Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, Tạ Quang Tưởng về công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng. Gặp anh tại Trạm thử nghiệm và ươm tạo công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ (địa chỉ tại xã Thạch Quảng, huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hóa), chúng tôi ấn tượng về một chàng trai tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã đã có rất nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thạc sỹ trẻ Tạ Quang Tưởng thực hiện đề tài cải thiện tầm vóc đàn bò tại huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. |
Anh Tưởng chia sẻ: Hầu hết các công trình nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật anh đã thực hiện đều ở các huyện vùng cao của cả nước. Người tiếp nhận quy trình tiến bộ khoa học kỹ thuật đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trước khi triển khai công việc, anh thường trao đổi với chuyên gia để chọn phương án chuyển giao tốt nhất, xây dựng kế hoạch chuyển giao chi tiết để lãnh đạo Viện, hội đồng khoa học xét duyệt. Cùng với đó, anh tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán đồng bào nơi được chuyển giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của người có uy tín, am hiểu chuyên môn ở các thôn, bản để khi chuyển giao chính thức đến người dân, họ sẽ là cầu nối giúp họ tiếp thu tốt nhất.
Anh Vũ Tiến Duy, Phụ trách Trạm thử nghiệm và ươm tạo công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ cho biết: Anh Tưởng đang có hai đề tài nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học tại Trạm. Trong quá trình công tác, anh Tưởng luôn kiên trì, tận tụy với công việc, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Anh luôn tìm ra hướng tiếp cận mới cho từng vấn đề nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi phương pháp tập huấn, chuyển giao đơn giản, phù hợp với người dân từng vùng, địa phương. Khi chuyển giao tiến bộ khoa học, anh thường sử dụng hình ảnh trực quan, gần gũi với đồng bào để họ tiếp thu dễ dàng nhất. Anh Tưởng đã cùng các cán bộ của Trạm, Viện liên kết với doanh nghiệp, nông dân để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp chất lượng cao tại Thanh Hóa, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lai Châu…
Trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, anh Tưởng gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều lần thất bại nhưng anh không nản chí. Anh cho biết: Tại Trạm thử nghiệm và ươm tạo công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ, anh cùng cộng sự thực hiện trồng khảo nghiệm 5 giống cỏ làm thức ăn cho bò gồm: Mutalo II, Ghine, Sudan, VA 06, Paspalum Afratum. Sau nhiều năm kiên trì, anh Tưởng đã chọn được giống cỏ VA 06 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng huyện Thạch Thành. Đến nay, nhiều hộ dân tại địa phương đã trồng giống cỏ VA 06 phục vụ chăn nuôi.
Cũng tại Trạm thử nghiệm và ươm tạo công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ, anh Tạ Quang Tưởng cùng các cán bộ, nhà khoa học thực hiện việc cải tạo tầm vóc đàn bò ở địa phương. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 16 con giống bò Zebu, số còn lại do Công ty Cổ phần giống gia súc Thanh Ninh (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hỗ trợ. Sau đó, bò giống được các cán bộ Trạm thực hiện thụ tinh. Khi bò có chửa sẽ được chuyển giao cho đồng bào dân tộc Mường ở các xã của huyện Thạch Thành chăm sóc. Đến khi bò đẻ, người dân được hưởng 50% giá trị con bê, 50% còn lại sẽ được chia cho doanh nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật và ban quản lý dự án của xã tham gia thực hiện đề tài này. Với cách làm này nông dân chịu mức rủi ro thấp nhất nhưng vẫn được hưởng lợi cao.
Chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Làng Thố, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành cho biết: Chị được bàn giao hai con bò Zebu. Hằng ngày, chị chăm sóc bò đến khi bò đẻ. Chị đã được anh Tưởng cùng cán bộ của Trạm hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, được hỗ trợ 100% vắc xin tiêm phòng... Đến khi bò đẻ, chị được hưởng 50% giá trị từ con bê.
Khi được hỏi về dự định công việc trong thời gian tới, Thạc sỹ Tạ Quang Tưởng cho biết: Anh mong muốn tiếp tục được gắn bó với đồng bào dân tộc để thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tại địa bàn vùng cao, góp phần giúp đồng bào giảm khó khăn.
Thạc sỹ Tạ Quang Tưởng hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ VA06 cho người dân. |
Với những thành tích trong công tác, mới đây, anh Tưởng là một trong ba cá nhân được Bộ Khoa học và Công nghệ tuyên dương điển hình tiên tiến trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về vùng nông thôn năm 2017, góp phần giúp người dân xây dựng nông thôn mới.