Anh cũng là thanh niên tiêu biểu của Quảng Bình được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, bởi những thành tích trong phát triển kinh tế và đóng góp có ích cho cộng đồng, xã hội.
Những ngày tháng 3 hừng hực nhiệt huyết tuổi trẻ, chúng tôi tìm về trang trại chăn nuôi gà đồi sinh học Nhị Nguyễn, tham quan và trò chuyện cùng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nhị về hành trình chinh phục vùng đất đồi khô cằn, làm giàu ngay trên quê hương.
Anh Nhị và mẹ của mình là bà Cao Thị Liễng (63 tuổi) phấn khởi dẫn chúng tôi tham quan trang trại chăn nuôi gà đồi sinh học. Bà Liễng tâm sự, bố của 6 chị em Nhị mất sớm, thương mẹ tảo tần vất vả nên Nhị đã từ bỏ giấc mơ đại học, vào Nam lao động mưu sinh, phụ mẹ trang trải cuộc sống gia đình. “Nhị chịu khó, chịu khổ và có ý chí. Trong thời gian làm thuê cho các trang trại, mô hình nông nghiệp, ban ngày cháu đi làm, tối đến lại tranh thủ tự học thêm, tích lũy kinh nghiệm, tìm cho mình những lớp tập huấn nâng cao kiến thức và nung nấu ý định trở về quê hương lập nghiệp” - bà Liễng bộc bạch.
Sau khi dành dụm được ít vốn, vừa tích lũy cho mình được những kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi, anh quyết định trở về quê phát triển kinh tế trang trại. Năm 2017, Nhị thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Nhị Nguyễn và lựa chọn chăn nuôi gà thả đồi sinh học để khởi nghiệp. “Tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch và tốt cho sức khỏe ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Trong đó, gà thả đồi sinh học được nuôi hoàn toàn theo hướng hữu cơ, không dùng thức ăn công nghiệp và đặc biệt là không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thịt gà sạch đúng chuẩn tốt cho người dùng. Thời điểm đó, Quảng Bình chưa có một trang trại nào nuôi gà đồi sinh học, trong khi ở quê có nhiều tiềm năng để phát triển. Điều này càng thúc giục tôi quyết chí, bắt tay nuôi thử nghiệm gà đồi sinh học”- anh Nhị nhớ lại.
Với mục tiêu gà nuôi không những ngon mà phải sạch, tốt cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường, anh Nhị đã mày mò tìm phương thức nuôi gà đồi sinh học từ các chương trình truyền hình, sách báo và internet, rồi đúc rút cho bản thân một quy trình nuôi riêng. Anh nhận thấy địa phương có nhiều phụ phẩm nông nghiệp như cám, ngô, đậu tương, bột cá… nhưng chưa được sử dụng hiệu quả, không đảm bảo dinh dưỡng cân đối trong chăn nuôi; việc sử dụng thức ăn công nghiệp làm tăng chi phí nuôi và giảm lợi nhuận.
Anh đã thức trắng nhiều đêm để nghiên cứu, tìm công thức và nguồn nguyên liệu phối trộn thức ăn riêng cho gà, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không bệnh và an toàn với sức khỏe con người. Nhiều lần thử nghiệm, trải qua những khó khăn, thất bại, cuối năm 2020, anh Nhị đã nghiên cứu và chế xuất thành công sản phẩm “Thức ăn sinh học NN01” cho gà, thành phần chủ yếu là chế phẩm sinh học, phụ phẩm nông nghiệp (ngô, thóc, mầm lúa mạch, mầm ngô, men tiêu hóa), kháng sinh hữu cơ, nước và thuốc bổ.
Theo anh Nguyễn Văn Nhị, gà được nuôi thả dưới bóng mát cây xanh, sử dụng nguồn nước và thức ăn sạch, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, nên chất lượng thịt gà đặc biệt ngọt, chắc và thơm giòn, thị trường rất ưa chuộng. Quy trình chăn nuôi gà đồi với nguồn thức ăn cho gà đảm bảo an toàn đã trở thành "bí kíp" giúp anh và các hộ nông dân thu được sản phẩm gà chất lượng. Thương hiệu Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn chuẩn VietGap ra đời và được các cấp, các ngành chức năng công nhận, khách hàng tin dùng và phản hồi tốt.
“Nếu gà công nghiệp sau khi làm sạch được bán ra thị trường với giá khoảng 100.000-120.000 đồng/kg, thì Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn sau khi làm sạch và đóng gói có giá 270.000 đồng/kg, chưa làm sạch thì 150.000 đồng/kg, lợi nhuận cao và ổn định”, anh Nhị vui mừng chia sẻ.
Là một trong những thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp với mô hình thiết thực, sáng tạo, trong quá trình phát triển chăn nuôi Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn, anh Nguyễn Văn Nhị được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình, Tỉnh Đoàn Quảng Bình và chính quyền địa phương hỗ trợ, đồng hành rất tích cực. Điều này đã tạo động lực giúp chàng trai trẻ nhanh chóng mở rộng quy mô, triển khai mô hình "Liên kết nuôi và tiêu thụ Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn" trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; tổng quy mô gần 40 trang trại với khoảng 4 vạn con. Công ty còn đầu tư 50% chi phí sản xuất, cung cấp giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi gà sinh học và ký kết bao tiêu đầu ra cho các trang trại.
Anh Nguyễn Văn Nhị cho biết: “Với hệ thống trại nuôi quy mô và bài bản, mỗi tháng Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn cung ứng ra thị trường sản lượng 4-5 tấn thịt, phủ sóng các tỉnh, thành phố từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố Đà Nẵng. Tổng doanh thu cả hệ thống nuôi khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gà đồi sinh học rất cao, trong khi Công ty chưa đáp ứng đủ nguồn cung cho khách hàng. Thời gian tới, Công ty sẽ cố gắng mở rộng mạng lưới liên kết, nhân rộng nhiều hơn cho các hộ nuôi; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu và phát triển sản phẩm Gà đồi sinh học Nhị Nguyễn vươn ra thị trường trong và ngoài nước”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình khởi nghiệp của anh Nhị, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện đánh giá cao mô hình sản xuất chăn nuôi gà áp dụng công nghệ sinh học trên địa bàn của anh Nhị. Quá trình nuôi cho thấy, mô hình đã mang lại hiệu quả cao cả về giá trị kinh tế cũng như môi trường và chất lượng sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thực phẩm sạch, an toàn hiện nay. Việc áp dụng và nhân rộng mô hình chăn nuôi gà đồi sinh học đã góp phần mang đến hướng sản xuất mới an toàn, thân thiện và hiệu quả; tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân trên địa bàn.
Bí thư Huyện Đoàn Quảng Trạch Trương Minh Tuấn cho biết: Với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Nhị xứng đáng là gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp. Mô hình chăn nuôi gà đồi sinh học của anh đã tạo động lực cho các đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn có cơ hội học tập, trao đổi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.