Ấm áp hai tiếng 'đồng bào' tại Nhật Bản - Bài cuối: Đất nước luôn bên cạnh

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản là một trong những cơ quan đại diện ngoại giao vất vả nhất trong giai đoạn này.

Đâu cần thanh niên có…

Trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản càng tỏa sáng. Từ các hội, nhóm, đoàn thể đến mỗi cá nhân đều muốn được chung tay góp sức để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng dược mỹ phẩm dán thông báo quy định: “Mỗi người chỉ được mua một túi khẩu trang”.

Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) là một trong những nhóm hành động sớm nhất. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Hàn Quốc và bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản, VYSA đã hủy một một loạt các sự kiện Jobfair (Hội chợ việc làm), Festival, lễ hội ngắm hoa Anh đào, thay vào đó triển khai những hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Nhật đối phó với COVID-19. Khi dịch bệnh diễn biến xấu, khối lượng công việc nhiều hơn, đầu tháng Ba, VYSA đã thành lập nhóm hỗ trợ cộng đồng có 24 thành viên. Nhóm liên tục cập nhật thông tin của chính phủ, của đại sứ quán để tư vấn cho du học sinh. Các thành viên trong nhóm cũng tiến hành làm phiếu khảo sát nắm rõ hơn khó khăn và nhu cầu của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Từ giữa tháng 2, việc mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tại Nhật Bản trở nên khó khăn, nhiều cửa hàng dán thông báo không còn hàng để bán. Một số ít các cửa hàng còn bán thì ghi rõ quy định về số lượng mỗi một khách hàng được phép mua. Trước tình hình này, VYSA đã kêu gọi được hơn 1.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn bằng vải giặt được 30 lần, để gửi cho các du học sinh Việt Nam đang ở tại các vùng dịch lớn như Hokkaido, Kanto. Song song với hoạt động hỗ trợ này, nhóm hỗ trợ còn phát động các phong trào nâng cao ý thức phòng chống dịch như thi nhảy Ghen COVY.

Chủ tịch VYSA Nguyễn Như Lịch tâm sự rằng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy du học sinh Việt Nam tại Nhật vẫn đang đối mặt với khó khăn. Lịch cho biết du học sinh vừa kết thúc năm học cũ, sang năm học mới, các trường bắt đầu học trực tuyến nên cũng không tiếp xúc xã hội nhiều. Tuy nhiên, do không thể đi làm thêm vì dịch bệnh, các du học sinh tự túc gặp khó khăn lớn trong việc trang trải các khoản như nhà ở, học phí, sinh hoạt phí vì đó là các khoản tiền lớn. Những sinh viên năm cuối, do các hoạt động hỗ trợ tư vấn việc làm sau khi tốt nghiệp bị hủy hoặc hoãn nên các kênh để tìm việc ở Nhật trong thời điểm này hầu như không hoạt động. Ngoài ra, còn hàng trăm du học sinh vừa tốt nghiệp cuối tháng Ba nhưng chưa kịp về nước đang kẹt lại Nhật Bản. Những du học sinh này do đã tốt nghiệp nên chính phủ không cho phép đi làm thêm, buộc phải sống nhờ bạn bè tại Nhật và sự trợ giúp từ gia đình ở Việt Nam. Nhiều du học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn khó có thể duy trì nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.  Thật ấm lòng là một số tổ chức đã liên hệ với VYSA đề nghị hỗ trợ nơi ở và tài chính cho những du học sinh khó khăn. VYSA đang xác định lại tình trạng của các du học sinh, sàng lọc thông tin, sau đó sẽ khớp với đơn vị tài trợ. Lịch nói: “Được đóng góp chút công sức nhỏ bé để giúp đỡ mọi người là điều có ý nghĩa nhất đối với chúng em trong hoàn cảnh này”.

Chú thích ảnh
Các thành viên nhóm Sugoi đang đóng gói khẩu trang.

Sugoi là một nhóm công khai trên Facebook khá quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Fanpage của nhóm thu hút xấp xỉ 700.000 tài khoản theo dõi, trong đó số lượng tài khoản theo dõi mới tăng mạnh trong đợt dịch. Với lợi thế các quản trị viên là những thanh niên có kinh nghiệm sống tại Nhật Bản và có năng lực tiếng Nhật tốt, một trong những thế mạnh hiện nay của Sugoi là cung cấp thông tin nhanh, chính xác và đúng nhu cầu. Ngày 18/4, Sugoi công bố website sugoi.vn về dịch COVID-19 tại Nhật. Website được nhóm Sugoi xây dựng với nội dung cập nhật chi tiết và liên tục tình hình dịch bệnh tại từng địa phương ở Nhật Bản với mục tiêu giúp cho người Việt hạn chế di chuyển đến những nơi có ca nhiễm.

Một quản trị viên của Sugoi, anh Trịnh Quang Hợp, cho biết nhiều người Việt, do hạn chế về tiếng Nhật, nên không nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh không chỉ trên toàn Nhật Bản mà ngay cả nơi mình đang sinh sống. Trước khi có website, Sugoi thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh trên fanpage của mình, tuy nhiên, do tính chất fanpage, nên thông tin bị xé lẻ và không có tính hệ thống. Chính vì vậy, website của Sugoi là nhằm giúp mọi người biết rõ vị trí, thời gian công bố phát hiện ca nhiễm mới. Website vừa ra đời đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng. Có tài khoản, sau khi truy cập vào bản đồ lây nhiễm trên app, đã thốt lên rằng: “nếu không có app này thì không biết rằng vừa xuất hiện ca nhiễm mới ngay tại nơi mình sống”.

Chú thích ảnh
Một thành viên trong nhóm Sugoi đang viết những lời động viên chia sẻ, gửi đến những bạn mà nhóm tặng khẩu trang.

Cùng với việc cung cấp thông tin, các admin của Sugoi còn đóng vai trò như một kênh tư vấn nhiều vấn đề cho các du học sinh và tu nghiệp sinh. Hợp kể rằng có một du học sinh ở tỉnh Fukui đã gọi điện cho nhóm vì lo sợ không biết mình có bị nhiễm COVID-19 không. Các admin của Sugoi đã kết nối các kênh thông tin để hỗ trợ tư vấn, cuối cùng giúp được du học sinh đó tìm đến nơi khám bệnh. May mắn là du học sinh này không bị nhiễm COVID-19.

Tặng khẩu trang cũng là một công việc mà nhóm Sugoi đã triển khai từ cuối tháng 3. Nhóm tự góp tiền, đi kêu gọi tài trợ và mua được 2.000 khẩu trang vải kháng khuẩn của Việt Nam. Hợp cho biết Sugoi đã gửi được hơn 600 khẩu trang cho những người có nhu cầu. Trong những chiếc phong bì đựng khẩu trang, Sugoi còn kèm thêm những bức thư viết tay, động viên mọi người cùng nỗ lực vượt qua khó khăn. Có tài khoản Facebook, sau khi nhận được quà đã thốt lên rằng “Dễ thương quá, cám ơn các bạn”.

Đất nước luôn bên cạnh

Làm nhiệm vụ tại một trong những điểm nóng về dịch bệnh của thế giới, có thể nói Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản là một trong những cơ quan đại diện ngoại giao vất vả nhất trong giai đoạn này.
Với một cộng đồng người Việt lớn và tình huống cấp bách như “thời chiến”, khối lượng công việc từ giải đáp thông tin, bảo hộ công dân, hỗ trợ lãnh sự… nhiều và dồn dập khiến cho toàn bộ cán bộ, nhân viên sứ quán phải căng mình đáp ứng.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết để làm tốt công việc an dân, hỗ trợ cộng đồng giải đáp thắc mắc, tìm lời khuyên trong lúc hoang mang lo lắng hoặc khi có những dấu hiệu nghi nhiễm virus, đại sứ quán đã tăng gấp đôi số đầu dây điện thoại nóng lên 4 số trực 24 giờ, có sử dụng các loại hình app xã hội như email, Viber, Line, Zalo, Whatsapp, Facebook… để mọi công dân có thể liên lạc.

Tất cả cán bộ, nhân viên tại sứ quán đều hiểu rằng khi có bất cứ biến động chính trị, thiên tai hay dịch bệnh thì điều đầu tiên công dân dựa vào đại sứ quán nước mình.

Công việc bề bộn và căng thẳng tới 18 giờ mỗi ngày. Cán bộ trực bảo hộ công dân thì canh chuông điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Toàn thể cán bộ được huy động để trực điện thoại thông thường với khả năng có thể trả lời 6 cuộc gọi trong cùng một lúc. Điện thoại nóng rực, giọng cán bộ khản đặc vì trả lời điện thoại dồn dập. Cán bộ, nhân viên sứ quán vẫn nhẫn nại lắng nghe, giải thích, hướng dẫn để giảm bớt những nỗi lo âu, những khó khăn cho người Việt trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này.
Vất vả nhất là cán bộ tiếp khách ở phòng lãnh sự là những người nguy cơ phơi nhiễm virus cao vì tính chất công việc phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Hằng ngày có hàng trăm công dân có nhu cầu làm các thủ tục, giấy tờ hộ tịch. Khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn cũng thiếu thốn. Chính vì vậy, các thiết bị bảo hộ y tế luôn được ưu tiên cho cán bộ lãnh sự, để bảo đảm điều kiện an toàn tốt nhất để giảm thiểu rủi ro virus có thể phát tán trong quá trình thụ lý hồ sơ…

Đại sứ Vũ Hồng Nam trải lòng: “Chúng tôi hiểu rằng, sự vất vả, những nỗ lực của đại sứ quán có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi công dân Việt Nam khi xa Tổ quốc. Mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email của chúng tôi trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn, họ sẽ cảm thấy ấm lòng, không bị cô đơn. Đất nước luôn bên cạnh các bạn!”

Đại sứ Vũ Hồng Nam nhận định cho dù vẫn còn nhiều khó khăn, song cho đến nay, phần lớn người Việt tại Nhật Bản vẫn bình tĩnh. Những lời kêu gọi, hướng dẫn, động viên, chia sẻ, được đăng tải trên các website, fanpage của đại sứ quán, các hội đoàn, các nhóm công khai, các cá nhân, đã làm nổi bật hình ảnh một cộng đồng người Việt gắn bó, đoàn kết và tương thân, tương ái. Hai tiếng “đồng bào” ấm áp đang vang lên trong con tim của mỗi người Việt tại Nhật Bản.

Bài và ảnh: Nguyễn Tuyến (TTXVN)
Ấm áp hai tiếng 'đồng bào' tại Nhật Bản - Bài 2: Những tấm lòng Việt Nam trong ngành y
Ấm áp hai tiếng 'đồng bào' tại Nhật Bản - Bài 2: Những tấm lòng Việt Nam trong ngành y

Thông tin – tư vấn bằng tiếng Việt là một công việc tối quan trọng trong bối cảnh cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người hạn chế về tiếng Nhật, cần tìm một địa chỉ đáng tin cậy giúp họ giải tỏa những lo ngại, giải đáp những thắc mắc liên quan đến COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN