Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm giàu - Nâng cao chất lượng cuộc sống

Vận động, hướng dẫn hội viên giúp nhau xóa đói giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là khâu đột phá đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội phụ nữ.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Thời gian qua, các cấp hội luôn linh hoạt trong việc huy động nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các hoạt động này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, trường THCS Trần Quý Cáp (Đà Nẵng) là điển hình phụ nữ tiêu biểu sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cách dạy học Lịch sử. Trần Lê Lâm - TTXVN


Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái


Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng. Từ yêu cầu thực tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Nhờ vậy mà các phong trào thực hành tiết kiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội được đẩy mạnh, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, khích lệ tính sáng tạo trong chị em và lan tỏa tới cộng đồng.

 

Theo thống kê, từ năm 2002 - 6/2013, cả nước đã có trên 11 triệu lượt phụ nữ nghèo được giúp vốn, giống, ngày công trị giá trên 4.752 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa lớn hơn 14.000 mái ấm tình thương với tổng số tiền hỗ trợ gần 488 tỷ đồng. Trên 587 tỷ đồng đã được các cấp hội quyên góp ủng hộ giúp các gia đình bị thiên tai, hoạn nạn.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, hưởng ứng đợt thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, cả nước đã có 7.800.000 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm, đạt số dư tiết kiệm 1.575 tỷ đồng, bước đầu đã xét hỗ trợ vốn vay cho hơn 301.000 hội viên...


Thực tế cho thấy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình tài chính vi mô. Mô hình này của hội đã từng bước phát triển bền vững. Hiện nay, các cấp hội đang quản lý điều hành trên 300 chương trình, dự án tài chính vi mô với tổng nguồn vốn trên 1.345 tỷ đồng với gần 500.000 thành viên.


Bên cạnh đó, các cấp hội còn quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay, tổ chức tập huấn, tư vấn sử dụng vốn, lồng ghép với các hoạt động dạy nghề - tạo việc làm, gắn kết với các mô hình sản xuất hiệu quả và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát.


Nhờ những nỗ lực của tổ chức hội các cấp, dư nợ tín dụng ngày càng lớn, tạo cơ hội cho nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay. Tính riêng trong năm 2012, tổng số dư nợ tín dụng từ các nguồn qua tổ chức hội quản lý hoặc ủy thác đạt trên 53.000 tỷ đồng, với trên 3,6 triệu lượt hộ được vay vốn.


Cơ hội cho phụ nữ học nghề


Hội phụ nữ các cấp còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Việc gắn kết thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” của Hội với đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của Chính phủ đã tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ học nghề, tìm việc.


Về công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ, các cấp hội đã thực hiện đồng bộ các hoạt động từ khâu nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tuyên truyền, tư vấn học nghề - việc làm, chủ động tổ chức liên kết dạy nghề... Công tác tuyên truyền, tư vấn cho hội viên, phụ nữ tham gia học nghề cũng được chú trọng quan tâm. Cùng với hoạt động truyền thông, tư vấn, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề riêng theo nhu cầu của phụ nữ; hoặc tác động để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia học nghề phù hợp.


Nhiều cơ sở dạy nghề của hội được xây mới, trang thiết bị được nâng cấp. Một số cơ sở dạy nghề đã liên kết với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, phát triển thành làng nghề và cung ứng lao động cho thị trường quốc tế. Từ năm 2003 - 6/2013, các cấp hội và các cơ sở dạy nghề thuộc hội đã tổ chức tư vấn nghề và việc làm cho hơn 3 triệu lượt lao động nữ; dạy nghề cho 1,8 triệu lượt lao động (chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn), trên 70% lao động đã có việc làm sau học nghề.


TTN - Quang Anh - Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN