Những người góp phần lan rộng nghĩa cử cao đẹp

Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu (tính quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị). Những đơn vị máu này đã giúp ngành Y tế cứu sống hàng triệu người bệnh cần truyền máu trong cả nước.

Chú thích ảnh
Đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hiến máu. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Có được những kết quả và thành tích trên là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là có sự chung tay, chia sẻ trực tiếp từ những người không ngần ngại hiến những giọt máu quý giá của mình cho cộng đồng.

Xuất phát từ tình thương yêu, tình làng, nghĩa xóm

Gần 20 năm tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo, ông Mai Văn Đức, cán bộ xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chỉ nghĩ việc hiến máu là một hành động nhỏ để chia sẻ với những người bệnh cần máu chứ chưa bao giờ nghĩ việc làm này lại được Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn vinh tự hào như ngày hôm nay.

Ông Mai Văn Đức chia sẻ, năm 2000 khi xã, huyện nơi ông ở phát động phong trào hiến máu, nhận thức về vấn đề này từ cán bộ đến nhân dân địa phương vẫn còn hạn chế. Nhận thấy đây là phong trào không chỉ tốt cho sức khỏe người tham gia, còn có ý nghĩa xã hội lớn lao nên ông quyết định tham gia với suy nghĩ "mình là cán bộ xã nên đi đầu để mọi người hưởng ứng theo". Ông Đức cho biết, ông cũng như nhiều người lúc đó sợ hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên có thái độ rất e dè. Sau khi tự tìm đọc, tham khảo nhiều tài liệu để có thêm hiểu biết đúng đắn và đặc biệt sau lần tham gia hiến máu không thấy sức khỏe suy giảm, ông càng có thêm niềm tin, niềm vui mỗi khi có thể chia sẻ giọt máu của mình cho những người cần. 

Ngoài quyết tâm tham gia hiến máu, ông Đức còn tích cực động viên, vận động mọi người xung quanh, trong đó có cả người thân tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Đến nay, tất cả 4 thành viên trong gia đình ông Đức đã tham gia hiến máu hơn 40 lần, riêng ông đã hiến máu 17 lần. Ông cho biết, sau mỗi lần hiến máu, lượng máu trong cơ thể như được tái tạo lại nên sức khoẻ tốt hơn hẳn. 

Chia sẻ về lý do hiến máu ông Đức cho biết, nơi ông ở cách thành phố Huế 70km, ông đã thấy nhiều trường hợp sức khỏe bệnh nhân hiểm nghèo cần máu nhưng vì điều kiện miền núi, kinh tế khó khăn khiến các bệnh nhân không có cơ hội được điều trị. Hành động hiến máu của ông là xuất phát từ tình thương yêu, tình làng nghĩa xóm và mong muốn được giúp đỡ mọi người khi hoạn nạn.

Nhờ nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện của những người như ông Đức, đến nay xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được ngân hàng máu với sự tham gia thường xuyên của 50 người. Nguồn máu từ ngân hàng máu sống này sẵn sàng cứu trợ cho những người bệnh trong xã và người bệnh cần máu trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mong muốn được tiếp tục hiến máu

Nhận thức được nghĩa cử cao đẹp của việc tham gia hiến máu, ông Từ Văn Việt, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - một trong 100 đại biểu hiến máu tiêu biểu được tôn vinh trong năm 2019 - đã có 44 lần tham gia hiến máu và vận động vợ con cùng tham gia hiến máu nhiều lần. Đến nay, vợ ông Việt đã hiến máu được 36 lần, các con ông cũng hiến được gần 20 lần. Ông Việt tự hào về "gia đình hiến máu" của mình và luôn lấy đó làm ví dụ để vận động những người xung quanh tham gia hiến máu.

Ông Việt không giấu nổi niềm vui vì từ việc làm vô tư "cho đi không mong nhận lại" những giọt máu của mình, ông có dịp đi Hà Nội; được tham quan nhiều nơi; được tham gia gặp gỡ với những người có trái tim nhân hậu và tấm lòng rộng mở; đặc biệt hơn nữa, hành động của ông được Đảng, Nhà nước tuyên dương, ghi nhận. Ông thấy cuộc sống của mình trở nên có ích, ý nghĩa hơn khi tham gia hiến máu cứu người. Ông chia sẻ: "Khi nào hết tuổi quy định được hiến máu, tôi mới thôi". Ngoài việc tích cực tham gia hiến máu, ông còn đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc bởi ông mong muốn mọi phần trong cơ thể của mình không bị bỏ phí. Với ông, cuộc sống của người này có thể chấm dứt nhưng sẽ tạo điều kiện cho những người khác có cơ hội sống tốt hơn.

Cùng mong muốn tiếp tục được hiến máu khi còn sức khoẻ, ông Trần Thanh Long, Quận 6, TP Hồ Chí Minh cho biết, ông bắt đầu tham gia hiến máu khi còn trong lực lượng Thanh niên xung phong những năm 1970. Lúc đó, anh em trong quân đội bị thương rất nhiều, đồng đội ai có thể cho máu đều cho liền, không một chút băn khoăn. Sau này khi về địa phương, ông Long vẫn tiếp tục tham gia hiến máu do thấy vẫn còn khoẻ và luôn tâm niệm "tuổi trẻ thì mình xung phong mà về già thì phải gương mẫu".

Không giấu nổi nỗi buồn, sự nuối tiếc khi không thể tiếp tục tham gia hiến máu do đã 60 tuổi, không còn trong độ tuổi được hiến máu nữa, ông Long cho biết đã đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước nếu những người trên 60 tuổi nhưng vẫn còn sức khoẻ, có mong muốn vẫn được tiếp tục hiến máu.

Dù không biết những giọt máu của mình sẽ dành cho ai nhưng ông Long vẫn luôn lấy việc hiến máu làm niềm vui vì ông chắc chắn giọt máu của mình sẽ góp phần kịp thời cứu sống người nào đó. Ông cũng chỉ mong muốn khi còn sức lực vẫn có thể tiếp tục được hiến những giọt máu của mình để giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo, những người bệnh cần máu.

Ngọc Bích - Minh Huệ (TTXVN)
Ngày hội hiến máu 'Giọt máu hồng ươm mầm sự sống'
Ngày hội hiến máu 'Giọt máu hồng ươm mầm sự sống'

Hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, sáng 19/5, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội phối hợp với cộng đồng niên khoá 92-95 Hà Nội tổ chức Ngày hội hiến máu “Giọt máu hồng ươm mầm sự sống”. Hơn 300 thành viên của cộng đồng niên khóa 92-95 đã tới dự và đăng ký hiến máu tại Ngày hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN