Thị trường trong ngày này cũng khá sôi động, hàng hóa phục vụ người dân dồi dào, đa dạng, phong phú, giá cả ổn định. Đặc biệt, các mặt hàng hoa tươi như hoa đào giá giảm chỉ còn khoảng 1/3 so với trước Tết mà người mua cũng không mấy mặn mà.
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ Gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)…, hàng hoá được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, phong phú, dồi dào. Giá các mặt hàng tươi sống đều đã giảm nhiều so với mấy hôm Tết, thậm chí nhiều mặt hàng đã giảm về với giá gần như ngày thường.
Cụ thể, các loại rau xanh như cải bắp 8.000 - 10.000 đồng/cây, rau muống, cải xoong, cải cúc, rau cần từ 10.000 - 15.000 đồng/bó, su hào từ 4.000 - 5.000 đồng/củ, súp lơ xanh 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, xà lách 12.000 - 15.000 đồng/kg, dưa chuột 13.000 - 15.000 đồng/kg, cà chua từ 13.000 - 15.000 đồng/kg…
Hay các loại thực phẩm tươi sống như thủy hải sản tươi giá cả các mặt hàng này cũng không tăng so với ngày thường, như tôm sú từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, mực ống từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, bạch tuộc sữa 150.000 - 160.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg; giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 110.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức từ 220.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, giò lợn 220.000 đồng/kg, chả ram tôm 160.000 đồng/kg; giá gà trống từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg...
Cùng với đó là các mặt hoa quả tươi phục vụ để bà con đi lễ chùa hay cúng rằm cũng không tăng, như chuối xanh từ 50.000 - 80.000 đồng/nải; thanh long 45.000 - 50.000 đồng/kg; xoài Cát chu 55.000-65.000 đồng/kg; dưa hấu 10.000 - 15.000 đồng/kg; dưa lưới 45.000 - 50.000 đồng/kg; cam Canh từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, na 65.000 - 75.000/kg, cherry Chile giá từ 320.000 - 350.000 đồng/kg...
Chị Đặng Thị Thuận, chủ cửa hàng hoa quả tươi ở phố Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, hoa quả tươi những ngày trước Tết tăng rất mạnh, mỗi ngày một giá như hôm 27 - 28 Tết cherry Chile bán có 320.000 - 350.000 đồng/kg nhưng 29 - 30 Tết tăng lên đến 500.000 đồng/kg mà không có hàng bán; cherry Australia hay New Zealand từ 550.000 - 650.000 đồng/kg lên 900.000 đồng/kg, hay na Thái lên đến 480.000 đồng/kg…
Hôm nay, giá các mặt hàng hoa quả đều trở lại bình thường như hôm trước Tết, sức mua có tăng vì mọi người có nhu cầu mua hoa quả tươi đi lễ đầu năm. Đặc biệt giá hoa tươi phục vụ cúng rằm giảm nhiều so với những ngày Tết, nhất là hoa đào giảm xuống chỉ còn 1/3 so với trước tết nhưng sức mua lại rất yếu.
Anh Nguyễn Văn Thành, tiểu thương chợ Quảng An cho biết, năm nay sức mua người dân chỉ bằng 1/10 năm ngoái, cho nên sau Tết vẫn phải mang đào ra bán để bù lỗ.
Sau Tết Giáp Thìn, tại chợ hoa Quảng An, Tây Hồ (Hà Nội) tiểu thương vẫn bày bán đào và số cây cảnh còn tồn đọng trong năm nhằm cứu vốn, hy vọng có người mua trang trí ngày rằm tháng Giêng. Tuy rằng đã quá mùng 10 Tết, nhưng chợ hoa Quảng An, Tây Hồ vẫn đầy rẫy những hàng đào với mong muốn xả lỗ sau một năm thị trường đào, quất ế ẩm.
Đối với các loại hoa như hoa ly, hoa hồng, hoa cúc, lay ơn... giá loại hoa tươi này cũng giảm nhiều so với trước Tết. Cụ thể như hoa hồng cũng chỉ có giá 4.000 - 6.000 đồng/bông, trước đó lên 10.000 - 12.000 đồng/bông, hoa cúc còn 4.000 - 5.000 đồng/bông dù trước đó lên 7.000 - 8000 đồng/bông, hoa ly xuống còn 12.000 đồng/bông dù trước lên 20.000 - 25.000 đồng/bông...
Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, lấy mẫu xét nghiệm... Đồng thời, ký kết với các tỉnh thành phố thực hiện chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn.
Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi; trong đó, nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường và xuất khẩu, như: chuỗi rau an toàn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm chất lượng cao phục vụ cho trên 10 triệu dân trong thành phố rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa thiết yếu thường xuyên chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu thị trường, còn lại phải nhập thêm từ các tỉnh, thành trong nước và từ nước ngoài.
Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong giao thương, góp phần bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống, nhất là dịp trước, trong và sau Tết nhu cầu mua sắm tăng cao.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, do thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhất là việc tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến các tỉnh phía Nam làm việc để kết nối sản phẩm vào thị trường Hà Nội đã đảm bảo nguồn cung dồi dào các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng găm hàng tăng giá đột biến.