Đây là những nghĩa cử cao đẹp, động lực để mỗi người dân Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19.
Ông Cao Viết Tỉnh (sinh năm 1937, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là thương binh hạng 4/4. Dù tuổi đã cao, song ông vẫn còn minh mẫn, sức khỏe tốt. Con cái ở xa, một mình ông tự làm vườn và chăm sóc bản thân. Mỗi tháng, ông nhận hơn 6 triệu đồng tiền lương hưu và chế độ thương binh. Khi biết thông tin mình thuộc đối tượng người có công được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19, ông đã viết đơn tự nguyện không nhận 1,5 triệu tiền hỗ trợ, nhường cho những người khó khăn hơn.
Trong đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của mình, ông Cao Viết Tỉnh viết: "Bản thân tôi ở một mình, có lương hưu và trợ cấp người có công hàng tháng, không bị ảnh hưởng gì do dịch COVID-19 nên tôi viết đơn này xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để ủng hộ những nơi gặp khó khăn hơn, san sẻ một phần nhỏ nào khó khăn với Nhà nước".
Ông Cao Viết Tỉnh chia sẻ thêm, với chủ trương của Chính phủ là “Chống dịch như chống giặc”, là một người dân Việt Nam, ông cảm thấy rất tự hào khi một đất nước nhỏ bé như Việt Nam đã khống chế được dịch nhanh chóng, không có người tử vong, đó là điều mà nhiều nước trên thế giới không làm được. Do tuổi đã cao, ông không thể tham gia “cuộc chiến chống dịch COVID-19", không giúp được gì cho đất nước, gia đình lại không khó khăn, ông tự nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ.
Là người từng trải qua hai cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Tỉnh vẫn nhớ những năm tháng đất nước khó khăn chống "giặc đói, giặc dốt", Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước lập các hũ gạo cứu đói. "Để đẩy lùi dịch COVID-19, một kẻ thù vô hình, cũng giống như trong những cuộc chiến năm xưa, chính là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc. Hơn lúc nào hết, sự đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau để đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn là điều mà mỗi người dân nên làm", ông Cao Viết Tỉnh nói.
Đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp, đầy ý nghĩa của ông Cao Viết Tỉnh cũng đã được nhiều người dân noi theo. Theo gương ông Tỉnh, tại xã Diễn Phong, bà Trần Thị Huấn (thương binh hạng 3/4) và bà Giao Thị Châu (vợ liệt sỹ) cũng đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19, để chia sẻ với những người khó khăn hơn.
Bà Trần Thị Huấn, xã Diễn Phong chia sẻ, nhận được số tiền 1,5 triệu hỗ trợ ảnh hưởng do dịch COVID-19, bà cảm thấy vui khi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người có công. Có lương hưu hàng tháng và xuất phát từ suy nghĩ còn nhiều người khó khăn hơn mình, bà Trần Thị Huấn đã gặp cán bộ chính sách để nhờ hướng dẫn làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
Ông Trương Hồng Khôi, Chủ tịch UBND xã Diễn Phong chia sẻ, trong thời chiến, những thương binh như ông Cao Viết Tỉnh, bà Trần Thị Huấn... đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, dù không trực tiếp tham gia “Cuộc chiến chống giặc COVID-19”, song những nghĩa cử cao đẹp của ông Tình, bà Huấn, bà Châu tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ thật đáng trân trọng và là tấm gương sáng để lớp trẻ noi theo. Số tiền từ người dân tự nguyện không nhận này đang được giữ tại tài khoản của bưu điện - đơn vị trực tiếp chi trả cho người dân và sẽ được hoàn trả lại ngân sách Nhà nước theo quy định.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An đang chi trả hơn 295 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 255.360 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng từ khâu lập hồ sơ, danh sách đến thẩm định, phê duyệt, chi trả chế độ, tránh tình trạng tiêu cực, trục lợi. Bên cạnh đó, Sở đang giao cho các huyện thống kê số người không nhận tiền hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện, đây là việc làm đáng trân trọng.