Người Việt ở Siberia gồng mình trước khó khăn

Siberia - khu vực có diện tích tới 13,1 triệu km2 của nước Nga, kéo dài từ dãy núi Ural tới tận bờ phía đông giáp Thái Bình Dương có số lượng người Việt đang làm ăn và sinh sống không hề nhỏ.

Người Việt đầu tiên tới đây có lẽ là những công nhân lao động xuất khẩu và sinh viên sang Liên Xô cuối thập niên 1980 thế kỷ trước. Ngày nay, cộng đồng người Việt sống rải rác tại nhiều thành phố, có người đã lập gia đình với người dân sở tại.

Có lẽ là cái "duyên" đã giúp chúng tôi thực hiện một cuộc hành trình đầy vất vả dọc sông Yenisei ở miền Trung Siberia này để đến thăm và tìm hiểu cuộc sống của bà con xa xứ. Đây là con sông lớn thứ 5 thế giới và là một trong ba sông lớn nhất đổ vào Bắc Băng Dương. Thành phố đầu tiên tôi tới là Krasnoyarsk, một trung tâm công nghiệp - khai khoáng giàu có, với hơn 1 triệu dân. Hiện thành phố chỉ còn khoảng hơn 100 người Việt do phần lớn đã hồi hương trước khó khăn kinh tế suốt hơn một năm qua. Cũng giống như các khu vực khác ở LB Nga, người Việt tại Krasnoyarsk chủ yếu làm ăn buôn bán ở các chợ. Kinh tế Nga khủng hoảng khiến đại bộ phận dân Nga phải cắt giảm chi tiêu và điều này gây ảnh hưởng tức thì tới các sạp bán hàng vải. Chợ "đuội, đìu hiu" là từ thường thấy của người Việt tại LB Nga thời điểm này. Ở Krasnoyarsk, người Việt chủ yếu kinh doanh tại 2 chợ ngoài trời là chợ Vostochnyi (Phương Đông) và chợ Sodryzectbo (Cộng đồng) nằm cạnh nhau. Chợ hầu như thưa thớt người mua dù hàng hóa đa dạng và trong cái giá lạnh, tiểu thương người Việt thậm chí chơi cờ để giết thời gian.

Tác giả (giữa) và những người Việt định cư ở Kyzyl, CH Tuva.

Anh Nguyễn Tăng Thanh, người Thủy Nguyên, Hải Phòng sang Nga được 3 năm bi quan: "Kinh doanh bên này nhìn chung là kém, nói chung là làm không có tiền, muốn về quê thăm vợ mà không có tiền về". Theo anh Thanh, do làm ăn kém anh cũng dự định về nước như phần lớn bà con người Việt ở đây.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cùng quan điểm như vậy. Anh An Văn Thùy ở Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương làm ăn ở Krasnoyarsk đã 14 năm và gia đình cũng ở đây nói: "Thực sự là trong năm nay kinh tế khủng hoảng nên bà con hơi khó khăn, mọi năm trước vẫn làm ăn bình thường". Anh cũng cho biết "tương lai mọi người vẫn quyết tâm bám trụ ở thành phố này. Làm ăn thì bây giờ khó khăn chung cả". Nhiệt độ lạnh nhất trong mùa đông ở khu vực này xuống còn khoảng âm 35 độ song bà con vẫn đi chợ bình thường.

Tại chợ Vostochnyi mới mọc lên một trung tâm thương mại, khang trang, bề thế. Song không phải nhiều người Việt có quầy hàng trong trung tâm này. Một trong số ít những người đó, anh Chu Đình Thủy sang Nga năm 1987, kinh doanh ở Krasnoyarsk đã 25 năm. Anh cho biết: "Buôn bán bên này khó khăn hơn mọi năm rất nhiều, đồng ruble trượt giá nên rất khó khăn, giờ làm 100 USD để mang về Việt Nam là rất khó. Hiện chỉ kiếm đủ cuộc sống hàng ngày mà thôi". Trong tâm tư anh Thủy vẫn muốn trụ lại vì con cái đều ở Nga, về Việt Nam không biết làm gì để sống do ở Nga đã quá lâu và anh cũng cho rằng ở đây vẫn "dễ sống hơn ở nhà". Anh cũng nghe nói về những trường hợp các công nhân Việt Nam sang Liên Xô xuất khẩu lao động cho đến nay chưa về nước một lần nào, phần do kinh tế eo hẹp song một phần còn do tâm lý tự ti không muốn về gặp làng xóm khi chưa khá giả.

Anh Chu Sĩ Hùng, chủ quán ăn Việt Nam ở Abakan.

Vượt 800 km sau hơn 10 tiếng ngồi xe buýt, chúng tôi tới Kyzyl, thủ phủ của Cộng hòa Tuva ở cực Nam Siberia, nơi bắt nguồn con sông Yenisei. Qua đoạn đường đèo đóng băng quanh co hiểm trở trên dãy Sayan, thời tiết có phần khắc nghiệt hơn. Tại Kyzyl chênh lệch nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông lên tới 90 độ, vì nhiệt độ mùa hè có thể lên tới 45 độ trong khi nhiệt độ lạnh nhất mùa đông là âm 45 độ. Khi chúng tôi tới, nhiệt độ ngoài trời, âm 13 độ, được xem là "dễ chịu". Và điều khiến tôi ngạc nhiên là đây có quần thể gọi là Trung tâm của châu Á nằm cạnh nơi bắt nguồn con sông Yenisei.

Kyzyl chỉ có 7 gia đình người Việt sống đoàn kết với nhau, hầu hết trong số họ lập gia đình với người bản địa. Qua lời kể, các anh là những người sang Nga làm ăn, đã phiêu bạt nhiều nơi trước khi định cư ở xứ sở xa xôi này. Khi tới đây, tài sản của mỗi người chỉ khoảng 200 USD. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của mình, hay có lẽ là nhờ những bà vợ người Tuva tần tảo, các anh ngày nay nhiều người đã có cơ ngơi mà người Việt ở các nơi khác có lẽ phải mơ ước. Điểm đặc biệt của người Việt ở Kyzyl là phần lớn các anh không còn lệ thuộc vào chợ, hòa nhập tốt với người dân bản địa, và mở các cửa hàng riêng, mỗi người kinh doanh một số mặt hàng đặc thù.

Anh Nguyễn Văn Sinh, người Hà Nội, chủ một cửa hàng kinh doanh lốp xe lớn có uy tín định cư tại Kyzyl từ năm 2001 cho biết: "Lúc đầu mới xuống đây anh em còn ít, cộng đồng, còn gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian, nhờ sự đoàn kết của cộng đồng, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, đến bây giờ nói chung cuộc sống ở đây cảm thấy thoải mái... người Việt Nam và người Tuva rất hòa đồng, người Tuva nói chung cũng rất tốt".

Chị Nguyễn Thị Như, quê Thái Bình, vợ anh Trương Tuấn Dũng, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn nói: "Cửa hàng nhà em bán đồ gia đình, nói chung thu nhập cũng ổn định... mùa hè nhà em bán thêm xe đẩy trẻ em và xe đạp ở bên ngoài và ở cửa hàng bên cạnh".

Rời Kyzyl với những tình cảm sâu nặng của người Việt ở đây, chúng tôi ghé Abakan, thủ phủ Cộng hòa Khacassia nằm giữa tỉnh Krasnoyarsk và CH Tuva. Dù Khacassia nổi tiếng là điểm du lịch với các hang động, hàng trăm hồ nước mặn và nước ngọt trên núi, khí hậu ôn hòa, song chúng tôi cũng vẫn cảm nhận được cái lạnh đầu đông ở Abakan. Có lẽ cái rét đã khiến đường phố nơi đây ngày nghỉ trở nên vắng vẻ.

Khoảng 10 gia đình người Việt tại đây phần lớn cũng buôn bán ngoài chợ. Tuy nhiên những người ở lâu năm đều đã sở hữu quầy bán hàng tại chợ Kitai (chợ Trung Quốc) cũng như căn hộ trong thành phố.

Anh Nguyễn Văn Quynh, người An Lão, Kiến An, Hải Phòng sang Nga đã 27 năm cho biết: "Xét về hoàn cảnh thực tại bây giờ thì nước Nga đang bị khủng hoảng cho nên bà con buôn bán chỉ ở mức độ cầm chừng và để tồn tại thôi. Cuộc sống cũng có nhiều khó khăn và tích lũy rất nhỏ. Chủ yếu là để tồn tại, còn phải chờ đến tương lai xem nước Nga như thế nào".

Chưa khi nào tôi nhận thấy cuộc sống lại khó khăn đến thế với các tiểu thương ngoài chợ, từ Moskva hoa lệ, Krasnoyarsk, rồi Abakan. Rõ ràng cuộc khủng hoảng kinh tế đã giáng một đòn nặng nề vào phần lớn người Việt kinh doanh ở chợ, dù vẫn có người "làm ăn được", song con số đó rất nhỏ so với đại bộ phận đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn. Nói như vậy song ở Abakan không phải không có điểm sáng. Đó là người đón chúng tôi - anh Lăng nay đã chuyển sang nghề chăn nuôi dù công việc đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm vất vả. Hay 2 quán ăn của anh Chu Sĩ Hùng, người Nghệ An sang Liên Xô hợp tác lao động năm 1988. Nhờ khả năng kinh doanh nhạy bén, các quán ăn của anh, nằm ngay tại chợ, vẫn thu hút được khá đông thực khách địa phương. Theo anh Hùng, dù doanh thu giảm mạnh song các quán ăn của anh vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho những người cùng quê sang làm tại Nga. Anh Hùng cho biết: "Quán ăn vẫn hoạt động tốt song vài tháng trở lại đây kinh doanh cũng kém đi. Thu nhập giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên sau khi trả lương cho nhân công chúng tôi vẫn có lãi.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga suốt hơn 1 năm qua đã khiến cho cộng đồng người Việt ở sứ sở Bạch Dương đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chuyến đi của tôi thật thú vị, vì nhờ nó tôi được tiếp xúc, nói chuyện với rất nhiều mảnh đời lang bạt, trôi nổi trên nước Nga rộng lớn. Và còn nhiều mảnh đời khác tôi chưa thể sẻ chia ở một góc xa xôi nào đó của nước Nga. Nó cũng giúp tôi hiểu rõ hơn khó khăn, vất vả của những người con xa sứ, căm cụi, chăm chỉ làm ăn, hy vọng một ngày nào đó tươi sáng hơn.

Bài, ảnh: Duy Trinh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Có một “trung tâm châu Á” ở Siberia
Có một “trung tâm châu Á” ở Siberia

Thế giới luôn rộng mở với những người dám dấn thân. Đây cũng là phẩm chất quan trọng của người phóng viên muốn có những trải nghiệm thú vị. Và thực tế đã không phụ tôi khi những ngày cuối năm 2015 tôi quyết định thực hiện chuyến đi tới miền Trung Siberia, ngược lên đầu nguồn con sông Yenisei hùng vĩ, đến Cộng hòa Tuva ở cực Trung - Nam Siberia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN