Trên 30 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học và địa phương của Thụy Điển đã tham dự chương trình, cả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Thụy Điển nói riêng đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có các lĩnh vực: kinh tế - thương mại - đầu tư và khoa học - công nghệ. Đại sứ kêu gọi các chuyên gia người Việt tại địa bàn, bằng kiến thức, kinh nghiệm, khả năng của mình và nhất là tấm lòng hướng về Tổ quốc sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển khoa học - công nghệ của nước nhà, hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam tăng cường thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển đến hợp tác, đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phía bạn có thế mạnh và ta có nhu cầu như: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo...
Đặc biệt, với đặc thù Thụy Điển là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về khoa học - công nghệ, cộng đồng người Việt tại đây có khoảng 22.000 người nhưng lại chưa có một tổ chức tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học người Việt, Đại sứ Trần Văn Tuấn mong muốn có thể xây dựng được một Hội chuyên gia Khoa học - Công nghệ người Việt Nam tại Thụy Điển nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng chất xám của cộng đồng ta tại địa bàn.
Tham gia ý kiến tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân đóng góp cho nền khoa học - công nghệ nước nhà, cho biết trí tuệ và tay nghề của các nhà khoa học Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Điển. Tuy nhiên, do một số cơ chế, chính sách còn chưa thực sự thông thoáng, cơ sở vật chất có phần còn hạn chế nên đội ngũ các chuyên gia khoa học - công nghệ trong nước chưa có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình.
Về phần mình, các đại biểu cho biết sẵn sàng trở thành cầu nối để đưa các tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Điển trong lĩnh vực khoa học - công nghệ hợp tác làm ăn với phía Việt Nam. Một số đại biểu đề nghị Đại sứ quán Việt Nam giúp kết nối với các cơ quan, tổ chức trong nước để hướng dẫn, tạo thuận lợi cho việc triển khai một số chương trình thiện nguyện như dự án mổ tim cho các bệnh nhi trong nước có hoàn cảnh khó khăn…
Các đại biểu cũng đồng tình với định hướng xây dựng một tổ chức quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh Việt Nam tại địa bàn, cho rằng hoạt động này sẽ giúp tạo ra diễn đàn để đội ngũ chuyên gia người Việt có thể trao đổi thông tin, giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, để việc xây dựng Hội chuyên gia Khoa học - Công nghệ người Việt Nam tại Thụy Điển mang lại hiệu quả như mong muốn, cần có sự nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng của các cá nhân có nhiều tâm huyết, có tính đến các điều kiện đặc thù của địa bàn Thụy Điển và tham khảo mô hình các hội tương tự của các quốc gia lân cận.
Kết thúc buổi gặp mặt, Đại sứ Trần Văn Tuấn cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự chương trình, cho biết Đại sứ quán sẽ truyền tải những tâm tư, nguyện vọng và cả các kế hoạch hợp tác, làm việc của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh tại địa bàn đến các cơ quan chức năng trong nước, góp phần khơi thông dòng chảy khoa học - công nghệ giữa Thụy Điển và Việt Nam.