Người mẹ của nhiều trẻ khuyết tật

Võ sinh khiếm thị, chậm phát triển, bị hội chứng down hướng dẫn một cách thuần thục các thành viên trong lớp các bài quyền, tư thế nhào lộn, tự vệ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Đó là hình ảnh quen thuộc trong lớp võ dành cho trẻ khuyết tật được nữ võ sư 70 tuổi Nguyễn Thị Thanh Loan duy trì suốt 12 năm nay tại Câu lạc bộ bơi lội Kỳ Đồng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nữ võ sư Aikido - Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban chuyên môn Hội Võ thuật Khiếm thị TP.HCM. Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Theo học từ những ngày đầu Aikido du nhập Việt Nam năm 1958, đến năm 1967, võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan là người phụ nữ thứ hai ở Việt Nam đạt đẳng shodan (huyền đai của Tổng đàn Aikido quốc tế) vào năm 20 tuổi. Năm 2005, khi Sở Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) thành lập Hội Võ thuật người khiếm thị với các môn Aikido, Judo, vật, võ sư Thanh Loan được giao đảm trách môn Aikido cho một lớp gần 20 em khiếm thị.

Theo võ sư Thanh Loan, khi phụ trách lớp học này, điều võ sư lo lắng nhất chính là phương pháp dạy và tránh xảy ra chấn thương cho các em. Nhiều lần võ sư đứng giữa phòng tập, tự bịt mắt mình để có cùng cảm nhận với các học trò. Võ sư nhận ra rằng các học trò khiếm thị tuy không nhìn thấy nhưng có thính giác và xúc giác rất nhạy. Vì thế trong lúc dạy võ sư giải thích cặn kẽ động tác, cho các em sờ bằng tay khi đưa ra tư thế. Trải qua một thời gian kiên trì hướng dẫn, các em khiếm thị đã thực hiện được những động tác võ cơ bản.

Lớp võ dành cho trẻ khiếm thị đầu tiên đó rất hữu ích, giúp các em trở nên tự tin và lạc quan hơn. Từ đó, vào những dịp đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật các cấp, võ sư Thanh Loan dẫn học trò đi biểu diễn hoặc thi đấu trong sự ngạc nhiên, thán phục của mọi người.

Một lần đang dạy võ cho lớp khiếm thị, võ sư Thanh Loan thấy một phụ huynh dẫn con bị hội chứng down đến xem các bạn tập luyện. Bé Yến Linh ngồi say sưa nhìn các bạn tập luyện rồi nắm tay mẹ đòi dắt vào lớp. Nhìn thấy sự lúng túng của người mẹ và niềm thích thú trong ánh mắt bé, võ sư Thanh Loan quyết định nhận học trò bị down đầu tiên vào lớp võ của mình.

Những ngày đầu đến võ đường, Yến Linh cứ ngồi cúi mặt không nghe lời của ai. Võ sư Thanh Loan ngồi nói chuyện, nắm tay cho em đi vòng quanh lớp tập theo động tác của các bạn khiếm thị. Từ từ quen dần, Yến Linh biết nghe theo hướng dẫn của võ sư Thanh Loan, tự giác xếp hàng, chào các bạn trong lớp và thực hiện các động tác võ thuật. Không chỉ dừng lại ở đó, mọi sinh hoạt trong gia đình của Yến Linh cũng được em tự giác thực hiện mà không cần ba mẹ nhắc nhở.

Võ sư Thanh Loan cùng với các tình nguyện viên trong lớp võ đặc biệt dành cho các em bị khuyết tật, câm điếc, bệnh Down, tự kỷ… tại Nhà luyện tập Phú Thọ. Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Nhờ sự thay đổi đó, gia đình Yến Linh chia sẻ với những phụ huynh có cùng hoàn cảnh, nhiều người đã dẫn con em mình đến lớp nhờ võ sư hướng dẫn. Những phụ huynh có con chậm phát triển, tự kỷ cũng nhờ võ sư dạy dỗ để có thể hòa nhập với các bạn.

Với lớp học có nhiều học sinh khuyết tật khác nhau, võ sư Thanh Loan phải chuẩn bị những cách dạy riêng cho từng đối tượng. Khó khăn nhất là ngăn các em có hành động bạo lực tự làm đau bản thân hoặc cào cấu các bạn.

Từ lớp học của võ sư Thanh Loan, những trẻ khiếm thị, tự kỷ, chậm phát triển đã đạt được đai đen nhất đẳng, đai đen nhị đẳng trong môn Aikido, trở thành võ sư hướng dẫn cho các em khuyết tật khác. Nhìn Nguyễn Phước Linh, Bùi Tất Thành đang tổ chức lớp võ thành hai khu vực, khu tập quyền, khu luyện thế nhào lộn, không ai biết đây là những võ sư bị khiếm thị, tự kỷ đạt đai đen nhị đẳng.

10 năm rèn luyện trong lớp võ, Nguyễn Phước Linh đã tốt nghiệp cử nhân Khoa giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành giáo viên của Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng ở quận Thủ Đức. Mỗi sáng thứ bảy, Phước Linh lại đón xe buýt từ Thủ Đức lên Quận 3 để hướng dẫn võ thuật cho các em khuyết tật. Nhờ sự tỉ mỉ, ân cần của mình, Phước Linh giúp các em thực hiện thuần thục tư thế nhào lộn, tự vệ trong Aikido. Dù khó khăn trong giao tiếp nhưng võ sư Bùi Tất Thành vốn bị tự kỷ lại có khả năng tập hợp võ sinh trong lớp tập luyện các bài quyền Aikido.

Sau một thời gian dạy võ cho trẻ khuyết tật, võ sư Thanh Loan nhận thấy các em chỉ học võ vẫn chưa đủ, nhiều em gia đình khó khăn nên chưa được học văn hoá. Năm 2014, võ sư xin một căn phòng nhỏ tại Nhà thiếu nhi Quận 3 để mở lớp dạy thêm tiếng Việt, Toán, tiếng Anh và múa hát cho các em.

Hiện nữ võ sư 70 tuổi vẫn duy trì các lớp học của mình đều đặn hằng tuần, trong đó lớp bóng đá trẻ khuyết tật diễn ra vào sáng thứ bảy tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, lớp võ và bơi lội tại Câu lạc bộ Bơi lội Kỳ Đồng. Các lớp dạy tiếng Việt, tiếng Anh, Toán, múa hát diễn ra từ thứ hai đến chủ nhật tại Nhà thiếu nhi Quận 3. Trẻ khuyết tật được tham gia miễn phí các lớp học của võ sư Thanh Loan. Một số phụ huynh tự nguyện đóng góp khoản phí hằng tháng giúp chi trả kinh phí mời giáo viên và mua những vật dụng phục vụ việc học của các em.

Liên tục 2 năm nay, anh Phạm Ngọc Tuấn đều đặn đưa em họ Huỳnh Nguyễn Sơn Nam bị hội chứng down tham gia lớp võ, bơi lội và bóng đá của võ sư Thanh Loan. Anh Ngọc Tuấn chia sẻ: Sau thời gian tham gia các lớp học, Sơn Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống, hoàn toàn tự chăm sóc bản thân và thể hiện được năng khiếu bơi lội. Gia đình sẽ cho em tham gia lớp học lâu dài để phát huy khả năng và có thể tham gia các giải đấu dành cho người khuyết tật các cấp.

Theo võ sư Thanh Loan, trẻ khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi nên dễ tự ti và tạo nên thế giới riêng không cho người khác xâm nhập vào. Võ thuật cũng như các môn vận động và văn hóa, kiến thức chính là chìa khóa tạo cho các em có được sự tự tin, có sức khỏe, niềm vui. Chỉ cần có một tia hy vọng, võ sư đều nắm bắt để giúp các em hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)
Yêu cầu các bến xe hỗ trợ chuyển 53 lốt xe cuối cùng ra khỏi bến Mỹ Đình
Yêu cầu các bến xe hỗ trợ chuyển 53 lốt xe cuối cùng ra khỏi bến Mỹ Đình

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chuyển 53 lốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình ra khỏi bến Mỹ Đình từ 0 giờ ngày 20/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các bến xe tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải tuyến Ninh Bình - Hà Nội sau khi thực hiện điều chuyển luồng tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN