Cứ đều đặn, vào sáng sớm ngày thứ Bảy giữa mỗi tháng, các hội viên Hội Phụ nữ lại có mặt cùng nhau bày hàng "ra chợ" chuẩn bị đón khách. Người sắp xếp rau củ, người lo chuẩn bị trứng, lấy thêm gia vị cho sẵn vào những chiếc túi nhỏ để người dân đến lấy. Mỗi phiên chợ thường có tổng giá trị hàng hóa từ 3-5 triệu đồng tùy vào khả năng vận động và đóng góp của hội viên. Dù ít hay nhiều, các hội viên cố gắng duy trì phiên chợ đều đặn hàng tháng để giúp đỡ những người còn khó khăn. Đến với phiên chợ đặc biệt này, người dân được tự do lựa chọn những mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày như: Gạo, mì, trứng, nước chấm, gia vị và các loại rau củ quả….
Hoàn cảnh neo đơn, một mình bán ve chai nuôi cháu nhỏ, bà Phạm Thị Mai (ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn) phải vất vả mưu sinh hàng ngày. “Phiên chợ 0 đồng” là một trong những điểm đến trong hành trình mưu sinh của hai bà cháu để có thể được sẻ chia những nhu yếu phẩm cần thiết. Những phần nhu yếu phẩm nhận được đã giúp bà Mai nhẹ đi một phần chi tiêu, có tiền dành dụm để mua sữa nuôi đứa cháu nhỏ.
Bà Mai cho biết: “Tháng nào, tôi cũng tới chợ này để nhận đồ. Gạo, mì, gia vị có khi ăn được cả tháng, còn rau củ ăn được vài ngày. Tôi đỡ phần tiền lo cơm nước hàng ngày. Nhận được phần quà của Hội Phụ nữ, tôi rất vui. Hội tiếp thêm cho tôi một phần sức để nuôi cháu”.
Đến với “Phiên chợ 0 đồng”, những người nghèo, khó khăn có thể tự do "mua hàng" mà không cần phải lo chi phí. Đáng quý là mọi người có ý thức sẻ chia cùng nhau, ai cần gì sẽ chọn món đó, lấy vừa đủ dùng để nhường phần cho người đến sau.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cho biết, gia đình bà khó khăn do chỉ có hai vợ chồng, lại đau bệnh thường xuyên. Hàng ngày, bà cùng chồng đi bán vé số để kiếm sống. Cứ mỗi dịp chợ họp, bà Hồng lại đến để nhận nhu yếu phẩm về dùng. Bà Hồng nói: “Ngày nào có Phiên chợ 0 đồng, tôi nhẹ lo. Phần tiền chi tiêu đó, tôi để dành tích góp, khi cần sẽ có để dùng. Đến nhận đồ không giới hạn nhưng mình ăn bao nhiêu sẽ lấy bấy nhiêu, chứ không dám lấy nhiều. Mình để đó, người khác cần đến lấy, sẻ chia cho nhau”.
Đồng hành cùng “Phiên chợ 0 đồng” là các Chi hội trưởng và hội viên phụ nữ ở địa phương. Bên cạnh việc đóng góp, vận động bạn bè, gia đình hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động phiên chợ, các chị còn trực tiếp mang những món quà ý nghĩa gửi đến người nghèo, người yếu thế. Với tiêu chí “Của cho không bằng cách cho”, phiên chợ được tổ chức gần gũi, các chị vui vẻ bày hàng, mời gọi người dân đến nhận quà về sử dụng như những người thân quen. Người góp công, người góp của, ai cũng mong muốn được chia sẻ phần nào khó khăn với người nghèo, lao động khó khăn, người yếu thế…, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Lệ (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 4, thị trấn Trà Ôn) cho biết, chị đã tham gia từ những ngày đầu phiên chợ mới hoạt động. Ban đầu, chị có nhiệm vụ cùng các thành viên khác vận động nguồn lực để tổ chức phiên chợ. Dần dần, chị kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ, vận động, rồi cùng tham gia phiên chợ. Cứ sắp đến ngày họp chợ, chị lại tất tả đi mua nông sản. Vừa mua hàng, vừa giúp các tiểu thương sắp xếp hàng hóa, lần nào chị cũng vận động được thêm nhiều nông sản mang về cho phiên chợ.
“Tôi cùng các chị em khác trong Hội rất vui vì có thể hỗ trợ phần nào cho những gia đình khó khăn để họ nhẹ một phần chi phí trong cuộc sống. Ở đâu có người ủng hộ hoặc ở đâu có người cần giúp đỡ, chị em cũng sắp xếp để đến. Có những hộ neo đơn hoặc già yếu, khó khăn không thể đến được, mình đến tận nơi để giúp đỡ. Nhận được nụ cười, lời cảm ơn chân thành, mình có thêm động lực để đi tiếp. Tôi mong sao có sức khỏe để tham gia nhiều phiên chợ này nữa”, chị Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.
Cùng với các nhu yếu phẩm, “Phiên chợ 0 đồng” còn có "Tủ bánh mì 0 đồng" để người dân nhẹ lo bữa ăn sáng. Các Hội viên còn vận động, đóng góp thêm quần áo, cặp, giày dép... đã qua sử dụng để chia sẻ với những người có nhu cầu.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trà Ôn Lê Tú Nhi cho biết, mô hình “Phiên chợ 0 đồng” kết hợp với "Tủ bánh mì 0 đồng" được tổ chức nhằm giúp đỡ, san sẻ với những khó khăn của người nghèo, người lao động, giúp họ nhẹ bớt chi phí hàng ngày.
Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã tạo sự lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực. “Phiên chợ 0 đồng” trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người, đa phần là người lớn tuổi, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Người dân đến nhận phần quà nhu yếu phẩm đều rất phấn khởi, đồng thời cũng có ý thức chia sẻ, chỉ nhận vừa đủ những món mình cần. Những món không cần thiết nhường lại cho người khác có nhu cầu hơn. Đặc biệt, hoạt động của “Phiên chợ 0 đồng” được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên phụ nữ. Các chị vừa cùng vận động và đóng góp nguồn lực, vừa trực tiếp tham gia phiên chợ. Nhiều tổ chức, cá nhân thấy được ý nghĩa của mô hình này, đều đặn hàng tháng đóng góp để có thêm kinh phí, đa dạng các mặt hàng ở phiên chợ để hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ.
Những món hàng từ phiên chợ dù chưa đầy đủ, nhưng phần nào sẻ chia bớt vất vả trong cuộc sống, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. “Phiên chợ 0 đồng” không chỉ là một địa chỉ tin cậy để mọi người đến trao nhau những món hàng miễn phí mà còn khơi dậy, kết nối những tấm lòng của hội viên phụ nữ và người dân, cùng lan tỏa tình yêu thương và tinh thần sẻ chia của cộng đồng.