Thầy giáo vùng cao tình nguyện lên tuyến đầu
Mặc dù không phải lực lượng tuyến đầu, nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, thầy Ksor Y Chét, sinh năm 1984, giáo viên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Ea Trol, huyện Sông Hinh (Phú Yên) không quản ngại khó khăn, tình nguyện lên tuyến đầu, chung sức hỗ trợ chính quyền và người dân chống dịch.
Chúng tôi đến xã Ea Trol đúng thời điểm thầy Ksor Y Chét cùng các cộng sự đang dùng chiếc xe máy cày tay chở đầy ắp nhu yếu phẩm đến hỗ trợ người dân hai buôn: Ly và Bầu. Trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, chia sẻ về công việc của mình, thầy Ksor Y Chét cho biết: "Khi xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở buôn Ly, toàn bộ cán bộ chủ chốt của xã đã được huy động cho mặt trận chống dịch. Vợ tôi Lê Mô H’Zơn là cán bộ phụ nữ xã đã lên ở hẳn trong trụ sở Ủy ban nhân dân xã, đảm nhận việc đi chợ, nấu ăn cho các lực lượng chốt chặn, tuyên truyền cho bà con các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà. Những ngày đó, số ca mắc COVID-19 ngày càng được phát hiện nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Trol Lê Văn Tấn đã kêu gọi người dân trong xã hỗ trợ nguồn lực cho chống dịch. Là người con trong buôn, một đảng viên, tôi nhận thấy mình phải có đóng góp sức lực cho công tác phòng, chống dịch. Nghĩ vậy, tôi dặn dò các con tự thu xếp việc nhà, chăm sóc lẫn nhau, rồi tôi đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký được lên tuyến đầu. Là giáo viên lại nói thành thạo cả hai tiếng Kinh và Ê đê, nên khi tôi đề xuất nguyện vọng được tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, chính quyền địa phương đồng ý ngay".
Thầy Ksor Y Chét chia sẻ: “Công việc hằng ngày của tôi là điều khiển xe máy cày tay, chở theo gạo và nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm hỗ trợ xã Ea Trol, đưa đến từng nhà cho người dân buôn Ly và buôn Bầu. Ngoài ra, tôi còn đảm nhận thêm công việc tuyên truyền cho bà con các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch ập đến bất ngờ, trong khi bà con trong buôn nhận thức về dịch COVID-19 còn hạn chế, khi nghe tin trong buôn có người phải đưa đi cách ly vì dịch COVID-19, ai cũng sợ. Mình là người địa phương, lại là thầy giáo của lũ trẻ, do vậy khi trực tiếp đến tuyên truyền, không chỉ bố mẹ, mà lũ trẻ đều nghe theo, chấp hành ở yên tại nhà, đeo khẩu trang phòng, chống dịch. Đến hôm nay, hai vợ chồng tôi đã 15 ngày ăn, ở tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để cùng địa phương chống dịch. Tôi sẽ đồng hành cùng bà con đến khi buôn Ly được nhà nước dỡ lệnh phong tỏa, bà con trở lại cuộc sống bình thường”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Trol Lê Văn Tấn chia sẻ, từ ngày 30/6 đến nay, xã đã ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 là người dân tộc thiểu số tại buôn Ly và buôn Bầu. Toàn xã có 33 cán bộ, nhân viên, trong đó có 6 cán bộ xã là F1 phải đưa đi cách ly tập trung, 5 người là F2 phải cách ly tại nhà. Lực lượng cán bộ Đảng ủy, Ủy ban, các mặt trận đoàn thể còn lại được phân bổ hết cho công tác dập dịch tại hai buôn. Thiếu lực lượng phục vụ nhiệm vụ khác, chúng tôi kêu gọi người dân tình nguyện cùng chung sức giúp địa phương khống chế dịch. Những ngày qua, Ea Trol đã nhận được sự hỗ trợ của các y, bác sỹ, các đội hình tình nguyện trên tuyến đầu. Sự sẻ chia quý giá đã hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Vợ chồng cùng bám trụ
Đã hơn 20 ngày qua từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), anh Phạm Quốc Pháp, sinh năm 1990, Khoa Kiểm soát bệnh tật, cùng vợ là chị Lương Thị Ngọc Vân, sinh năm 1993, Khoa Khám thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tuy Hòa, đã cùng bám trụ nơi tuyến đầu, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Pháp nói: “Ngay trong đêm 22/6, sau khi nhận được thông báo của lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố về việc có ca bệnh COVID-19 đã đi nhiều nơi ở Phú Yên, hai vợ chồng tôi đã hội ý nhanh, thu xếp lại công việc nhà, gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Tối hôm đó, tôi cùng với đồng nghiệp đã đến các điểm có nguy cơ cao thực hiện truy vết nhanh. Hôm sau, tôi nhận nhiệm vụ tại đội phun hóa chất khử khuẩn, còn vợ tôi tham gia đội lấy mẫu xét nghiệm. Đội xử lý hóa chất của thành phố Tuy Hòa có 8 thành viên, thời gian đầu, ở những nơi F0 từng đến, chúng tôi phải xử lý hóa chất toàn bộ thật nhanh bất kể sáng hay tối. Tôi thường đi làm từ sớm, có hôm phun khử khuẩn xong phải đến 22 giờ khuy mới về nhà. Thời tiết ở Phú Yên những ngày này nắng nóng gay gắt, anh em phải mặc đồ bảo hộ, di chuyển nhiều, xử lý hóa chất tại khu vực kín, thường bị hóa chất làm cho ngợp, nôn mửa. Những lúc khó khăn như vậy, tôi luôn động viên anh em chia sẻ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Vẫn tất bật với công việc lấy mẫu xét nghiệm nhiều khu vực của thành phố Tuy Hòa, chị Lương Thị Ngọc Vân nhớ lại: “Ngày 28/6, khi Ủy ban nhân dân thành phố quyết định dừng hoạt động chợ lớn Tuy Hòa do có liên quan đến ca F0. Đội lấy mẫu của tôi có 5 thành viên cùng các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu cho các tiểu thương ngay cổng ra, vào chợ. Lúc đó, tôi cũng rất lo lắng, một phần vì nghĩ cho các tiểu thương, một phần vì chợ đông phải mặc bộ đồ bảo hỗ kín mít giữa thời tiết nắng nóng. Thế nhưng, chẳng ai bảo ai, mỗi người một nhiệm vụ, người đọc tên, người lấy mẫu, người ghi chép, hơn 500 tiểu thương ở chợ đã được lấy mẫu ngay trong chiều hôm đó”.
Chị Vân chia sẻ thêm: "Hai vợ chồng tôi đã ở riêng, con tôi vừa tròn 3 tuổi đã được gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. Nơi ở của con tuy chỉ cách vợ chồng tôi một khu phố, nhưng hơn 20 ngày qua, tôi chưa một lần đến trực tiếp gặp con, bởi gặp sẽ khóc, một phần vì mình làm ở tuyến đầu, thường xuyên đến các điểm nguy cơ cao. Là phụ nữ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn phải chăm sóc cho chồng con, nhưng dịch bệnh đến, mình làm trong ngành y phải hy sinh lợi ích riêng, vì cộng đồng để hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi dịch COVID-19. Khi nào hết dịch, vợ chồng tôi sẽ về đón con".
Phú Yên đã trải qua hơn 20 ngày trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 700 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày qua, hàng ngàn cán bộ y tế, sinh viên tình nguyện, chiến sỹ công an, quân đội trong tỉnh “căng mình” trên tuyến đầu chống dịch.
Chia sẻ với Phú Yên, các đoàn công tác của Bộ Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng… đã có mặt tại địa bàn vào thời điểm dịch diễn biến căng thẳng nhất. Có đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tham gia cuộc chiến mới, có đoàn vẫn đồng hành cùng Phú Yên chống dịch. Nhưng những “lá chắn sống” nơi tuyến đầu đang ngày đêm chạy đua với thời gian, vững vàng trong vùng dịch, để người dân có được cuộc sống bình yên.