Kiều bào tại Thái Lan dâng lễ cầu an Tết Thượng nguyên

Sáng 24/2 - đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, ngôi chùa Việt Nam mang tên Cảnh Phước ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đông vui hơn thường lệ khi bà con kiều bào từ nhiều nơi cùng tới đây để dự lễ cầu an Tết Thượng nguyên – một trong những nghi thức cúng lễ đầu năm quan trọng trong văn hóa người Việt.

Chú thích ảnh
Kiều bào phấn khởi dự lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan

Sự kiện do Ban chấp hành Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận tổ chức với mong muốn tăng cường tinh thần gắn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng hướng về những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ sáng sớm, nhiều cô bác trong Ban Phụ nữ Hội người Việt tại Bangkok và các vùng lân cận đã có mặt tại chùa để chuẩn bị cho buổi lễ. Dưới sự hướng dẫn của sư thầy Ong Ta, đông đảo bà con kiều bào, người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Thái Lan đã cùng thành tâm tụng niệm cầu cho quốc thái, dân an, người người được ấm no, hạnh phúc trong năm mới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/ Pv TTXVN tại Thái Lan

Chia sẻ tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Lợi, Trưởng Ban Phụ nữ Hội người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận, cho biết lễ cầu an vào Rằm tháng Giêng là nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của mỗi người Việt, vẫn được bà con kiều bào tại Thái Lan gìn giữ. Cô bày tỏ vui mừng khi buổi lễ được các nhà sư rất quý trọng và ủng hộ hết sức. Qua buổi lễ ngày hôm nay, bà con cũng đã biết thêm về chùa và có trách nhiệm với việc xây dựng chùa cho bền vững và khang trang.

Thông qua Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, nhiều du học sinh cũng biết đến buổi lễ được tổ chức tại chùa để tới tham dự trong niềm hân hoan đầu năm mới. Sinh viên Bùi Thị Thu Hường thuộc Đại học Kasetsart cho biết rất vui khi được cùng các cô bác kiều bào trang trí, bày biện mâm lễ cúng Phật. Còn bạn Phạm Thúy Hoàng, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Mahidol, chia sẻ niềm hạnh phúc được gặp các cô chú người Việt và các bạn du học sinh. Thúy Hoàng cho biết: “Đây cũng là dịp lễ lớn ở Việt Nam mình, em đến dâng hương và cầu chúc cho tất cả mọi người đều được bình an và mọi việc thuận lợi. Các bạn học sinh sẽ đạt được những thành tích tốt nhất”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ cầu an Tết Thượng nguyên tại Chùa Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/ Pv TTXVN tại Thái Lan

Nhân buổi lễ được tổ chức tại Chùa Cảnh Phước, Ban chấp hành Hội Người Việt thủ đô Bangkok và vùng phụ cận cùng đông đảo bà con kiều bào đã thành kính cúng dường khoảng 35.000 baht (gần 25 triệu đồng) để nhà chùa tiếp tục tu bổ, gìn giữ chùa. Sư thầy chủ trì buổi lễ mong bà con Phật tử phát huy lòng từ bi bác ái, đoàn kết hơn nữa và tiếp tục hỗ trợ công tác Phật sự của nhà chùa.

Sau buổi lễ, các Phật tử và những người tham dự được thưởng thức những món ăn do kiều bào thủ đô Bangkok và vùng phụ cận chuẩn bị và cùng tận hưởng không gian thuần Việt trong khuôn viên của chùa.

Chùa Cảnh Phước (Wat Samananamboriharn) là một trong 7 ngôi chùa của người Việt ở thủ đô Bangkok. Chùa tọa lạc tại địa chỉ  số 416, đường Luk-luang, phường Mahanak, quận Dusit, thủ đô Bangkok. Theo nhiều tài liệu qua lời kể của kiều bào, Hòa thượng Bảo Ân (1906-1964), tên thật là Nguyễn Văn Báo, là sư thầy đầu tiên trụ trì ngôi chùa này. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi tập kết và Hòa thượng Bảo Ân là đầu mối thông tin hoạt động cách mạng ở thủ đô Bangkok. Ngài đảm trách việc cung cấp tài liệu cũng như điều phối các hoạt động hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở trong nước. Hòa thượng Bảo Ân từng trực tiếp ngồi trên xe để đảm bảo đưa 10 tấn vũ khí đầu tiên về Việt Nam và cập cảng Vàm Ông ngày 11/7/1946. Ngày nay, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ pho tượng vàng, kích thước bằng người thật tôn danh Hòa thượng Bảo Ân.

Đỗ Sinh - Huy Tiến (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Một số mặt hàng đồ cúng ngày Rằm tháng Giêng không tăng giá
TP Hồ Chí Minh: Một số mặt hàng đồ cúng ngày Rằm tháng Giêng không tăng giá

Với quan niệm dân gian "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng", thị trường đồ cúng tại TP Hồ Chí Minh khá sôi động. So với năm ngoái, giá các mặt hàng đồ cúng năm nay không tăng, một số mặt hàng còn giảm giá sâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN