Bằng tài năng, tâm huyết và tình thương, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã âm thầm chắt chiu mầm sống, mang đến cho đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Tình thương của họ còn vượt lên cả trách nhiệm khi đã chăm sóc, nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ bị gia đình chối bỏ, bỏ rơi.
Chắt chiu mầm sống cho đời
Bước vào khoa Sơ sinh của Bệnh viện Hùng Vương, đập vào mắt chúng tôi là những đứa trẻ yếu ớt nằm trong các lồng ấp chuyên dụng, xung quanh là hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế chằng chịt, các điều dưỡng và nữ hộ sinh đi lại như con thoi, hết chăm cho trẻ này lại quay qua dỗ dành trẻ khác. Đây là nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ sinh non tháng, nhẹ cân và trẻ sơ sinh có các bệnh lý như suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng… của Bệnh viện Hùng Vương, cũng là nơi chứa đựng vô vàn tình yêu thương của đội ngũ nhân viên y tế với những đứa trẻ mới sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi.
Bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho khoảng từ 2.300-4.500 trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng và mắc bệnh lý. Trong đó, có khoảng từ 30-50 trường hợp trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1kg. Những năm gần đây, nhờ áp dụng các kỹ thuật mới và trang bị thiết bị hiện đại như: Kỹ thuật thở máy tần số cao HFO, liệu pháp bơm surfactant bằng phương pháp Lisa, đặt PICC nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài... tỷ lệ nuôi sống thành công trẻ sinh non, nhẹ cân không ngừng tăng lên; năm 2020, tỷ lệ này đạt 92,27%. Đặc biệt, khoa Sơ sinh đã nuôi sống thành công trẻ chỉ nặng 500gr sinh ở tuần thai thứ 24.
Theo bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên, việc nuôi sống trẻ non tháng, nhẹ cân, trẻ mắc bệnh lý vô cùng khó khăn, bởi lẽ trẻ sinh non tháng hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, các cơ quan chưa trưởng thành hết, dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, não của trẻ chưa hoàn thiện hay bị suy hô hấp, phổi cũng chưa phát triển dễ bị bệnh màng trong, tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, cơ sở vật chất của khoa Sơ sinh còn nhiều hạn chế, được phân bổ 100 giường bệnh nhưng khoa thường xuyên phải tiếp nhận từ 120-130 trẻ. Việc phải để trẻ nằm quá gần nhau hay nằm chung một lồng ấp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn nhưng do số lượng trẻ được chuyển lên khoa ngày càng đông khiến các bác sĩ cũng gần như “bó tay”.
Chị Võ Thị Đẹp, Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh chia sẻ, mỗi ca trực, một điều dưỡng hoặc nữ hộ sinh phải phụ trách từ 7-8 bé. Từ khi tiếp nhận ca trực đến khi kết thúc, họ gần như không được nghỉ ngơi, đôi khi quên luôn cả những nhu cầu cá nhân như ăn cơm, đi vệ sinh.
“Chăm sóc trẻ nhẹ cân, non tháng khó hơn chăm sóc trẻ bình thường gấp bội. Có bé hô hấp chưa ổn định, chúng tôi phải nuôi ăn tĩnh mạch mà tĩnh mạch của các trẻ sinh non có khi nhỏ bằng một sợi tóc thôi, hay có bé chưa có phản xạ bú thì chúng tôi cũng phải tập cho bé bú, có bé ngoan nhưng cũng có bé quấy khóc liên tục buộc chúng tôi phải dỗ dành thường xuyên”, chị Đẹp cho hay.
Vất vả là vậy nhưng những nhân viên y tế tại đây không một lời phàn nàn hay chưa từng cáu gắt. Họ tâm niệm, khi gia đình đã gửi gắm con của mình để họ chăm sóc thì trọng trách trên vai càng lớn lao, cao cả hơn.
Hai mươi năm trôi qua, các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh nơi đây không nhớ hết mình đã chăm nuôi bao nhiêu trẻ non tháng, nhẹ cân; cũng không nhớ nổi có bao nhiêu đứa trẻ “khi vào èo uột, khi ra hồng hào khỏe mạnh”. Niềm vui càng như được nhân lên gấp bội khi thỉnh thoảng phụ huynh có con từng điều trị tại Khoa Sơ sinh lại tổ chức những buổi trở về, cho trẻ thăm lại “chốn cũ” – nơi đã từng chắt chiu sự sống cho các con.
“Có nhiều trẻ khi sinh ra chỉ nhỉnh hơn bàn tay nhưng giờ đây đã là những em bé khỏe mạnh, thông minh, nếu bố mẹ các con không nhắc, mình cũng nhìn không ra. Cũng có những bố mẹ lấy tên bác sĩ để đặt cho con, nhiều đứa trẻ mang tên Hoàng Yến, Thủy Tiên… là tên của các bác sĩ ở khoa khiến chúng mình rất ấm lòng”, bác sĩ Thủy Tiên chia sẻ.
Đón các bé vào lòng
Tại khoa Sơ sinh, bên cạnh những đứa trẻ có mẹ, có người thân, cũng có những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi vừa chào đời. Và các nhân viên y tế tại khoa Sơ sinh đã dang rộng vòng tay đón các bé vào lòng. “Nhiều gia đình vì thấy con sinh ra yếu ớt, lại nghe bác sĩ nói phải điều trị thời gian quá dài, tốn kém tiền bạc nên họ không muốn nhận về, thế là chúng trở thành những đứa bé bị bỏ rơi”, chị Võ Thị Đẹp nói.
Dù bị bỏ rơi nhưng những đứa trẻ này luôn được các nhân viên y tế tại đây chăm sóc như các bé khác. Theo chị Võ Thị Đẹp, mỗi năm có khoảng từ 30-40 trẻ bị bỏ rơi và được nhân viên y tế tại đây nuôi dưỡng, chăm sóc, đến khi trẻ ổn định về sức khỏe thì phối hợp với Công an phường 12, quận 5 lập hồ sơ, chuyển trẻ đến các Trung tâm bảo trợ trẻ em trong thành phố.
Như những người mẹ thứ hai, ngày cũng như đêm, cứ vào ca trực, các điều dưỡng, hộ lý lại chăm sóc cho các con từng miếng ăn giấc ngủ. Lâu dần, trẻ cũng “mến hơi” luôn các cô, các chị; thỉnh thoảng lại “nhõng nhẽo” đòi bế bồng.
“Đa số trẻ đến với chúng tôi đều trải qua quá trình điều trị dài, từ 2-3 tháng, có trẻ nằm lâu hơn đến 5-6 tháng, chúng tôi ai cũng thương các con bởi sinh ra đã thiệt thòi, thiếu đi tình thương của mẹ”, nữ hộ sinh Hồ Thị Ngọc Loan chia sẻ.
Hơn 15 năm công tác tại khoa, chị Ngọc Loan đã chứng kiến không biết bao nhiêu trẻ bị bỏ rơi tại đây và cũng chính chị là người chăm bẵm, vỗ về và đưa các con đi đến các trung tâm bảo trợ xã hội. Mỗi lần thay tã, thay áo, các chị lại trò chuyện, cưng nựng như chính con của mình. Cứ mỗi lần đưa trẻ đến với các trung tâm bảo trợ xã hội, chị lại không ngủ được vì thương và lo “không biết con đến nơi đó có ổn không”.
Chị kể: “Đêm trước khi đưa trẻ đến trung tâm bảo trợ xã hội, dường như các bé cũng linh tính được, đa số đều không chịu ăn, chịu ngủ. Có một trẻ tôi trực tiếp nuôi gần 11 tháng, đến lúc trao cho cơ sở bảo trợ, bé nắm áo tôi không rời, thương lắm mà không biết làm sao”, chị Loan chia sẻ.
Chị Loan không quên được ngày 28 Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, ngày mà chị đã đưa 5 đứa trẻ bị bỏ rơi đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (thành phố Thủ Đức): “Tết đến, ai cũng có gia đình để về nhưng con mình phải đi đến cô nhi viện, mình rất đau lòng, tối về không thế nào ngủ được, nghĩ đến các con là nước mắt lại trào ra”.
“Chúng tôi chỉ có một mong ước, đó là tất cả trẻ sơ sinh đều được ra đời khỏe mạnh, được đón về nhà, lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, gia đình, người thân”, trước khi kết thúc câu chuyện, điều dưỡng trưởng Võ Thị Đẹp chia sẻ tâm nguyện.
Rời khỏi khoa Sơ sinh, nhìn những đứa trẻ yếu ớt nằm trong lồng ấp, chúng tôi không khỏi xót xa, bùi ngùi. Song, may mắn thay, giữa những tiếng “bíp bíp” lạnh lẽo vô cảm của các thiết bị, máy móc, vẫn còn những bước chân vội vã của các chị khi nghe tiếng khóc trẻ thơ và đâu đó vẫn vang lên tiếng hát ru ầu ơ đưa trẻ vào giấc ngủ khiến chúng tôi ấm lòng. Như những thiên sứ được Thượng đế cử xuống trần gian, mỗi ngày họ vẫn âm thầm thực hiện sứ mệnh ươm cho đời những mầm xanh của sự sống.