Những bí thư chi bộ người dân tộc làm kinh tế giỏi nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Phát huy trách nhiệm của những người “Đảng cử, dân bầu” cùng với sự năng động, sáng tạo, nhiều bí thư chi bộ ở tỉnh miền núi Điện Biên không những gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, mà còn mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất; góp phần khai thác tiềm năng địa phương, từng bước thay đổi diện mạo quê hương.

Phát huy tinh thần đảng viên “đi trước”

Chú thích ảnh
Ông Lò Văn Mấng, Bí thư Chi bộ bản Tà Lèng, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ chăm sóc vườn ổi. 

Bản Tà Lèng, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) có khoảng 130 hộ dân, với trên 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú và Thái sinh sống. Trước đây, hộ ông Lò Văn Mấng, Bí thư Chi bộ bản Tà Lèng cũng như các hộ dân trong bản chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa vào cây lúa, ngô, sắn... khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Với vai trò Bí thư Chi bộ, phát huy tinh thần đảng viên “đi trước”, ông Mấng mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo.

Sinh năm 1967, là người dân tộc Khơ Mú, trưởng thành từ cán bộ Đoàn năng động, ông Mấng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của bản nên được mọi người quý mến, tin yêu. Từ năm 1997 đến nay, ông đã trải qua nhiều vị trí, vai trò khác nhau từ Chi hội trưởng Hội Nông dân, công an viên, trưởng bản, cán bộ xã, nay là Bí thư Chi bộ. Ở cương vị nào, ông cũng đều làm tốt vai trò được giao.

Tâm sự với chúng tôi, ông Mấng chia sẻ, là đảng viên, người đứng đầu của bản, ông luôn sâu sát với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người dân để tìm cách tháo gỡ; tích cực tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Vì thế, ông luôn trăn trở phải bắt đầu từ đâu, nuôi con gì, trồng cây gì để thay đổi cuộc sống. Với suy nghĩ, muốn người dân học hỏi noi theo, bản thân phải là người gương mẫu đi đầu để dân thấy, dân tin. Năm 2005, vợ chồng ông Mấng mạnh dạn vay 8 triệu đồng từ Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã để đào ao nuôi cá. Có nguồn vốn vay, cùng với số tiền tích góp được, nhận thấy 1ha đất của gia đình có nguồn nước dồi dào, ông quyết định đào 5 ao nuôi cá rô đơn tính và cá trắm cỏ.

Năm 2008, sau ba năm chăm chút, trong lúc mô hình nuôi cá của gia đình đang phát triển ổn định, chuẩn bị cho thu hoạch thì lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn, phá hủy hoàn toàn 5 ao cá của gia đình, khiến vợ chồng ông rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Không nản chí, năm 2015, ông tiếp tục vay 80 triệu đồng của người thân và từ nguồn xóa đói giảm nghèo của địa phương để khôi phục lại ao nuôi cá. Có được nguồn vốn, ông mua thêm 3 ha đất, thuê máy xúc, san ủi tạo mặt bằng mở rộng diện tích đào ao nuôi cá, kết hợp xây chuồng trại trên bờ để nuôi lợn, gà, vịt và trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 4ha. Để có kiến thức, ông Mấng tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế tổng hợp ở các địa phương khác. Cùng với đó, trong quá trình vừa phát triển mô hình, ông vừa tự tìm tòi, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Dần dần, ông Mấng đã biết cách áp dụng kỹ thuật, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh ao cá, chuồng trại chăn nuôi gia cầm sạch sẽ nên phát triển tốt.

Sau hơn 10 năm gây dựng, đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông có hai ao nuôi cá, với diện tích hơn 1 ha, 2 ha trồng rừng, 1 ha trồng ổi và hơn 1.000 gốc đào cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này, gia đình ông Mấng có thu nhập ổn định từ 100 - 130 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông không những có tiền trả nợ, xây nhà mà còn đảm bảo kinh tế trang trải cho cuộc sống gia đình ngày một sung túc hơn.

Năng động, sáng tạo

Chú thích ảnh
Ông Vi Ngọc Quang, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4 Khe Chít, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, chăm sóc vườn cây ăn quả. 

Là Bí thư chi bộ Tổ dân phố 4 Khe Chít, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ, đồng thời luôn có mong muốn phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu, ông Vi Ngọc Quang (dân tộc Mông) đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để mua đất rừng, đồi nhằm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Ông Quang chia sẻ, ban đầu khi mới bắt tay vào làm, do quỹ đất ở địa phương hạn hẹp nên trong nhiều năm ông vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi và luôn ấp ủ xây dựng trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế.

Năm 2020, khi đến bản Tà Lèng, xã Thanh Minh (cách nhà khoảng 5 km), nhận thấy đất đai rộng rãi, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, ông mạnh đầu tư 2,5 tỷ đồng, mua 4 ha đất để làm trang trại. Ban đầu, ông đào 2 ao nuôi cá, sau đó kết hợp xây chuồng trại để nuôi nhím, gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả để tận dụng phụ phẩm lấy phân nuôi cá. Từ kinh nghiệm của bản thân và học hỏi được từ các mô hình kinh tế khác, ông đầu tư xây dựng hệ thống nước thải và dẫn nước ao nuôi làm cho môi trường nước luôn đảm bảo yêu cầu 

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình của gia đình ông luôn phát triển thuận lợi, cá ít bị bệnh, thức ăn cũng được bố trí đều khắp ao nên hạn chế dư thừa. Từ năm 2023 đến nay, với mô hình này, mỗi năm, gia đình ông bán ra khoảng 3 - 4 tấn cá; 1 tấn lợn thịt và 1 tấn gà, vịt, thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc bố trí chăn nuôi khoa học, ông còn trồng xen các loại cây ăn quả như bưởi, na, chuối, cau… vừa tạo cảnh quan sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ là tấm gương tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi, ông Quang còn là Bí thư chi bộ năng động, tâm huyết đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương. Năm 2024, ông đã nhận được giấy khen của UBND phường Noong Bua và Ban Dân tộc - nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Điện Biên vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Điện Biên Vũ Văn Công, hai ông Lò Văn Mấng và Vi Ngọc Quang không chỉ là người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế, họ còn là những đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Mô hình kinh tế của hai ông đã góp phần làm cho diện mạo các thôn, bản vùng cao ở tỉnh miền núi Điện Biên ngày càng thay da đổi thịt.

Bài và ảnh: Phan Quân (TTXVN)
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em người dân tộc thiểu số
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em người dân tộc thiểu số

“Bén duyên” với công tác phụ nữ chưa lâu, nhưng với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), chị Nguyễn Thị Kim Nhung luôn gương mẫu, trách nhiệm, hết lòng vì phong trào Hội và được cán bộ, hội viên mến phục, tin yêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN