Ông Lê Duy Hoan (sinh năm 1952), tốt nghiệp Đại học Hàng hải năm 1981. Vì muốn có thời gian chăm sóc chị gái và em trai bị tật nguyền nên thay vì vào Nam làm kỹ sư với mức lương tương đối cao, ông chọn về quê công tác tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Sông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Tại đây ông Lê Duy Hoan đã có nhiều sáng kiến giúp xí nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm sức người và chủ động trong sản xuất. Ông Lê Duy Hoan nhớ lại: Làm việc tại xí nghiệp không lâu, nhận thấy chỉ mỗi công đoạn nâng gỗ lên giàn chế biến mà cần rất nhiều người, tôi đã thiết kế hệ thống cầu chuyển tải sức nâng 3,2 tấn để cơ giới hóa toàn bộ số gỗ tròn cho 2 phân xưởng chế biến. Sáng kiến được áp dụng, thay vì phải làm việc liên tục ba ca, xí nghiệp chỉ còn làm việc 2 ca/ngày, năng suất lại tăng 1,5 lần.
Chưa dừng lại ở đó, khi thấy máy phát điện của xí nghiệp phải phụ thuộc vào hai bình ắc quy cỡ lớn mới khởi động được, lúc nào ắc quy yếu là toàn xí nghiệp phải nghỉ việc, ông Hoan lại nghiên cứu bộ giảm áp, chỉ cần một bình ắc quy 120A mà máy vẫn khởi động được. Sáng kiến của ông cũng cung cấp điện trực tiếp cho cần trục cổng, giúp xí nghiệp không còn cảnh liên tục thay dây cáp phải đặt mua từ nước ngoài, chi phí rất đắt... Với các sáng kiến có tính ứng dụng cao của ông Lê Duy Hoan, lãnh đạo Xí nghiệp chế biến lâm sản Sông Hiếu đã quyết định thưởng cho ông một nếp nhà, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hai lần tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 1985 và 1986 cho ông.
Năm 2001, ông Lê Duy Hoan chuyển công tác về tại Công ty Quản lý sửa chữa cầu đường bộ Nghệ An. Tại đây, ông tiếp tục có hai sáng chế quan trọng là thiết bị nâng hạ để giúp công nhân bảo dưỡng gối cầu, thay vì phải làm giàn giáo tạm bợ, nguy hiểm và thiết bị bảo dưỡng cột đèn đường thay cho việc công nhân phải leo bằng thang tre mất an toàn. Năm 2008, xuất phát từ thông tin một vụ tai nạn tại Trung Quốc làm 17 người chết do đứt cáp thang nâng, ông đã có ý tưởng chế tạo máy nâng hạ đảm bảo độ an toàn, tránh các tai nạn khi đứt cáp xảy ra. Sau nhiều năm tự tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo rồi tiến hành thử nghiệm hàng chục lần, ông sáng chế thành công sản phẩm “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng” đầu tiên vào năm 2014.
Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng được cấu tạo gồm: Hai trụ đứng, mặt trong hai trụ đứng có hai đường dẫn hướng, trên đường dẫn hướng đục các lỗ kiểu chốt để bộ phận tự hãm bằng trọng lượng làm việc, khi sự cố đứt cáp xảy ra thùng hoặc cabin không bị rơi tự do; một thùng tải (cabin trong thang máy) để nâng hàng hóa; bộ phận tự hãm bằng trọng lượng và tời điện (trong thang máy là máy kéo) để nâng hạ thùng tải hoặc cabin lên xuống theo phương thẳng đứng.
Điều khác biệt ở sản phẩm của ông Lê Duy Hoan đó là, bộ phận tự hãm bằng trọng lượng làm việc tức thời, linh hoạt, không bị kẹt, bảo đảm hiệu quả, an toàn khi sự cố đứt cáp xảy ra. Trong trường hợp đứt cáp, mất lực căng, lực đàn hồi của lò xo tức khắc làm việc, đẩy mặt côn trên trục dẫn hướng đứng trở về vị trí ban đầu, ép phanh đóng lại, tự động bật chốt. Do đó, đứt cáp ở thời điểm nào thì hãm tại thời điểm đó, làm cho thang nâng không bị rơi tự do và đảm bảo độ an toàn tức thời. Ông Lê Duy Hoan chia sẻ: Trung bình thời gian để hoàn thành mỗi chiếc thang nâng từ 20 ngày đến 1 tháng, tùy theo số nhân công làm và quy mô thang gia đình hay thang hàng. Ưu điểm của sản phẩm này là đảm bảo an toàn tuyệt đối khi sự cố đứt cáp xảy ra, máy có thể thiết kế theo nhiều độ cao và tải trọng nâng khác nhau, trong khi giá thành chỉ từ 60 – 150 triệu đồng tùy loại, tương đương 1/2 giá các thiết bị khác có công năng tương tự được nhập từ nước ngoài.
Sáng chế “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền vào tháng 9/2015; đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2012; giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An năm 2018.
Tính từ năm 2014 đến nay, ông Lê Duy Hoan đã sản xuất hơn 20 chiếc “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng”. Sản phẩm của ông được sử dụng để đưa hàng hóa lên xuống ở các nhà cao tầng, dùng trong xây dựng thang máy, trong các xưởng sửa chữa xe ô tô ở trong tỉnh Nghệ An và một số các tỉnh khác như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Nam.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết: Dù đã cao tuổi nhưng ông Lê Duy Hoan là tấm gương sáng về đam mê sáng tạo khoa học công nghệ. Trong rất nhiều sáng kiến của ông Lê Duy Hoan, “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng” là sản phẩm mang tính hữu ích rất cao, phù hợp với các công trình dân sinh mà giá lại thấp hơn rất nhiều lần so với việc phải nhập từ nước ngoài về. Đặc biệt, đây là công trình do chính người Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất, khắc phục được những tồn tại ở những sản phẩm của các hãng khác trên thị trường.
Hiện nay, với sự giúp sức của người con trai học Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ra trường cùng 7 công nhân cơ khí, ông Lê Duy Hoan đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn và tự động hóa Nhân Phát, có xưởng sản xuất ngay tại gia đình để sản xuất “Máy nâng hạ có bộ phận tự hãm bằng trọng lượng”. Mong muốn lớn nhất của ông Lê Duy Hoan là tỉnh Nghệ An cũng như các cơ quan liên quan có cơ chế chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, để ông cũng như các nhà sáng chế không chuyên khác, có cơ hội phát triển sản xuất các sản phẩm do tự mình sáng chế đã được chứng nhận và ứng dụng rộng rãi trên thị trường.