Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Nữ doanh nhân trẻ năng động, đau đáu với việc phát triển quê hương

Là nữ doanh nhân trẻ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch ở Ninh Thuận, chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (sinh năm 1983, ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) luôn nuôi khát vọng tích lũy vốn đầu tư vào các dự án nhằm đánh thức vùng đất tiềm năng còn “ngủ yên” tại quê hương.

Giai đoạn ngành Du lịch bị tác động bởi đại dịch COVID-19, năm 2021, chị mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh và tiếp nhận dự án đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước theo lời mời gọi của chính quyền địa phương. 

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (trái) thăm các tiểu thương kinh doanh tại chợ. 

Tiên phong đầu tư xây dựng chợ cho vùng quê

Tuy sinh ra và lớn lên ở thành thị (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) nhưng từ nhỏ chị Kiều Chinh đã quen thuộc với vùng đất Phước Thuận khi thường xuyên theo mẹ lên buôn bán tại các chợ quê nơi đây. Trong ký ức của mình, chị không quên được cảnh bùn sình lầy lội trên những con đường đến chợ và bên trong chợ vào mùa mưa. Từ đó chị tâm niệm sau này khi có tiền, có cơ hội chị sẽ đầu tư xây dựng chợ cho người dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa của chính quyền địa phương, chị Chinh liên hệ và quyết tâm đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Phước Thuận (chợ loại 3) với diện tích trên 3.600 m2, tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, quy mô trên 100 điểm kinh doanh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu giao thương phục vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Được đầu tư bài bản, lại nằm sát Tỉnh lộ 708, chợ trung tâm xã Phước Thuận hoàn thành góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng thương mại của xã và phát triển ngành dịch vụ thương mại chung của huyện Ninh Phước. Trong chợ, ngoài các hộ đăng ký được tạo điều kiện để kinh doanh, chị Kiều Chinh còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người cao tuổi làm bảo vệ, quản lý chợ. 

Ông Nguyễn Văn Ánh, nhân viên quản lý chợ cho biết, chị Kiều Chinh không chỉ giỏi làm ăn mà còn biết chia sẻ với tiểu thương lúc khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, tiểu thương có ki-ốt đôi kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ chia sẻ, chợ mới thành lập nên rất khang trang, sạch đẹp, an ninh trật tự luôn bảo đảm, có hệ thống camera giám sát. Đặc biệt, từ khi khai trương đến nay ở đây chưa xảy ra trộm cắp.

Chợ được xây dựng tại khu vực trước kia là vườn táo, ruộng lúa thấp trũng, dễ ngập nước. Vì vậy, sau khi xây xong, chị Kiều Chinh tiếp tục đầu tư gần 500 triệu đồng hạ tầng đường phía đông chợ, mở rộng kết nối với đường bê tông của thôn để việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con thuận tiện hơn. Chị còn đầu tư 120 triệu đồng lấp cống nước cũ, giúp người đi đường không còn bị té ngã như trước. Ngoài ra, chị cho lắp đặt 6 bóng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng trên đường và đang dự định lắp thêm 6 bóng đèn ở đoạn đường tiếp theo giúp việc đi lại của người dân vào ban đêm an toàn hơn. 

Trước kia, khi bắt tay thực hiện dự án này, không ít người cho rằng chị sẽ thất bại. Với mong muốn phục vụ cộng đồng, chị Kiều Chinh vẫn thực hiện và rất vui mừng khi góp phần giúp Phước Thuận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Từ chợ trung tâm, trong vòng bán kính 50m bắt đầu xuất hiện các hàng ăn, dịch vụ vận chuyển, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa nông thôn, hình thành diện mạo mới ở Phước Thuận.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận Nguyễn Xuân Hùng cho biết, hiện nay, chợ trung tâm xã được coi là chợ cấp xã đẹp, hiện đại nhất trong huyện, có hệ thống xử lý nước thải và đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Đây là điểm sáng để các địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu cách đầu tư xã hội hóa. 

"Chị Kiều Chinh là nữ doanh nhân trẻ năng động, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, tiên phong bứt phá, mạnh dạn đầu tư xây chợ theo chủ trương xã hội hóa của xã. Tuy chưa tổng kết, khen thưởng, song việc làm của chị được xã ghi nhận, xứng đáng là tấm gương sáng để tuyên dương. Hướng đến năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, Phước Thuận tiếp tục xã hội hóa đầu tư, vì vậy có được nhà đầu tư như chị là nhân tố đáng trân trọng", Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận Nguyễn Xuân Hùng khẳng định.

Tiếp tục phát triển kinh doanh phục vụ xã hội

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Kiều Chinh kiểm tra hoạt động của các tiểu thương tại chợ. 

Nói về hoạt động xã hội, chị Kiều Chinh là cái tên không xa lạ. Trong giai đoạn cách ly xã hội phòng, chống đại dịch COVID-19, chị luôn có tên trong danh sách đóng góp nhiều kinh phí cho các bếp ăn 0 đồng, từ thiện trên địa bàn tỉnh. 

Nhờ lợi thế về vốn ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, những năm trước, chị đã bước vào kinh doanh dịch vụ du lịch loại hình homestay. Chị tích cực tham gia hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh và được khen thưởng nhiều lần. Chị vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen vì đã có nhiều đóng góp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận. 

Luôn đau đáu muốn đầu tư phát triển du lịch, giúp người dân bản địa có việc làm, chị thường hướng đến các vùng quê ven biển. Mới đây, chị Kiều Chinh đã mua 2 ha đất ở khu vực ven biển thuộc thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, dự định xây dựng nơi đây thành làng chài du dịch đẹp để thu hút khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm. Song vì một số thủ tục chưa hoàn chỉnh, chị chưa thực hiện được nhưng vẫn nuôi ý định đầu tư du lịch loại hình trên, tạo việc làm ổn định cho bà con làng chài vùng bãi ngang Phước Dinh.  

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận, những gì chị Nguyễn Thị Kiều Chinh thể hiện góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, rất đáng được địa phương chị đầu tư ghi nhận, nhân rộng điển hình.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Người phụ nữ tận tụy với công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số
Người phụ nữ tận tụy với công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số

Nhắc đến chị Thị Lang (42 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phu Mang 1 (xã Long Hà, huyện Phú Riềng, Bình Phước), người dân nơi đây đều biết sự tận tụy, tận tâm trong công tác Hội của người phụ nữ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN