Lực lượng tình nguyện đã có mặt ở mọi tuyến đầu chống dịch, từ các phòng xét nghiệm đến điều tra dịch tễ, truy vết đến lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, từ các khu cách ly đến cơ sở y tế điều trị mắc COVID-19.
Sẵn sàng làm việc khó
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, khó khăn nhất là việc đẩy nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngay sau khi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hỗ trợ địa phương một phòng xét nghiệm CONTAINER ATSH BSI (Phòng xét nghiệm container an toàn sinh học cấp độ 2), các giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã tiếp quản và thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm.
Mỗi ngày, phòng xét nghiệm này có thể trả kết quả từ 700-1.000 mẫu đơn bằng kỹ thuật PCR. Để có được kết quả chính xác trả về cho các địa phương phục vụ truy vết, khoanh vùng dịch, 8 bác sĩ, kỹ thuật viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã thay nhau làm việc liên tục trong container chật hẹp.
Thạc sĩ Trần Đăng Khoa, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng chia sẻ, dù khó khăn nhưng các y, bác sĩ, kỹ thuật viên vẫn cố gắng khắc phục để thực hiện xét nghiệm. Qua thời gian vận hành, công việc có nhiều tiến triển, số mẫu được các địa phương gửi về đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật xét nghiệm. Hoạt động của phòng xét nghiệm container này giúp giảm tải rất nhiều cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sắp tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ hỗ trợ thêm một máy tách chiết PCR, năng suất xét nghiệm sẽ được nâng cao hơn.
Tiến sĩ Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cho biết: Nhận thấy công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 của Phú Yên có nhiều bất cập, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cùng Viện Pastuer Nha Trang đã đề nghị tỉnh thay đổi phương pháp tổ chức xét nghiệm. Đến nay, Tiểu Ban xét nghiệm của tỉnh Phú Yên đã được kiện toàn và năng lực trả kết quả đã được nâng lên và độ chính xác cao; không để tình trạng tồn mẫu.
Trách nhiệm của người thầy thuốc
Hơn 10 ngày qua, cán bộ, bác sỹ, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã liên tục hỗ trợ Phú Yên truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng. Lực lượng tình nguyện có mặt tại các khu cách ly, các cơ sở y tế điều trị những người bệnh mắc COVID-19. Tại “tâm dịch” thành phố Tuy Hòa, các đội lấy mẫu đã làm việc liên tục tại bến xe, chợ truyền thống, các khu vực bị phong tỏa vì có bệnh nhân COVID-19.
Vừa hoàn thành xong việc lấy mẫu xét nghiệm tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, sinh viên Nguyễn Tấn Định, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng chia sẻ: Tham gia tình nguyện lần này, em đã được nhà trường tập huấn nhiều kỹ năng phòng, chống dịch. Mặc dù gia đình có lo lắng, nhưng em đã thuyết phục rằng đây là nghĩa vụ của người trong ngành Y. Em mong muốn cống hiến sức trẻ, góp một phần nhỏ cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19. “Lúc dịch bệnh, người dân cần mình nhất. Dù mệt nhưng các thầy thuốc vẫn phải cố gắng và đó là trách nhiệm. Khi vào hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên chống dịch, chúng tôi đã xác định tâm lý sẵn sàng; khi nào hết dịch khi đó nhiệm vụ mới hoàn thành. Và khi đó, chúng tôi mới trở về nhà” bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tâm sự.
Tiến sĩ Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Phú Yên, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã huy động hơn 102 cán bộ, bác sỹ, sinh viên với tinh thần tình nguyện lên đường hỗ trợ. Những người tham gia đợt tình nguyện này đều có kinh nghiệm và được tập huấn đầy đủ các kỹ năng, phương pháp phòng, chống dịch như truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm, khám sàng lọc… Hiện nhà trường còn hơn 300 sinh viên sẵn sàng lên đường chi viện, hỗ trợ phòng, chống dịch cho các địa phương khi được điều động. Những phần việc mà nhà trường thực hiện chỉ là một phần nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước, thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc Việt Nam.
Khi đại dịch COVID-19 qua đi, những trái tim nhiệt huyết sẵn sàng đến nơi tuyến đầu để “chia lửa” với các đồng nghiệp sẽ là hình ảnh đẹp còn đọng lại mãi.