Công việc ý nghĩa này được anh duy trì hơn 10 năm qua mà chưa một lần anh than vãn hay kể khổ. Cũng nhờ tấm lòng của người thầy giáo "tay ngang" mà các em khuyết tật, mồ côi khi ra trường ai cũng có niềm đam mê với mỹ thuật và có công việc ổn định.
Mong ước một công việc ổn định
Một ngày đầu tháng 11, khi theo chân họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng đến với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi mới cảm nhận hết được sự nhiệt thành và tâm huyết mà anh dành cho các em học sinh khuyết tật ở đây.
Ở đây đang có khoảng 60 học viên khuyết tật tham gia các lớp học nghề, như: vẽ, điện tử, kim hoàn, may mặc... Mặc dù chưa tham gia khóa đào tạo nào về làm nghề giáo, nhưng với tâm huyết, đam mê vẽ và tình yêu dành cho các em học sinh khuyết tật, anh Hoàng đã trở thành một thầy giáo đáng yêu của các em ở trung tâm này. Mỗi khi lên lớp, anh Hoàng đều được các học viên trìu mến gọi bằng “Thầy Hoàng”.
"Hai tiếng "Thầy Hoàng" càng khiến tôi có thêm động lực đến với các em khuyết tật hàng tuần mà không quản ngại nắng mưa. Tương lai, tôi vẫn đến với các em cho đến khi nào sức khỏe không cho phép thì tôi mới dừng lại", anh Nguyễn Văn Hoàng tâm sự.
Gặp chúng tôi, các học trò của thầy Hoàng khá tự tin giới thiệu về mình lẫn ước mơ của các em. Hầu hết các em khuyết tật ở đây đều mong muốn sau này ra trường sẽ có một công việc ổn định để tự lo cho bản thân mà không khiến gia đình, người thân lo lắng. Em Trần Văn Trãi, học viên theo học vẽ tại đây cho biết, dù mới học được hơn một năm, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Hoàng và vốn năng khiếu hội họa, các bức tranh Trãi vẽ ra được đánh giá cao về bố cục, phối màu, nét vẽ mềm mại và có hồn.
“Em mong muốn sau thời gian học thành nghề và khi đã vẽ thành thạo thì có thể về quê mở một phòng tranh nhỏ để tiếp tục theo nghề vẽ và bán được sản phẩm của mình. Nhờ nguồn thu từ bán tranh sẽ giúp em tự lo được cho bản thân, trang trải cuộc sống để không còn là gánh nặng của những người thân xung quanh”, Trãi chia sẻ.
Trần Văn Trãi quê Tây Ninh, em bị khuyết tật nên không thể làm công việc nặng nhọc. Trước khi học vẽ, Trãi từng học làm kim hoàn nhưng sau đó nhận ra bản thân đam mê hội họa và phù hợp với sức khỏe nên quyết định đăng ký vào lớp vẽ. Dù đôi bàn tay yếu ớt nhưng Trãi không ngừng cố gắng, rèn luyện từ những kỹ năng nhỏ nhất như cách cầm cọ, pha màu, đưa nét vẽ đến phác họa bố cục, tán màu, cách quan sát… “Chỗ nào không hiểu hoặc làm chưa đúng, thầy Hoàng sẽ chỉ dẫn tận tình cho từng bạn. Thầy rất kiên nhẫn với chúng em, nhờ vậy mà chúng em có thêm động lực và tự tin vào bản thân hơn khi cầm cây cọ để vẽ”, Trãi chia sẻ thêm.
Đang tỉ mẫn vẽ tranh ở cuối lớp, em Trần Văn Hùng (24 tuổi) cho biết: “Điều khiến em yêu thích hội họa bởi khi vẽ tâm trạng của em thấy vui hơn, yêu đời hơn. Em vốn là trẻ mồ côi cả cha và mẹ, lại khuyết tật nên không ít lần mang nỗi mặc cảm, tự ti khi hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, khi vẽ tranh, cho ra được những sản phẩm mỹ thuật từ chính đôi tay của mình, tức là em vẫn làm được những có ích cho đời. Mơ ước sau này của em là có thể mở 1 phòng tranh trưng bày và bán tranh của các bạn học viên khuyết tật để chúng em ai cũng lo được cho bản thân, bớt gánh nặng cho người xung quanh”.
Ngoài em Trãi và Hùng, lớp vẽ của thầy Hoàng còn 13 học viên khuyết tật khác. Các học viên đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, mỗi người đều mang một dạng tật khác nhau, nên khi học vẽ, thầy Hoàng áp dụng những cách dạy khác nhau để các em có thể tiếp thu bài nhanh nhất. “Dù mỗi em đều bị khiếm khuyết vận động nhưng đều chung đam mê vẽ và đều có mơ ước sau này nuôi sống bản thân bằng công việc vẽ. Vì thế, các em luôn cố gắng rèn luyện mỗi ngày để nâng cao các kỹ năng. Đó chính là động lực khiến tôi thấy thương và quý mến các em, muốn truyền hết những kỹ năng mà tôi có cho các em”, anh Hoàng cho biết.
Hạnh phúc khi gieo được niềm vui
Anh Nguyễn Văn Hoàng vốn có đam mê nhiếp ảnh, hội họa nên khi đang là một kỹ sư cơ khí, anh quyết định rẽ ngang sang học chụp ảnh và học vẽ. Việc tình nguyện tham gia dạy vẽ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi đến với anh như một cơ duyên.
"Năm 2012, qua một người bạn, tôi biết được các em khuyết tật và mồ côi tại Trung tâm muốn được học vẽ nhưng không có giáo viên. Sau buổi đến thăm, thấy những thiệt thòi về vận động mà các em phải chịu, tôi quyết định lấy vốn hiểu biết hội họa của mình để truyền đạt lại. Tôi chỉ mong chia sẻ được việc có ích, dù không nhiều, để các em có cuộc sống vui hơn, hạnh phúc hơn”, anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.
Những ngày đầu về Trung tâm, anh gặp không ít khó khăn khi đứng lớp. Đối với học viên bình thường, việc giảng dạy đi từ kiến thức cơ bản đến nâng cao khá đơn giản và nhẹ nhàng, tuy nhiên với những học viên khuyết tật đó lại là trở ngại lớn. Vì vậy, để có thể giảng dạy cho các em tiếp thu bài nhanh, anh phải tìm hiểu, đưa ra phương pháp giảng dạy, truyền đạt phù hợp theo từng hoàn cảnh khuyết tật của từng em, để từng em tiếp thu bài hiệu quả nhất.
Anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết, tại Trung tâm có 2 dạng khuyết tật. Đối với các học viên khuyết tật vận động tay, chân nhưng trí tuệ vẫn bình thường thì anh tập trung dạy các em để có cái nghề. Trường hợp khuyết trí não và cả tay chân thì các em được học vẽ để thỏa niềm vui, đam mê với cuộc sống. Vì vậy, đa số những bức tranh của học viên vẽ ra được trưng bày tại Trung tâm, một số được bày bán trong siêu thị. So với tranh bán trên thị trường, anh Hoàng đánh giá tranh của các học viên không cạnh tranh được về nét vẽ nhưng bên trong chứa đựng sự nỗ lực, cố gắng nên không ít người đến tham quan Trung tâm đã đặt mua.
“Một số sản phẩm tuy có vụng về nhưng đó là tâm huyết của các em. Trên đôi tay run rẩy, các em vẫn cố gắng diễn đạt suy nghĩ, ý tưởng qua từng nét vẽ. Chính tâm huyết và sự nỗ lực của các em lại thu hút nhiều khách tham quan và họ bỏ tiền mua bức tranh là giá trị đó của các em. Đây cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của tôi mỗi ngày khi đến với các em học viên khuyết tật”, anh Hoàng cho biết thêm.
"Sau 10 năm cần mẫn đến Trung tâm giảng dạy cho các em học viên khuyết tật, không ít học viên của tôi khi ra ngoài đã có thể sống được với công việc vẽ tranh. Một số học viên do hoàn cảnh gia đình hoặc về nơi ở không thuận tiện để sống được với nghề, nhưng ngược lại các em không còn mặc cảm mà đã tự tin, yêu đời hơn trong cuộc sống. Với tôi, đó chính là niềm vui, hạnh phúc, là động lực để tiếp tục gắn bó với công việc này như một phần cuộc sống của mình”, anh Hoàng tâm sự.
Hiện tại, ngoài việc đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh để giảng dạy, anh Hoàng đang quản lý một phòng tranh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3). Nơi đây bày bán các tác phẩm anh vẽ và cũng là nơi anh đang dạy vẽ miễn phí cho 2 bạn trẻ bị khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đây cũng là nơi thực tập của không ít sinh viên…
Anh Nguyễn Văn Hoàng vừa được UBND TP Hồ Chí Minh tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP Hồ Chí Minh lần 5 – năm 2022.
Ngoài công việc dạy vẽ tình nguyện, anh còn kết nối với một siêu thị làm “gian hàng không lợi nhuận” để tìm đầu ra cho 61 sản phẩm tranh hoa đất của các em khuyến tật; kết nối với Công ty Densu Việt Nam gia công 600 lẵng hoa quà tặng nhằm giúp các em có thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, anh cùng gia đình đóng góp trực tiếp bằng hiện vật gần 100 triệu đồng để sửa chữa mới hoàn toàn 2 lớp học vẽ và lớp vẽ hoa đất tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, nhận hỗ trợ cho 7 em học viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19…