Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nâng cao mức sống, tỉnh Trà Vinh còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, từ nay đến năm 2030, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trà Vinh xây dựng Đề án đào tạo sau đại học giai đoạn 2024-2030, tập trung vào nhóm ngành y dược, công nghệ thông tin…; trong đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân tộc, xây dựng và phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, Trà Vinh luôn chú trọng cơ cấu người dân tộc thiểu số. Kết quả phê duyệt quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 67 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 19,4%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy 15 người, với 20% dân tộc thiểu số. Dân tộc thiểu số cấp trưởng, phó ngành tại tỉnh là 16 người, chiếm gần 6%; trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và tương đương là 19 người, trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn là 449 người, chiếm tương ứng 11,18% và 21,52%.
Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai các cơ chế, chính sách, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách về công tác dân tộc, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer…
Đặc biệt, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; trong đó có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người Khmer ở địa phương.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 5.220 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 22,6% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh và chiếm khoảng 18,5% biên chế được cơ quan thẩm quyền giao); tăng 481 người so với năm 2020. Trong số đó, cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Hoa là 125 người; dân tộc Mường là 1 người; dân tộc Khmer là 5.094 người.