Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Nữ tiến sỹ với niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Trong 10 gương mặt được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải là một trong hai gương mặt nữ vinh dự được trao danh hiệu.

PSG, TS Nguyễn Thị Bích Thủy kiểm tra các mẫu sơn tại phòng nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong buổi trò chuyện, chị thuyết phục người nghe bởi khuôn mặt hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ của người phụ nữ Hà Nội gốc và hơn cả là sự nhiệt huyết, đam mê với nghiên cứu khoa học. Khi chia sẻ về công việc đã làm, chị nói không ngừng nghỉ với sự say sưa, tinh thần hứng khởi, dù biết rằng đây không phải lần đầu tiên chị kể về nghề. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo động lực cho chị nghiên cứu khoa học, nhất là các công trình nghiên cứu về vật liệu sơn, vật liệu polymer compozit, vật liệu cách âm, cách nhiệt…

Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội năm 1980, chuyên ngành công nghệ hóa dầu, chị Nguyễn Thị Bích Thủy được phân công công tác tại Phòng Động cơ nhiên liệu, Viện Kỹ thuật Giao thông (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải). Tại đây, chị Thủy thực hiện nghiên cứu các công nghệ sử dụng nhiên liệu xanh dành cho động cơ ô tô và tham gia nhiều đề tài khác.

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, đưa các đề tài ứng dụng vào thực tiễn, chị tiếp tục tham gia khóa học sau đại học và làm nghiên cứu sinh. Với luận án “Nghiên cứu tổng hợp Vanilin từ nguồn nguyên liệu Việt Nam”, chị được công nhận bằng Phó Tiến sỹ khoa học, sau công nhận là Tiến sỹ kỹ thuật, chuyên ngành công nghệ tổng hợp hữu cơ. Trở về cơ quan cũ làm việc, chị Thủy chuyển hẳn sang một lĩnh mới đó là nghiên cứu về lĩnh vực Hóa.

Vẫn nụ cười tươi tắn, giọng nói say sưa, chị Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng: “Từ thực tế nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được giao, tôi nhận thấy việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực vật liệu bảo vệ công trình cần gắn với hướng phát triển của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, phương tiện giao thông vận tải, cảng biển và cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng các kết quả đạt được trong và ngoài nước.

Vì vậy, tôi luôn có ý thức đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm sớm đưa các sản phẩm nghiên cứu thành công trong nước vào thực tế sản xuất của ngành giao thông vận tải”. Chị Thủy luôn kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học để góp phần đào tạo các sinh viên, kỹ sư trẻ thêm kiến thức thực tiễn về công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước đã được triển khai trên thực tế Việt Nam.

Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, công tác nghiên cứu khoa học của chị Thủy tập trung vào “Công nghệ và vật liệu chống ăn mòn kim loại cho các công trình giao thông vận tải trong một số môi trường đặc biệt ở Việt Nam”.

Các nghiên cứu của chị xuất phát từ thực tế nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành Giao thông Vận tải, để xây dựng các công trình, phương tiện có chất lượng và tuổi thọ cao trong điều kiện có sự tác động, phá hủy khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới Việt Nam; đồng thời để có được các biện pháp sửa chữa, bảo trì phù hợp cho các công trình giao thông hiện có nhằm khai thác triệt để.

Các lĩnh vực tập trung nghiên cứu: Sơn phủ bảo vệ, công nghệ vật liệu mới trên nền polymer (vật liệu compozit, phụ gia cho bê tông, bê tông cốt thép vùng biển, bê tông nhựa, cao su, vật liệu cách âm, cách nhiệt…, ăn mòn và các biện pháp chống ăn mòn cho kết cấu thép, cốt thép trong bê tông vùng biển. Đây là một hướng nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện vai trò của hóa học trong bảo vệ công trình.

Trong lĩnh vực sơn phủ bảo vệ, xuất phát từ ý tưởng nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo sơn bảo vệ cầu thép hệ caosu clo hóa (bảo vệ khu vực khí quyển), hệ epoxy-pek than đá (áp dụng trong điều kiện ẩm cao và khu vực mớn nước) với tuổi thọ 5 - 7 năm, hệ sơn epoxylaccol và hệ polyurethane tuổi thọ 10 năm áp dụng cho một số cầu khu vực miền Trung và khu vực phía Bắc, chị  tham gia đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn bảo vệ kết cấu thép cho các công trình, phương tiện giao thông vận tải tuổi thọ 5 - 10 năm với công suất trên 50 tấn/năm” và đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ cải tiến và chế tạo mới một số vật liệu bảo quản - sơn chống gỉ, hệ cao su clo hóa, epoxy pek và epoxylaccol - polyurethane”.


Qua đó, chị Nguyễn Thị Bích Thủy và đồng nghiệp đã nâng cao chất lượng các hệ sơn chống ăn mòn với tuổi thọ từ 5 năm lên lớn hơn 10 năm, được ứng dụng rộng rãi trong ngành giao thông vận tải. Vì vậy, năm 2005 và năm 2009, chị đã được Giải thưởng cúp vàng Techmart cho bộ sơn chống ăn mòn khu vực biển và bộ sơn tuổi thọ lớn hơn 10 năm cho cầu thép và kết cấu thép.

Trong suốt thời gian làm việc, chị Nguyễn Thị Bích Thủy đã chủ trì 32 đề tài nghiên cứu các cấp, tham gia 42 đề tài nghiên cứu các cấp; công bố 65 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Trong rất nhiều giải thưởng mà nữ Phó Giáo sư, Tiến sĩ này nhận được, phải kể tới Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, Bằng Sáng tạo Khoa học Việt Nam với Công trình " Nghiên cứu chế tạo sơn men bảo vệ kết cấu thép khu vực biển" - Giải Nhì Vifotec 2013.

Chuẩn bị bước sang tuổi 60, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy vẫn cần mẫn nghiên cứu khoa học, đóng góp cho ngành Giao thông Vận tải và cho cả Thủ đô Hà Nội. Danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2017 đã ghi nhận và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của chị trong suốt thời gian dài vừa qua.
  
Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Đồng hành với những mảnh đời bất hạnh
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Đồng hành với những mảnh đời bất hạnh

Có những công việc đặc thù chỉ có tấm lòng nhân hậu, sự sẻ chia, đồng cảm, người phụ nữ mới vượt qua mọi khó khăn để gắn bó. Đó là công việc chăm sóc cho người khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, những em nhỏ mồ côi của các chị em ở những trung tâm nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN