Nữ y sỹ đa năng ở vùng lũ Chương Mỹ, Hà Nội

Trận ngập lụt lịch sử trong năm 2018 đã qua nhưng hình ảnh đẹp về những cán bộ, nhân viên y tế vượt qua khó khăn, nỗ lực chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân xã Nam Phương Tiến, một trọng điểm úng ngập của huyện Chương Mỹ được người dân địa phương ghi nhận.

Trong số đó có Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến, y sỹ Phùng Thị Hậu - một trong hai tấm gương tiêu biểu của ngành y tế Hà Nội vinh dự được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố năm 2018.

Chú thích ảnh
Phó trạm trưởng trạm y tế Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) Phùng Thị Hậu khám bệnh cho người dân.

Xã Nam Phương Tiến ở xa trung tâm huyện Chương Mỹ, địa hình vừa có đồi núi vừa là “rốn lụt” của huyện Chương Mỹ. Đây cũng từng là điểm nóng có sốt rét lưu hành. Người dân xã Nam Phương Tiến chủ yếu sống bằng nông nghiệp đồng chiêm trũng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Do điều kiện địa hình và kinh tế, xã hội của địa phương, Trạm y tế xã Nam Phương Tiến có 2 phân trạm, cách nhau 7 km. Ảnh hưởng của bão số 3 những ngày cuối tháng 7/2018, tại xã Nam Phương Tiến bị tràn đê sông Bùi, nguy cơ vỡ đê, gây ngập úng trên diện rộng từ ngày 21/7 - 12/8.

Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn là 4 thôn có nhiều nhà bị nước ngập tràn qua nóc, toàn bộ đường đi bị nước gây cô lập không vận chuyển được lương thực, thực phẩm và thuốc thiết yếu để phục vụ người dân. Cũng do ngập úng cục bộ nên rác thải sinh hoạt tập kết chưa kịp xử lý tràn vào nhà dân, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, y sĩ Phùng Thị Hậu cùng với Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến và 7 cán bộ y tế của trạm đã chủ động tham mưu cho UBND xã, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ thực hiện công tác chuyên môn y tế trong và sau ngập úng tại địa phương. Trạm đã chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu và điều trị kịp thời, bản thân y sĩ Hậu không nghỉ bù, nghỉ trực sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Trước tình hình khẩn cấp do thiên tai gây ra, y sĩ Hậu lội nước, thuê thuyền đến các hộ gia đình bị ngập để cấp thuốc Cloramin B, hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh. Để rác thải không trôi theo dòng nước làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, y sĩ Hậu đã đề xuất với trạm tham mưu cho chính quyền địa phương lên phương án dùng hóa chất xử lý môi trường tạm thời, dùng xe di chuyển rác thải tại 3 điểm tập kết rác tại thôn Nam Hài.

Trong thời gian này, y sĩ Hậu cùng các cán bộ y tế của Trạm y tế xã Nam Phương Tiến đã khám và điều trị cho hơn 600 người dân, cấp thuốc điều trị cho 420 người; kịp thời nắm bắt tình hình các sản phụ sắp sinh và các bệnh nhân đang điều trị bệnh để có phương án di chuyển điều trị khi có diễn biến xấu, đảm bảo cho sản phụ và người bệnh được theo dõi sức khỏe, chăm sóc y tế liên tục, không bị gián đoạn điều trị.

Chị còn phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Mắt Hà Đông, Da liễu Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ khám chữa bệnh về da liễu, về mắt cho người dân bị ngập úng. Những việc làm hết sức thiết thực này đã giúp cho sức khỏe và đời sống của người dân được ổn định, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn.

Tâm sự về công việc của mình, y sĩ Hậu cho biết, nhiệm vụ của trạm vừa làm công tác chuyên môn vừa làm công tác phòng bệnh với 42 chương trình y tế nên đòi hỏi cán bộ và nhân viên của trạm phải nỗ lực hết mình. Xác định được nhiệm vụ như vậy, những năm qua, chị đã phân công nhiệm vụ cho mỗi cá nhân phụ trách từng chương trình theo trình độ chuyên môn đào tạo.

Các cán bộ trong trạm y tế luôn đoàn kết, đồng lòng, cùng giúp đỡ nhau để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Trạm đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã từ năm 2010 và duy trì chuẩn đến nay. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến. Thôn Núi Bé của xã trước đây từng là trọng điểm sốt rét nhưng nhờ công tác phòng dịch qua giám sát thường xuyên hàng năm hiện nay đã không còn bệnh nhân.

10 tháng đầu năm 2018, xã Nam Phương Tiến không có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, sởi; bệnh tay chân miệng chỉ có 1 ca. Trạm duy trì tốt công tác khám chữa bệnh tại trạm, cung ứng thuốc điều trị phục vụ nhân dân, các ca đẻ tại trạm đều được đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Các chương trình y tế hoạt động tốt. Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đạt chỉ tiêu. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng và quan tâm, vì vậy trên địa bàn xã không có dịch lớn xảy ra.

Với nhiệm vụ được giao vừa làm Trạm phó phụ trách trạm vừa phụ trách công tác khám chữa bệnh ở trạm B, vừa phụ trách chương trình lao, chương trình tâm thần, chương trình phòng chống dịch bệnh, bản thân chị Hậu luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để đảm bảo cho hoạt động chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở được nhân dân tin tưởng và yêu mến.

“Tôi luôn trăn trở với những công việc làm sao để phục vụ người dân được tốt hơn, hạn chế tối đa dịch bệnh, không có tai biến về chuyên môn. Nhờ luôn quan tâm đến cuộc sống của nhân viên, động viên kịp thời, đoàn kết nội bộ đã tạo nên sức mạnh của trạm giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho người dân”, chị Hậu chia sẻ.

Tin, ảnh: Tuyết Mai (TTXVN)
Nữ bác sỹ của thương, bệnh binh
Nữ bác sỹ của thương, bệnh binh

Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm đã cùng với tập thể cán bộ, nhân viên tận tình chăm sóc những thương binh nặng và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam với tấm lòng yêu thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN