Nữ bác sỹ của thương, bệnh binh

Hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm đã cùng với tập thể cán bộ, nhân viên tận tình chăm sóc những thương binh nặng và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam với tấm lòng yêu thương.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy thăm khám cho thương binh tại Trung tâm. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Sinh năm 1974 trong gia đình có bố làm việc trong quân đội, bác là liệt sỹ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chị Thủy đã có ước mơ được làm bác sỹ. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Ninh Bình, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều nộp đơn vào các bệnh viện lớn, chị xin vào làm việc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, nơi công việc vất vả hơn so với nhiều bệnh viện khác.

Trong suốt quá trình làm việc, không chỉ cố gắng hiểu tâm tư, nguyện vọng của người bệnh để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất, chị Thủy còn không ngừng học tập. Năm 2003, chị Thủy tiếp tục theo học tại Trường Đại học Y Thái Bình để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2008, chị Thủy tốt nghiệp, trở về công tác tại Trung tâm và được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Bệnh nhân sức khỏe sa sút và các bệnh nội khoa.

Điều trị cho bệnh nhân bình thường đã khó, với những bệnh nhân tâm thần và nhiễm chất độc da cam còn khó khăn, vất vả hơn nhiều lần, đòi hỏi bác sỹ không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn là tình yêu đối với nghề, tình yêu thương và đồng cảm với bệnh nhân.

Công việc hàng ngày rất vất vả nhưng bác sỹ Thủy thường xuyên đến từng buồng bệnh thăm, khám cho bệnh nhân; kiểm tra và theo dõi sự tiến triển hay diễn biến nặng hơn trong quá trình điều trị để có những phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Không ít lần gặp phải tình huống bệnh nhân kích động, đập phá, gây gổ nhưng bác sỹ Thủy không nản mà tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân gây bệnh để hiểu hơn về tâm lý người bệnh, tìm cách tiếp cận, điều trị.

“Có những lần bệnh nhân kích động, hành hung, gia đình tôi khuyên chuyển sang bệnh viện khác để đỡ vất vả. Thế nhưng tôi lại nghĩ rằng những bệnh nhân đều là bậc cha, chú đã từng hy sinh một phần xương máu cho đất nước, những vất vả của chúng tôi ngày hôm nay không thể so sánh được. Tôi lại càng cảm thấy yêu công việc và muốn cống hiến hết mình để chăm sóc các thương, bệnh binh”, chị Thủy chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, chị Thủy đã cùng với đồng nghiệp trong khoa tận dụng quần áo, chăn màn cũ rách của thương, bệnh binh khâu lại để hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn; vận động cán bộ, viên chức ở khoa, gia đình bệnh nhân quyên góp quần áo cũ để sử dụng cho bệnh nhân tâm thần hay kích động xé quần áo.

Đồng thời, chị tham mưu cho lãnh đạo đơn vị áp dụng thành công phương pháp quản lý bệnh nhân theo mô hình “Quản lý mở”. Mô hình này giúp bệnh nhân tâm thần không phải điều trị bó buộc ở trong phòng kín mà được ra ngoài sinh hoạt, hoạt động dựa trên sự giám sát của các điều dưỡng, bác sỹ phối hợp với phác đồ điều trị phù hợp giúp họ được tiếp cận với thế giới xung quanh, ổn định tâm lý. Nhờ mô hình này, nhiều bệnh nhân tâm thần đã có biến chuyển tốt trong quá trình điều trị.

Năm 2014, Trung tâm thành lập khoa dành cho bệnh nhân bị nhiễm chất độc hóa học, bác sỹ Thủy được bổ nhiệm làm Trưởng khoa.

Hiện nay, trên cương vị là Phó Giám đốc Trung tâm, phụ trách Ban Đời sống, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Bệnh nhân nhiễm chất độc hóa học, bác sỹ Thủy lại cùng đồng nghiệp của mình nỗ lực vì những bệnh nhân đặc biệt.


Đặc thù của khoa bệnh nhân nhiễm chất độc hóa học có 23 bệnh nhân đều bị tổn thương não, phần lớn nằm một chỗ hoặc dạng bệnh tâm thần. Những bệnh nhân này sức đề kháng kém nên thường mắc thêm các bệnh nội khoa khác, đặc biệt răng rất kém nên chế độ ăn phải đặc biệt hơn.

Gắn bó nhiều năm với các thương, bệnh binh tại trung tâm, bác sỹ Thủy không chỉ nêu cao tinh thần chăm sóc phục vụ bệnh nhân mà còn tích cực vận động, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, bệnh binh; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; tham mưu cho lãnh đạo tổ chức đón Tết chu đáo cho bệnh nhân ăn Tết tại đơn vị tạo cho thương, bệnh binh cuộc sống vật chất và tinh thần tốt nhất, cho họ cảm giác như đang được ở cùng gia đình.

Điều dưỡng Vũ Thị Thương Huyền, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết, bác sỹ Thủy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn luôn quan tâm, gần gũi, ân cần với bệnh nhân. Đối với đồng nghiệp, đặc biệt là những cán bộ nhân viên mới vào nghề, bác sỹ Thủy luôn chỉ bảo, truyền đạt những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình công tác.

Với tình thương dành cho người bệnh và ý thức trách nhiệm cao trước công việc, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy đã góp phần không nhỏ vào thành tích đơn vị Anh hùng Lao động mà Nhà nước đã phong tặng cho Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Năm 2016, bác sỹ Thủy vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những cống hiến đối với cộng đồng.

Hải Yến (TTXVN)
Nhiều hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ tại TP Hồ Chí Minh
Nhiều hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ tại TP Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh –Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2017), ngày 24/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng 2 căn nhà tình nghĩa, tặng thân nhân liệt sỹ, gia đình thương binh tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN