Phụ nữ Sóc Trăng với mô hình 'Biến rác thành tiền'

Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng qua 5 năm thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả.

Chị em cân phế liệu mang bán.

Thực hiện tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới là bài toán khá nan giải của các địa phương. Đặc biệt ở nông thôn, tình trạng xả rác bừa bãi dưới sông, ven bờ ruộng vẫn diễn ra; ý thức của người dân về xử lý rác thải chưa cao. Nhưng tại Sóc Trăng, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh qua 5 năm thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả.

Sôi nổi “ngày hội” bán rác

15 giờ 30 chiều 19 hàng tháng, tại điểm sinh hoạt cộng đồng ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành lại rôm rả tiếng phụ nữ đến sinh hoạt và cân, bán rác. Đúng giờ, không ai bảo ai, không cần kêu gọi, từ các hướng, từng nhóm chị em xách bao, túi rác lại đông đủ về tập hợp. Sau khi quy về một mối, 16 giờ, người thu mua ve chai xuất hiện là chị em lại xếp hàng để lần lượt cân ve chai của mình bán.

Vỏ chai nước ngọt, thùng giấy, giấy vụn đến ống nước, thau nhựa hỏng… được chị em gom, phân loại trong một tháng. Người gom nhiều bán được 30.000 – 40.000 đồng, chị gom ít nhất cũng bán được hơn 10.000 đồng. Tiền bán được, mỗi chị em giữ lại 10.000 đồng để tiết kiệm hoặc góp vốn, còn lại đóng cho Chi hội trưởng. Cuối năm, số tiền Chi hội trưởng thu được lẫn số tiền góp vốn sẽ trả về cho chị em. Riêng tiền lãi cho vay vốn sẽ được dùng để liên hoan.

Câu lạc bộ “Thu gom rác vô cơ để gây quỹ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ ấp Phước Thuận tuy mới thành lập gần một năm nay nhưng hoạt động khá hiệu quả, sôi nổi. Sau 1 - 2 tháng đầu bỡ ngỡ, việc thu gom rác vô cơ để bán đã được chị em tích cực thực hiện. Số tiền được vay 500.000 đồng/người thực sự không lớn, nhưng đã giúp nhiều chị em có vốn buôn bán nhỏ hoặc tạm thời giải quyết khó khăn kinh tế.

Bà Vương Hồng Kiểng, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân cho biết,  trong câu lạc bộ, 100% chị em là người Khmer, việc gom rác có tiền đã giúp các chị mua tủ bán bánh mì, bán cá ở chợ hay có vốn mua máy bán nước mía. Động lực để chị em thực hiện là hiệu quả của việc đóng tiền từ bán rác, cuối năm lại có tiền mang về. Đây còn là dịp gặp gỡ nhau, hàn huyên tâm sự, chia sẻ sau 1 tháng vất vả đồng áng, nên chị em rất nhiệt tình hưởng ứng.

Đối với rác thải hữu cơ, chị em sẽ được hướng dẫn ủ phân compost để làm phân bón cho cây trồng. Cách làm này đã dần thay đổi hành vi, ý thức của các chị về bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cho biết, tham gia câu lạc bộ, chị học hỏi được rất nhiều điều, biết thêm nhiều kiến thức về phân loại, xử lý rác, trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh quanh nhà. Ngoài ra, tiền đóng góp từ bán rác còn giúp chị em tiết kiệm được tiền, hỗ trợ những chị em khó khăn.

Số tiền bán phế liệu được bỏ heo tiết kiệm.

Quy mô toàn tỉnh

“Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” là mục tiêu để Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình “biến rác thành tiền”. Mô hình được thí điểm ở huyện Mỹ Xuyên vào năm 2012 với 4 câu lạc bộ đầu tiên. Bước đầu, một số chị thay đổi hành vi thu gom, xử lý rác, tiếp đến là sử dụng nước sạch, tiết kiệm nước, biết tác hại của túi ni – lông, chất thải gây ô nhiễm môi trường... Dần dần, hiệu quả, tính thiết thực của câu lạc bộ đã thu hút nhiều chị em tham gia, đến nay đã được nhân rộng ra toàn tỉnh.

Mô hình được triển khai sáng tạo phù hợp với thực tế của các địa phương, với nhiều tên gọi như: Câu lạc bộ “Phụ nữ biến rác thành tiền”, tổ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni – lông”, tổ “Phụ nữ nhặt phế liệu làm tiền tiết kiệm”, tổ “Phụ nữ nhà tôi xanh - sạch - đẹp”... Từ cách làm này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã lồng ghép thực hiện công tác Hội, các cuộc vận động, đề án, cung cấp kiến thức về bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu. Các Chi hội đã kết hợp mở lớp, tổ chức các hội thi, truyền thông về kiến thức môi trường qua các đoạn phim, tình huống gần gũi để thu hút thêm nhiều thành viên.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Hoạt động của các câu lạc bộ nhằm biến rác thành tiền đã mang lại 3 lợi ích lớn: Nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách xử lý rác thải; hình thức không tốn kém thời gian, dễ làm nhưng có số tiền tích lũy; tạo được cảnh quang môi trường sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã đến với bạn bè thế giới trong Hội nghị Diễn đàn thường niên vùng Duyên hải lần III tại Campuchia và Thái Lan năm 2014, là một trong những báo cáo điển hình tại hội nghị. Đây là động lực rất lớn để hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục nhân rộng, sáng tạo, triển khai mô hình này.

Có thể nói, cùng với hơn 2.000 tổ phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hoạt động của mô hình “biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã góp phần thay đổi ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, đẩy lùi các hình ảnh rác thải bừa bãi bằng những ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát.

Hoài Thu (TTXVN)
Thu gom rác trên biển, vì một Hạ Long xanh
Thu gom rác trên biển, vì một Hạ Long xanh

Ngày 10/1, tại Quảng Ninh, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long tổ chức chương trình thu gom rác trên biển với chủ đề “Liên minh Hành động vì một Hạ Long xanh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN