thời công khai hóa mọi thủ tục, hồ sơ, thời gian nhận và trả kết quả trên trang web để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin.
Nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay hỗ trợ đưa công dân về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đại sứ quán đã tích cực và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện liên quan và các cơ quan chức năng sở tại thu xếp cho hơn 390 công dân Việt Nam tại Séc về nước trên 15 chuyến bay giải cứu. Hiện nay, Đại sứ quán đang tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nước của đồng bào.