Một ngày trước bão, hôm 28/10 chúng tôi rời New York, đi công vụ lên Philadelphia, thủ phủ bang Pennsylvania. Công việc vừa xong, cả chủ và khách vội vàng chia tay, để kịp, người thì tránh bão, kẻ phải lo phòng bão, vì có đến Mỹ mới biết người xứ này rất đề cao việc phòng, còn chống thì cực chẳng đã phải làm, bởi theo họ khi ấy hậu quả và tốn kém sẽ là vô cùng.
Những chiếc xe hơi "bơi” trong bão Sandy dưới tầng hầm một tòa nhà ở New York. Ảnh Internet . |
Giống hệt những cơn bão sa mạc ở xứ Trung Đông mà tôi đã nhiều lần phải đối mặt, trước khi ấp đến bờ Đông nước Mỹ, Sandy như kéo trời sát xuống mặt đất, đâu đấy đều tối sầm mặc dù lúc ấy mới sắp hoàng hôn. Đã thế, chiếc GPS (Định vị toàn cầu) của chúng tôi lại cứ như người”say rượu” chỉ đường loạn xạ, làm cho kẻ mới sang nước Mỹ được vài tháng như tôi, đường sá chưa quen, càng…”say rượu” hơn, dù ở đây, dám chắc chẳng ai dại gì uống rượu khi lái xe, tiền phạt có mà…cả túi. Lạc đường hơn một giờ, lại trong đêm tối ở…rừng(xin nói thêm, ở Mỹ đường cao tốc nào cũng bạt ngàn cây xanh hai bên, không phải một hàng, mà là cả dải cây, cứ như đi trong rừng vậy), rồi bão lại “đuổi” đằng sau, quả là không dễ chịu chút nào!
Thế nhưng, còn dễ chịu hơn nhiều lần khi nhìn cảnh New York, Atlantic, New Haven, Boston và nhiều thành phố khác của 9 bang nằm ở bờ Đông nước Mỹ chìm trong mưa bão chỉ ít giờ sau khi chúng tôi tự mò mẫm đường về thay vì tin vào chiếc GPS quá cũ kỹ kia. Gió to, mưa lớn, và những tiếng gầm rú của xe cứu hỏa, cứu thương trong đêm ấy, và đêm hôm sau nữa là nét đặc trưng nhất của New York và mọi thành phố cận kề, nó”bịt” tất cả các lối ra vào những sòng bạc nổi tiếng ở Atlantic, “đóng cửa” Times Square lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng và chật ních khách du lịch tứ phương, hay những quán cà phê, những nhà hát nổi tiếng thế giới của nơi này. Chưa hết, siêu bão Sandy dường như còn làm “rung rung” những cây cầu”chẳng đâu có”của New York, như Brooklyn, Williamsburgh, Queensborough,v.v, đến mức ông Thị trưởng độc nhất vô nhị trên thế giới vì chỉ nhận lương mỗi tháng 1 USD, Michael Bloomberg đã cho loan báo sẽ đóng cửa tất cả chúng nếu như cơn bão quái ác này chưa chịu…đi. Một cần cẩu đã vươn tới tầng 90 của tòa nhà đang xây dựng dở tại quận Manhattan ở trung tâm thành phố, bị Sandy vặn gẫy, treo lơ lửng bên những tòa nhà chọc trời khác, vừa là nỗi khiếp đảm của mọi người, vừa là minh chứng cho sức tàn phá ghê gớm của cơn bão này.
Tận mắt nhìn cảnh đổ nát đã khiếp, về văn phòng xem tivi địa phương còn khiếp hơn: Tính sơ bộ đến lúc bài báo này chuẩn bị lên khuôn, đã có không dưới 30 người bị thiệt mạng, hơn 7 triệu người phải sống không có điện nước; không ít nơi, cả thành phố ngập trong nước khiến các trường học, cửa hiệu, và mọi phương tiện giao thông đều phải ngừng hoạt động. Riêng ở thành phố New York, đã có gần 400 nghìn người phải đi sơ tán, hơn 9 nghìn chuyến bay đến và rời đây trong tổng số hơn 20 nghìn chuyến bay của cả nước Mỹ phải hủy hoặc chuyển hướng, chưa kể một vụ cháy ở quận Queens, nơi đặt trụ sở của Phân xã TTXVN, đã thiêu trụi hơn 100 ngôi nhà.
Về thiệt hại, cả người lẫn của, các bang New York và New Jersey bị nặng nề hơn cả, đến mức Tổng thống Mỹ Barack Obama phải ra tuyên bố"thảm họa nghiêm trọng" tại hai bang này. May mà nhà máy điện hạt nhân Oyster Creek ở New Jersey chỉ dừng lại ở mức báo động, chưa bị sự cố. Còn Thị trường chứng khoán Phố Uôn ở New York đã phải đột ngột đóng cửa lần đầu tiên kể từ sau vụ khủng bố hôm11/9/2001, làm giới đầu tư bị choáng váng, và đây là lần thứ tư kể từ năm 1888 thị trường chứng khoán nổi tiếng toàn cầu này phải đóng cửa hơn một ngày, hai lần đầu đều do thiên tai (1888 và 1985), còn lần mới nhất, như trên đã nói, vì vụ 11/9, khi ấy nó phải đóng cửa 4 ngày.
Chưa hết, có tận mắt thấy những đường hầm chạy ngầm dưới lòng sông, nối New York với bang New Jersey, hay 7 đường tàu điện ngầm nối Mahattan với các quận The Bronx, Brooklyn và Queens, bị chìm trong nước mới cảm nhận hết được trận bão này kinh khủng tới mức nào, nhất là khi nghe ông Giám đốc hệ thống giao thông ngầm George Lota bảo rằng đã 108 năm nay kể từ khi đưa vào vận hành, chưa bao giờ hệ thống này lại chịu một trận ngập kinh hoàng và tai hại như thế. Không có tàu điện ngầm, New York như bị chia ra thành từng mảnh, kéo theo biết bao hệ lụy khác, trong khi cả mấy sân bay quốc tế của thành phố đều phải đóng cửa im ỉm.
Ngày 30/10, trời nơi đây đã quang hơn một chút, gió đã lằng lặng, nhưng vẫn mưa rả rích, nhưng mưa thế lại hóa hay, vì theo kinh nghiệm ít ỏi của người viết bài này, bao giờ sau bão cũng có những trận mưa”đền cây” rả rích như thế. Vậy là bão đã hết, và ngày mai sẽ nắng chăng? May sao, các nhà khí tượng thủy văn cũng dự báo như vậy. Vâng, Sandy đã qua, để lại nỗi đau cho thân nhân của 69 mạng người ở Haiti, Cuba, Giamaica, Cộng hòa Đôminica, Puêtô Ricô và Bahamát trước khi nó ập vào nơi chúng tôi đang sống, kéo đi thêm chừng ba chục người nữa. Mất mát ấy là mất hẳn, còn những xe bẹp, nhà đổ, cột điện gẫy, hay đường hầm ngầm bị ngập nước kia, chắc chỉ dăm bữa nửa tháng thôi sẽ được hàn gắn hay làm mới lại bằng một khoản tiền mà theo ước tính sơ bộ của Kinetic Analysis Corp, sẽ không dưới 40 tỷ USD, gấp đôi thiệt hại do bão Irene gây ra hồi năm ngoái cũng cho nước Mỹ. Nhưng oái oăm hơn, Sandy lại ập đến đúng lúc nước Mỹ đang cần bình yên, đang cần tiền để vào cuộc bầu cử tổng thống hôm 6/11 tới cũng như để phục hồi nền kinh tế đang vật lộn trong cơn ốm yếu chung của nền kinh tế toàn cầu. Thế mới biết người tính không bao giờ bằng trời tính cả!
Phạm Phú Phúc (Phóng viên TTXVN tại New York)