Người nông dân tìm ra cây “mũi nhọn”

Với việc mạnh dạn đầu tư trồng cây tam thất, anh Giàng Seo Sỳ, thôn Nà Cảng, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) được chính quyền và người dân bầu chọn là người có công tìm ra cây “mũi nhọn” đột phá để giảm nghèo tại huyện.


Sau nhiều lần sang đất Mã Quan (Trung Quốc) làm thuê và đi chợ phiên biên giới, anh Giàng Seo Sỳ thấy nhiều hộ dân bên nước bạn trồng và giàu lên từ cây tam thất. Anh Sỳ đã tìm hiểu kỹ cách trồng loại cây “hái ra tiền” này để đem về quê mình trồng, trước mắt nhằm tăng thu nhập cho gia đình, sau là giúp đồng bào mình có cây trồng mới với giá trị kinh tế cao để thoát nghèo.

Đầu năm 2013, Giàng Seo Sỳ dồn toàn bộ nguồn vốn tích lũy của gia đình cộng với vốn vay từ anh em bạn bè khoảng 600 triệu đồng để mua cây giống. Sau đó, anh làm đơn xin chính quyền cấp gần 1 ha đất trồng loại cây dược liệu quý này.

Anh Giàng Seo Sỳ bên vườn cây tam thất của gia đình.Ảnh: laocai.org

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên đến giữa năm 2014 (sau 8 tháng trồng), toàn bộ diện tích trồng cây tam thất của anh đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu bước đầu trên 200 triệu đồng. Đến nay, vườn tam thất nhà anh đã đúng tuổi, dự kiến sản lượng sẽ trên 5 tấn củ tươi. Nếu bán với giá 500.000 đồng/kg, anh sẽ thu được trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi trên 1 tỷ đồng.

Theo anh Giàng Seo Sỳ, cây tam thất trồng được ở thôn Nà Cảng cũng sẽ trồng được ở những xã khác có khí hậu thổ nhưỡng tương tự. Ý kiến đề xuất này của anh được chính quyền địa phương chấp nhận, nên năm 2014, huyện Si Ma Cai đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn vốn hỗ trợ các hộ thực hiện mô hình điểm, mỗi hộ 400 triệu đồng (trích nguồn vốn Chương trình 30a) để phát triển cây tam thất, nâng diện tích lên gần chục ha.

Cây tam thất mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân ở Si Ma Cai.
Ảnh: laocai.org

Được sự khuyến khích của cơ quan chức năng và sự giúp đỡ về kinh nghiệm của Giàng Seo Sỳ, nhiều hộ dân trong đó, có hộ anh Hoàng Seo Lử (xã Nàn Sán) đã quyết định bán 6 con trâu và vay thêm người thân, bạn bè 400 triệu để góp vốn đầu tư trồng 2 ha cây tam thất. Hiện số cây trong vườn nhà anh Lử đã cho thu hoa và đang phát triển khá tốt.

Theo các nhà khoa học, tam thất là cây có giá trị kinh tế cao, nên khá "khó tính" trong gieo trồng và chăm sóc. Cụ thể, đất trồng cây tam thất phải được làm tơi xốp và ở nơi có nhiều giờ nắng trong ngày, nhưng tránh ánh nắng chói chang; luống trồng phải đánh cao để tránh đọng nước khi mưa; mặt luống phải dùng cỏ gianh khô hoặc lá thông kim phủ để vừa giữ độ ẩm, vừa hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào cây. Việc phòng trừ sâu bệnh cũng phải tuân thủ đúng quy trình và sử dụng đúng loại thuốc, đúng nồng độ. Bên cạnh đó, sau một trận mưa, phải phun thuốc dưỡng lá, nếu không lá tam thất sẽ khô đầu, dẫn đến thối lá và củ. Sau mỗi lần bón phân, nhất quyết phải dùng quạt gió để thổi bay hết phân bón vương trên lá, vì chỉ cần dính vài ngày là hóa chất sẽ đốt cháy lá tam thất.
Lục Văn Toán
Kỳ Sơn dẫn đầu xóa đói,  giảm nghèo
Kỳ Sơn dẫn đầu xóa đói, giảm nghèo

Huyện miền núi Kỳ Sơn là địa phương dẫn đầu tỉnh Hòa Bình về công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn 4,3%. Đời sống của nhân dân vùng khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công được cải thiện rõ rệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN