Người phụ nữ Bố Y giữ gìn văn hóa dân tộc

Chị Lồ Lài Sửu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong những người đã khổ công suốt 20 năm sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và phục dựng những bài ca dao, dân ca cùng làn điệu múa dân gian truyền thống của người Bố Y với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc.


Là người con của dân tộc Bố Y, ngay từ nhỏ được sống trong môi trường văn hóa truyền thống, chị Lồ Lài Sửu đã đam mê những bài hát câu hát vì nội dung rất sâu sắc và ý nghĩa, hơn nữa cả giai điệu và lời bài hát chan chứa tình người, tình yêu thương quê hương đất nước. Niềm đam mê thôi thúc chị tìm đến các cụ ông, cụ bà trong thôn để học hát dân ca, đồng thời, cũng tìm hiểu thêm về các phong tục tập quán, các tri thức dân gian để làm giàu thêm kiến thức cho bản thân.

Nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sử.

Năm 1995, chị Sửu chủ động sưu tầm và học hỏi những bài hát dân ca Bố Y. Chị thường đến nhà ông Dì Sí Sần, bà Vàng Sú Chấn, là những nghệ nhân, để học hát và ghi chép lại phiên âm bằng tiếng Việt các bài hát truyền thống dân tộc. Chị được dạy cho các bài hát ru con, các bài hát đồng dao, giao duyên đối đáp nam nữ... Khi xã tổ chức các chương trình văn nghệ hoặc đi giao lưu văn nghệ ở các xã khác, chị dùng chính những bài hát học được để hát cho bà con nghe và mọi người hào hứng tán thưởng.

Dần dà, sau khi đã thuộc hầu hết các bài hát dân ca dân tộc Bố Y, có sẵn vốn văn nghệ và được nhiều người trong thôn, xã và cả những làng khác biết đến, chị Sửu thường xuyên được xã cử đi hát tại các chương trình văn nghệ, thể thao do xã, huyện tổ chức. Chị bắt đầu chuyển sang sáng tác thêm những bài hát, ca dao, dân ca và những làn điệu múa dân ca gắn với những phong tục tập quán của dân tộc mình. Đồng thời, dùng những bài hát chị học được và sáng tác được để truyền dạy cho các em học sinh dân tộc Bố Y trong thôn cùng múa hát. Vần và giai điệu bài hát dựa trên nền bài hát truyền thống dân tộc để sáng tác cho phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Phụ nữ Bố Y trong trang phục truyền thống.

Thông qua các buổi truyền dạy và giao lưu văn nghệ chị luôn tuyên truyền cho các chị em phụ nữ trong thôn cũng như các cháu học sinh người Bố Y cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hiện chị đã truyền dạy cho 13 chị em phụ nữ và 12 học sinh biết hát và múa các điệu múa truyền thống dân tộc. Chị đã kết hợp với các ban ngành đoàn thể tại địa phương tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ tại thôn và đi tham gia biểu diễn văn nghệ thể thao tại huyện, tỉnh và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ "giỏi việc nước", gia đình chị Sửu còn là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liên tục và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2014 đến nay với nguồn lãi mỗi năm từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kinh doanh vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp... lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2013, chị được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đồng thời được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Hương Thu
Lão nông nghèo hiến 'tấc vàng' xây nhà văn hóa
Lão nông nghèo hiến 'tấc vàng' xây nhà văn hóa

Ông Lê Hải Thanh, 71 tuổi, dân tộc Dao quần trắng, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã tiên phong hiến 865 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, giúp người dân trong thôn có nơi sinh hoạt thuận tiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN