Người thương binh thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những người lầm lỡ

Nhiều người dân tại khu phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) đều biết đến thương binh hạng 2/4 Ngô Xuân Tự thường xuyên làm việc thiện và mở lớp dạy nghề giúp những người lầm lỡ.

Đi khắp mọi miền để làm từ thiện


Sau những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và chiến tranh biên giới phía Bắc, xuất ngũ trở về năm 1995, hơn 20 năm qua, hễ nghe thấy ở đâu có người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất chấp khoảng cách địa lý, người lính già lại xách ba lô đến giúp đỡ.

Ông Ngô Xuân Tự

Nói về ý tưởng muốn làm từ thiện ông Tự cho biết: “Vào năm 1995, khi đang điều trị vết thương từ thời chiến tranh trong viện, do hoàn cảnh gia đình , tôi vừa phải chịu đựng cơn đau thắt từ vết thương vừa phải tự lo cho bản thân mình. Lúc này, có bà cụ quê ở Thanh Ba (Phú Thọ) thấy vậy, tận tình giúp đỡ. Được bà cụ nhường cho thức ăn ngon, lấy cho từng suất cơm và động viên, tôi cảm động vô cùng. Trước việc làm của bà cụ, thôi thúc tôi phải đi giúp đỡ, sẻ chia với những cảnh đời bất hạnh, người từng rơi vào hoàn cảnh gian khó như mình”.


Tháng nào cũng vậy, biết được ở đâu có em nhỏ, người già, đồng đội của mình gặp khó khăn ông lại xách balô đến tận nơi để giúp đỡ. Qua việc đọc báo, ông Tự biết được hoàn cảnh của “người rừng” Bùi Văn Toán (sinh năm 1951). Thất vọng trước cuộc sống, ông bỏ vào rừng sống, đến giờ ngót nghét 40 năm sống tách biệt với con người. Từ Hà Nội, ông Tự vượt qua 70km đường nhựa, 40 cây số đường đất đến bản Oi Nọi (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) gặp gỡ, khuyên nhủ ông Toán trở về. Biết được ông Toán từng chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, giây phút gặp mặt là khoảnh khắc đầy cảm động giữa hai người lính. Sau nhiều lần thuyết phục, ông Toán đồng ý cùng đồng đội của mình trở về. Ông Tự xây nhà, sắm sửa đồ đạc và tạo điều kiện để ông Toán được hòa nhập với cuộc sống.


“Trước khi đi làm từ thiện, tôi thường thông qua huyện đội để tìm hiểu cụ thể địa bàn sẽ hỗ trợ. Toàn bộ kinh phí được ông chắt bóp từ chính khoản lương hưu hàng tháng và làm ăn kinh tế”, ông Ngô Xuân Tự cho biết.


Biết đến việc làm của ông, nhiều người cũng thường gửi ông quà, nhưng nguyên tắc của ông nhiều năm nay là chỉ nhận hiện vật, chứ tuyệt đối khôngnhận tiền rồi lại tự thuê xe, một mình mang đồ đạc đến tận địa phương trao cho người dân. Với những người được nhận quà, ông không quên cho lại số điện thoại của người quyên góp để gửi lời cảm ơn.


Ở cái tuổi, nhiều người muốn an nhàn, sống bên con cháu, người cựu chiến binh 72 tuổi vẫn miệt mài với công việc từ thiện. Bản thân ông lại cảm thấy, mình không mất mát, mà nhận được nhiều hơn. Đó không phải là của cải vật chất, mà là tình cảm thân thiết, gắn bó như gia đình của những người ông từng giúp đỡ.


Tạo việc làm cho nhiều người cơ nhỡ


Cùng với làm từ thiện, ông Ngô Xuân Tự cùng với một số người lập xưởng in để dạy nghề, tạo việc làm cho những hoàn cảnh bất hạnh, những người đã từng có bước đường lầm lỡ, vượt qua sóng gió cuộc đời để tìm cuộc sống mới hạnh phúc hơn.


“Năm 2014, tôi có ý tưởng về mở xưởng in xuất phát từ việc muốn cho họ “cần câu cá” để cho họ ổn định lâu dài. Có như vậy, họ mới ổn định cuộc sống bền vững”, ông Tự chia sẻ.


Những thanh niên đến với lớp học nhân đạo của ông Tự được học nghề, nuôi ăn ở miễn phí, đến khi có tay nghề vững, tiếp tục ở lại làm việc đến khi nào muốn ở về với gia đình.


Như anh Trần Minh (Quảng Ninh) đang làm lái xe chia sẻ: Bố mẹ ly hôn, thi trượt đại học, cách đây 3 năm, tôi định tự tử sau khi mắc vào loại “thuốc trắng” do không dứt ra được. Tuy nhiên, được ông Tự đưa về nhà, khuyên bảo và hỗ trợ dạy nghề, giờ anh Minh làm lái xe có thu nhập ổn định.


Ông Ngô Xuân Tự chia sẻ: “Còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ còn làm từ thiện và mở lớp dạy nghề cho những hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ”. Với những đóng góp của mình, ông Ngô Xuân Tự được Hà Nội trao tặng bằng khen “Người tốt việc tốt” trong năm qua.

Clip ông Ngô Xuân Tự chia sẻ về công việc đang làm:


XC/Báo Tin tức
Cố ý gây thương tích cho người làm công bị xử phạt như thế nào?
Cố ý gây thương tích cho người làm công bị xử phạt như thế nào?

Mới đây, chủ sử dụng lao động cố ý gây thương tích cho người làm công tại tỉnh Gia Lai. Vậy nếu có kết luận của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN