Ngày 10/4, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã đăng tải phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ y tế liên quan đến đại dịch COVID-19 của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, với mục tiêu cung cấp thông tin nhanh, chính xác, kết nối kịp thời với đội ngũ nhân viên y tế người Việt trên khắp Nhật Bản và tìm ra các hình thức hỗ trợ nhanh nhất, phù hợp nhất cho cộng đồng người Việt.
Chỉ sau 2 ngày tiến hành bản khảo sát, đã có hơn 100.000 người tham gia, hơn 11.000 lượt tương tác và gần 2.000 lượt hồi đáp. Điều này chứng tỏ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản rất lo lắng về đại dịch COVID-19. Từ kết quả đó, ban lãnh đạo Hội người Việt nhận thấy tầm quan trọng của việc lập kênh thông tin – tư vấn cho cộng đồng trong tình hình cấp bách hiện nay.
Ngày 12/4, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã thông báo khởi động Chiến dịch hỗ trợ y tế trong đại dịch COVID-19 cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Chỉ trong vòng vài ngày sau khi khởi động, fanpage của chương trình đã thu hút gần 11.000 tài khoản theo dõi. Chiến dịch gồm có 2 kênh chính gồm kênh cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình COVID-19 tại Nhật Bản và kênh tư vấn, hỗ trợ và đối ứng khẩn cấp qua Messenger và Hotline. Chiến dịch là sự huy động của nhiều hội nhóm và các tình nguyện viên Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó Hội người Việt tại Nhật Bản đóng vai trò đại diện. Về mặt chuyên môn, chiến dịch có ban cố vấn là các bác sĩ Việt Nam đang làm việc tại Nhật và ban tư vấn là 123 điều dưỡng viên làm việc ở Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh điều dưỡng được xây dựng theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA).
“Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh là một trong những công việc cần thiết hiện nay”, anh Phạm Nguyên Quý, bác sĩ nội khoa tổng quát tại Bệnh viện trung ương Kyoto Miniren, trả lời khi tôi hỏi anh về những công việc mà nhóm Y học cộng đồng, do anh làm trưởng nhóm, đang thực hiện trong chiến dịch hỗ trợ y tế của Hội người Việt. Anh Quý cho biết trong chiến dịch này, anh cùng một số bác sĩ trong nhóm Y học cộng đồng tham gia với tư cách là ban cố vấn, có nhiệm vụ đánh giá và chẩn đoán những ca khó.
Đánh giá về tâm lý của người Việt trong dịch bệnh, bác sĩ Quý cho biết có những người Việt so sánh các biện pháp ứng phó dịch của Nhật với Việt Nam và lo lắng vì nghĩ rằng Nhật Bản không làm quyết liệt. Từ góc độ của một người trong ngành y, bác sĩ Quý cho rằng mỗi một quốc gia có cách ứng phó phù hợp với tình hình tại nước mình.
Theo bác sĩ Quý, với tình hình như hiện nay, nếu toàn bộ các ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản, dù nặng hay nhẹ, đều được nhập viện thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, điều này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nguồn lực của ngành y. Vì vậy, chủ trương của Nhật Bản là không khuyến khích chuyện tự đến viện khám hoặc tự gọi xe cấp cứu vì các hành động đó sẽ làm phát tán virus càng nhanh hơn. Nhật Bản chủ trương trước hết là tư vấn qua điện thoại tại địa phương, theo đó khuyến khích những người cảm giác có triệu chứng nhiễm gọi điện lên trung tâm y tế của quận, để được tư vấn xem có nên đi bệnh viện hay không. Bệnh nhân nhẹ thì có thể ở nhà tự chăm sóc, chỉ có những người có triệu chứng đúng tiêu chuẩn chẩn đoán của bác sĩ và có triệu chứng trở nặng mới được nhập viện. Những người nghi nhiễm sẽ vào một khu cách ly riêng để được khám, rồi sau đó được làm xét nghiệm. Sau 1 đến 2 ngày, sẽ có kết quả xét nghiệm và bác sĩ căn cứ vào đó để kết luận phải nhập viện hay về nhà tự điều trị.
Tư vấn qua điện thoại là biện pháp tiên quyết trong quá trình sàng lọc và chẩn đoán một bệnh nhân nghi có triệu chứng COVID-19. Tuy nhiên, đây chính là một trở ngại đối với những người Việt Nam không nói tốt tiếng Nhật. Bác sĩ Quý cho biết có những người Việt bị các triệu chứng, mệt, có thể không phải là COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, họ rất lúng túng và lo lắng, không biết hỏi ai, làm gì hoặc đi đâu khám.
Chiến dịch hỗ trợ y tế cho người Việt được khởi động đã đem lại cảm giác an tâm cho nhiều người Việt tại Nhật Bản. Nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản và cả tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn đến những tình nguyện viên tham gia chiến dịch, bày tỏ sự vui mừng và an tâm khi người Việt đã có một điểm tựa đáng tin cậy trong đại dịch. Có những phụ huynh tại Việt Nam đã gọi chiến dịch là “sự trợ giúp quý báu”, “phao cứu hộ” cho người Việt tại Nhật.
Bác sĩ Quý khẳng định linh hồn của chương trình là Ban tư vấn viên với 123 điều dưỡng. Ban cố vấn của Y học cộng đồng sẽ hỗ trợ các tư vấn viên, sàng lọc để xác định các ca có dấu hiệu chuyển nặng, có thể quyết định gọi cấp cứu.
Bên cạnh việc tham gia chiến dịch hỗ trợ y tế của Hội, từ đầu mùa dịch, nhóm Y học cộng đồng đã tập hợp và đăng tải rất nhiều tài liệu về biện pháp phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, một bác sĩ trong nhóm đang triển khai một website, cho phép người dùng, sau khi tích trả lời bảng câu hỏi trong website, sẽ nhận được được câu trả lời tự động với các nội dung hướng dẫn người dùng nên làm gì tiếp theo như nên đi khám ngay, có thể chờ hoặc những hướng dẫn khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh, công việc của nhân viên y tế nhiều hơn. Đối với những người Việt đang làm trong ngành y tại Nhật Bản, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ tại cơ sở y tế, họ còn phải dành những giờ phút nghỉ ngơi để hỗ trợ cộng đồng. Bởi vì, tất cả đều hiểu rằng mọi thông tin và lời hướng dẫn chính xác từ những người có chuyên môn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ giúp ích cho nỗ lực phòng chống dịch trong cộng đồng người Việt, mà còn làm an lòng những đồng bào xa quê hương.
Bài cuối: Đất nước luôn bên cạnh